Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

8 kỹ năng “sinh tồn” mà tân SV Bách khoa Quốc tế cần có

Bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn, trường đại học là môi trường lý tưởng để sinh viên rèn luyện các kỹ năng thiết yếu cho hành trang lập nghiệp tương lai. Dưới đây là 8 kỹ năng cơ bản giúp sinh viên “sống sót” không chỉ ở Bách khoa mà còn cả khi vào đời.

1. Kỹ năng học tập và sáng tạo: Khả năng nắm bắt và tiếp thu kiến thức mới, cùng với khả năng tư duy sáng tạo là yếu tố quan trọng giúp sinh viên thích nghi với những thách thức mới và phát triển ý tưởng đột phá trong học tập, nghiên cứu và công việc sau này. Tại Bách khoa, sinh viên có thể rèn luyện và phát huy tính sáng tạo thông qua cuộc thi đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật như Bách Khoa Innovation (BKI), Hội nghị Khoa học & Công nghệ Sinh viên Bách khoa Quốc tế

2. Kỹ năng quản lý thời gian: Hiểu rõ mức độ ưu tiên của từng đầu việc và sắp xếp thời lượng cho chúng hợp lý sẽ giúp bạn cân bằng giữa việc học, sinh hoạt và cuộc sống cá nhân. Ngay học kỳ Pre-University, sinh viên chương trình đào tạo quốc tế có cơ hội tiếp cận và thực hành kỹ năng quản lý thời gian thông qua việc sắp xếp lịch học tiếng Anh, Kỹ năng Mềm, Kỹ năng Xã hội, thực hiện dự án cộng đồng, tham gia hội trại… một cách nhịp nhàng.

3. Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Tại Bách khoa, bạn sẽ phải thường xuyên làm các bài tập lớn, đồ án, nghiên cứu cùng nhiều nhóm khác nhau. Tìm cho mình những “chiến hữu” hợp gu, cùng nhau giải quyết các vấn đề xảy ra trong nhóm sẽ giúp bạn và các thành viên phát triển và đạt được mục tiêu chung.

4. Kiến thức công nghệ thông tin: Nắm bắt công nghệ và làm chủ công cụ số giúp sinh viên đáp ứng tốt với môi trường công việc thay đổi liên tục của thời đại công nghệ, nhất là sinh viên khối ngành kỹ thuật. Chứng chỉ MOS là bài kiểm tra năng lực tin học văn phòng tối thiểu mà mọi sinh viên Bách khoa cần có để tăng lợi thế cạnh tranh nghề nghiệp khi ra trường. Tại Bách khoa, nhà trường thậm chí còn hỗ trợ sinh viên chi phí thi lần đầu cho bài thi MOS (Excel, PowerPoint) nữa đó.

5. Kỹ năng giải quyết vấn đề: Khả năng phân tích, đưa ra các phương án giải quyết vấn đề và ra quyết định thông minh là yếu tố cần thiết để bạn có thể giải quyết các tình huống khó khăn trong học tập, công việc và cuộc sống.

6. Tinh thần học tập suốt đời: Sẵn sàng và chủ động tiếp thu kiến thức mới và tiếp tục học hỏi sau khi ra trường là nền tảng giúp người học củng cố vị thế cá nhân và phát triển năng lực chuyên môn.

7. Khả năng thích nghi: Sự thay đổi không ngừng trong môi trường học tập hay công việc đòi hỏi bạn cần có khả năng thích nghi nhanh chóng và linh hoạt ứng phó trong mọi hoàn cảnh.

8. Tư duy toàn cầu và thông thạo ngoại ngữ: Cơ hội học tập và giao tiếp với bạn học, giảng viên, doanh nghiệp từ nhiều nền văn hóa và quốc gia là điểm mạnh trong môi trường học tập quốc tế tại Bách khoa. Việc giảng dạy nhiều hơn một ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) và quốc tế hóa giáo dục cũng là chiến lược quan trọng của nhà trường nhằm tăng lợi thế cạnh tranh nghề nghiệp cho sinh viên trên thị trường lao động toàn cầu.

Bài: LINH LÊ – Hình: OISP

Bài trước

Bài tiếp