Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

SV Cơ Kỹ thuật Bách khoa là mỏ vàng của doanh nghiệp nhật

Từ Nhật trở về thăm trường cũ, TS. Hàn Văn Cường, cựu SV khóa 2010, hiện là Quản lý Chương trình Cấp cao khu vực Đông Bắc Á của Microsoft (Mỹ), đã có buổi gặp gỡ và chia sẻ truyền cảm hứng cho các hậu bối ngành Cơ Kỹ thuật.

Bài viết liên quan
Lồ Sìu Vẫy: ngày càng nhiều công ty quan tâm mô phỏng thử nghiệm
“Chọn Cơ Kỹ thuật vì nhìn thấy triển vọng tương lai”
Cơ Kỹ thuật: ngành dự báo được những rủi ro trong vận hành kỹ thuật

TĂNG HIỆU SUẤT, GIẢM CHI PHÍ NHỜ CƠ KỸ THUẬT

* Ngược dòng thời gian 13 năm về trước, nguyên do nào khiến anh lựa chọn ngành học này? Và nếu được chọn lại thì anh vẫn chọn Cơ Kỹ thuật chứ và vì sao?

Thật sự thì 13 năm trước, khi lựa chọn ngành học, đó là một cơn đau đầu dễ chịu của gia đình mình [cười]. Khi tìm hiểu về ngành Cơ Kỹ thuật, mình cũng khá tò mò bởi vì đó là khái niệm mới. Mình hỏi một số người quen thì họ dường như cũng không biết đến ngành này. Sau quá trình tìm hiểu và được tư vấn thì đây là ngành liên quan đến cơ khí và máy tính. Thật sự đây là hai thứ mình đang tìm kiếm trong công việc và ngành nghề mình muốn làm việc trong tương lai. Mình nghĩ đây là lựa chọn rất đúng đắn vì nó giúp mình có được vị trí như bây giờ.

Là một ngành lạ không chỉ ở cái tên, Cơ Kỹ thuật còn độc đáo nhờ nền tảng học thuật liên ngành, có tính ứng dụng đa lĩnh vực: công nghệ thông tin, cơ khí, giao thông vận tải (ô tô, hàng không), xây dựng, khoa học sự sống… Như vậy, có thể nói, bất kỳ bạn trẻ nào yêu thích kỹ thuật nói chung cũng như các ngành nghề/ lĩnh vực riêng lẻ nói trên đều có thể lựa chọn để học tập ở bậc Đại học phải không anh?

Đúng vậy! Cơ Kỹ thuật là ngành học rất thú vị, nó là sự kết hợp giữa cơ khí truyền thống với máy tính và công nghệ hiện đại. Bạn sẽ được học nhiều kiến thức về cơ khí, lập trình, các nền tảng về thuật toán và làm sao máy tính có thể mô phỏng về hiện tượng vật lý bên ngoài.

Khi chưa có ngành Cơ Kỹ thuật, nếu muốn thí nghiệm về va chạm, thí dụ như rớt điện thoại xuống đất (để kiểm tra độ bền của khung điện thoại), nhà sản xuất phải cho 1.000 cái điện thoại rớt liên tục để tìm ra cách gia cố hệ thống khung tối ưu nhất. Ngày nay, nhờ sự phát triển của ngành Cơ Kỹ thuật và phần mềm máy tính, các kỹ sư có thể mô hình hóa quá trình va chạm đó trên máy tính.

Gần đây. Cơ Kỹ thuật được ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp xe hơi, lúc này khái niệm về phần mềm mô phỏng càng rộng hơn nữa, không chỉ giả lập va chạm mà còn về hiện tượng nhiệt, động lực học, hệ thống bền, đối lưu không khí… Nếu bạn yêu thích phần mềm máy tính hoặc cơ khí, cơ học tính toán thì đây thực sự là ngành học rất phù hợp với bạn.

Trong nền công nghiệp hiện đại, có hai thứ doanh nghiệp hướng tới đó là hiệu suấtgiảm chi phí. Ngành Cơ Kỹ thuật giúp doanh nghiệp tính toán chính xác các thông số tối ưu của sản phẩm, vừa đẩy nhanh quá trình sản xuất, vừa kéo dài vòng đời sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cũng trở nên kinh tế hơn nhờ áp dụng các thí nghiệm ảo trên máy tính thay cho thực nghiệm tốn kém.

Thí dụ trong lĩnh vực cầu đường, các cây cầu – cũng như con người – cần “khám sức khỏe” định kỳ. Các kỹ sư Cơ Kỹ thuật sẽ gắn thiết bị cảm biến dưới chân cầu để đo tốc độ rung, lắc, từ đó chẩn đoán tình trạng của cây cầu xem có cần được gia cố, bảo trì không.

Mặc dù theo đuổi con đường học vấn lên tới vị trí tiến sỹ, song anh không chọn hướng nghiên cứu, giảng dạy mà lựa chọn môi trường làm việc công nghiệp. Xin anh chia sẻ lý do?

Trước khi được nhận học bổng Sau Đại học từ Nhật, mình bắt đầu thực tập và làm việc tại một công ty của Đức ở Việt Nam. Khi đó, mình là thực tập sinh trẻ nhất của công ty. Giai đoạn làm nghiên cứu sinh tại Nhật, mình có cơ hội tham quan các phòng thí nghiệm ở các nước châu Âu và Mỹ, gặp gỡ nhiều giáo sư để định hướng nghề nghiệp sau này. Khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, mình quyết định gia nhập vào môi trường công nghiệp để có cơ hội làm nhiều dự án ở các công ty đa quốc gia.

Mình nhận được nhiều lời mời làm việc từ các công ty Nhật, Mỹ, châu Âu. Cuối cùng, mình quyết định chọn làm cho công ty của Mỹ tại Nhật vì mình thích văn hóa của Mỹ và muốn có sự thay đổi sau nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp Nhật.

HỌC THÊM MỘT NGOẠI NGỮ, SỐNG THÊM MỘT CUỘC ĐỜI

Bài viết liên quan
Thực tế mức lương ngành Cơ kỹ thuật tại doanh nghiệp nhật
Cơ Kỹ thuật: hướng đi mới lạ cho dân mê lập trình

Với kinh nghiệm tám năm làm việc trong lĩnh vực Cơ Kỹ thuật tại Nhật, anh có nhận định thế nào về vai trò cũng như tầm quan trọng của kỹ sư mảng này tại Nhật?

Trong quá trình sống và làm việc tại Nhật, mình có tham gia cố vấn cho một công ty phần mềm, nhờ đó mới biết rằng Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng rất cao trong lĩnh vực mô phỏng, tính toán. Như đã nói ở trên, Cơ Kỹ thuật giữ vai trò cốt lõi trong ngành công nghiệp chế tạo xe hơi, trong khi Nhật lại là cường quốc tế giới về lĩnh vực này. Mà không chỉ riêng ở Nhật không đâu, ngay cả các công ty ở Mỹ, châu Âu, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư Cơ Kỹ thuật là rất lớn.

Chương trình đào tạo ngành Cơ Kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa có ưu thế là trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng làm việc thực tế trong qua các hoạt động thí nghiệm, thực tập, kiến tập, làm đồ án, tham gia nghiên cứu cùng các thầy cô trong bộ môn hay làm các đề tài thực tế với doanh nghiệp bên ngoài. Đến khi ra trường và làm việc tại công ty, sinh viên chỉ cần được công ty định hướng và đào tạo một thời gian ngắn là có thể bắt tay vào ngay các dự án, không thua kém gì kỹ sư bản địa tại Nhật. Có thể nói, sinh viên Cơ Kỹ thuật Bách khoa là mỏ vàng của các công ty Nhật.

Hàn Văn Cường - K2010 Cơ Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa
Hàn Văn Cường - K2010 Cơ Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa

* Cảm nhận của anh về con người Nhật Bản?

Người Nhật rất tốt và nhiệt tình. Tuy nhiên, ban đầu như có một bức tường mỏng ngăn cách, các bạn cần biết cách tương tác để xóa nhòa ranh giới này. Nếu gặp khó khăn, bạn đừng ngại tìm “quyền trợ giúp”, người Nhật rất thích được hỏi và giúp đỡ người khác.

Đặc biệt, các bạn cần chuẩn bị cho mình một trình độ tiếng Nhật đủ tốt để tự tin giao tiếp và tận hưởng cuộc sống ở Nhật.

* Sinh viên Bách khoa cần chuẩn bị gì để được các nhà tuyển dụng săn đón ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường?

Theo học chương trình đào tạo của Bách khoa, các bạn sẽ được có kiến thức chuyên môn vững vàng. Song song đó, cần tham gia các hoạt động bên ngoài nhiều hơn như thiện nguyện, leo núi, chơi thể thao, chơi nhạc cụ – đó là những thứ giúp bạn cân bằng cuộc sống sau này. Nó còn giúp bạn tạo lập các mạng lưới, mối quan hệ, quen biết thêm nhiều người,

Mình là một người thích đọc sách và hy vọng có thể lan tỏa niềm đam mê này đến với mọi người. Bởi vì, như người ta nói, thay vì mất vài năm để trải nghiệm, vấp váp thì việc đọc sách sẽ giúp bạn biết được điều nên và không nên làm. Đọc sách còn giúp bạn rèn luyện kỹ năng tập trung – thứ rất cần thiết trong quá trình học tập tại Bách khoa và làm việc sau này, khi bạn phải thường xuyên đọc các báo cáo, sách chuyên ngành.

Ngoài ra, sinh viên cũng cần trau dồi kỹ năng mềm. Đây là kỹ năng cần có thời gian để tích lũy, nó sẽ tạo cho bạn nền tảng để thành công trong công việc.

GIA NGHI thực hiện – Hình: OISP

Bài trước

Bài tiếp