Biết mình thích gì, chọn ngành như ý

Khi các kỳ thi quan trọng tốt nghiệp THPT, Đánh giá năng lực sắp diễn ra, cũng là lúc các bạn học sinh lớp 12 đứng trước câu hỏi “Chọn ngành gì đây? học ngành gì phù hợp với mình?”… Nhiều bạn đã định hướng được nghề nghiệp mình muốn theo học nhưng vẫn còn rất nhiều bạn mông lung giữa vô số ngành nghề hiện nay.

Thí sinh tham gia ngày hội hướng nghiệp để tìm hiểu thông tin về ngành nghề – Hình: OISP

NHỮNG LÝ DO KHIẾN BẠN CHỌN SAI NGÀNH

Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc học sinh chọn sai ngành. Điển hình là: 

  • Theo phong trào, nghe tên ngành thấy “hot”, lương cao mà chưa hiểu rõ ngành đó học những gì, công việc ra trường làm gì
  • Nghe theo lời rủ rê của bạn bè
  • Chọn theo nguyện vọng của phụ huynh, người thân
  • Chọn ngành theo xu hướng mà không quan tâm tới điều kiện gia đình, đam mê, sở thích của bản thân
  • Không tìm hiểu về ngành học sớm, đến giai đoạn nước rút thì vội vàng trong quyết định lựa chọn
  • Vì quá thích môi trường, cơ sở vật chất của một trường mà bỏ qua các yếu tố quyết định khác như chất lượng đào tạo, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm…
Thí sinh được chuyên viên tư vấn cặn kẽ về chương trình học tại Trường ĐHBK-HCM – Hình: OISP

Do chọn sai ngành nên khi theo học, nhiều bạn sẽ cảm thấy chán nản, bỏ dở việc học vừa phí thời gian vừa phí công sức và tiền bạc. 

Thường các bậc phụ huynh có định hướng cho con mình và muốn con học theo ngành mình đã chọn. Hoặc học sinh có thể tìm hiểu thấy các thông tin về nghề này ra trường dễ xin việc làm, nghề này sẽ có thu nhập cao, nghề đang rất “hot” hiện nay…

Bên cạnh đó, học sinh lựa chọn ngành nghề khi chưa xác định được sở thích, đam mê và khả năng của bản thân cũng sẽ dẫn tới chọn sai ngành nghề. Không có sự thích thú, các bạn học sinh sẽ nhanh chóng mất đi động lực học tập sau một thời gian ngắn, các tiết học lý thuyết sẽ  gây nhàm chán cho sinh viên. Mất đi động lực, các bạn sẽ chán học, làm ảnh hướng xấu tới kết quả học tập, kéo dài thời gian tốt nghiệp và kết quả bằng cấp sau khi ra trường.

CÁCH CHỌN NGÀNH NGHỀ PHÙ HỢP VỚI BẢN THÂN

1. Hiểu sở thích của bản thân

Điều quan trọng nhất khi chọn ngành đó chính là bạn phải hiểu mình muốn gì, thích gì, đam mê gì… Thực tế chứng minh rằng những người thành công trên thế giới đều yêu thích công việc họ đang làm. Vì thế mà bạn cần xác định xem mình thực sự yêu thích nghề gì, tương lai muốn làm nghề gì… rồi từ đó chọn ngành đào tạo nghề đó.

Ví dụ như các bạn học sinh yêu thích lĩnh vực hóa học nói chung và chế biến – bảo quản thực phẩm nói riêng, muốn tạo ra nhiều sản phẩm ăn uống đa dạng, thơm ngon, có kiến thức chuyên môn dinh dưỡng, hợp vệ sinh…thì chính xác ngành bạn chọn là ngành Công nghệ thực phẩm.

Biết thế mạnh và sở thích của bản thân để chọn đúng ngành nghề – Hình: OISP

2. Hiểu về ngành rồi chọn nghề như ý

Ngành bao gồm nhiều nghề có liên quan với nhau. Ngành là lĩnh vực chuyên môn mà bạn được học, cung cấp cho bạn kiến thức nền tảng về một lĩnh vực cụ thể, khối lượng kiến thức của ngành thường rất rộng, bao quát.

Ví dụ với ngành Kỹ thuật Dầu khí gồm một số nghề bạn có thể làm như kỹ sư thực hành, nhà quản lý các dự án về dầu khí, nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực dầu khí, các công tác hỗ trợ dịch vụ cho các công ty dầu khí, nhà tư vấn…

Nghề là công việc mà bạn sẽ làm trong tương lai và có thể gắn bó lâu dài. Nghề đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn, kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực, một mảng nào đó. Một ngành có thể làm nhiều nghề khác nhau nhưng một nghề thì phải có kiến thức chuyên sâu của một ngành.

Ví dụ như nghề lập trình web đòi hỏi phải có kiến thức tốt về một ngôn ngữ lập trình như C/C++, Java hay Python; kiến thức về sản phẩm; kiến thức về thiết kế web, UX/UI, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo…

10-trai-nghiem-sv-nghien-cuu-khoa-hoc
Các thí sinh yêu thích công nghệ thông tin có cơ hội cọ xát trong các cuộc thi tại Trường ĐHBK-HCM – Hình: OISP

Tại Việt Nam, có vô vàn ngành nghề khác nhau dễ khiến bạn hoa mắt chóng mặt khi lựa chọn. Hãy xác định nghề yêu thích rồi tìm hiểu thật kỹ xem nghề đó cụ thể là gì, cơ hội nghề nghiệp ra sao, làm về lĩnh vực gì, mức lương, phẩm chất cần có, nhà tuyển dụng mong muốn gì ở nghề này…

3. Chọn ngành nghề phù hợp với tính cách

Mỗi tính cách sẽ phù hơp với một số ngành nghề nhất định. Nếu chọn trái ngược với tính cách mình, không chắc bạn sẽ cảm thấy hứng thú và gắn bó với chúng lâu dài được. Chẳng hạn bạn là một người năng động, hoạt bát thì sẽ rất khó thích nghi với những nghề mang tính ổn định như Thông tin – Thư viện… 

Gợi ý một số công việc phù hợp với một số tính cách: 

  • Người thích sáng tạo: Ngành nghề phù hợp như Marketing, thiết kế, biên tập viên, nhiếp ảnh gia, biên kịch, đạo diễn, PR…
  • Người có đầu óc tổ chức: Ngành nghề phù hợp như Kế toán, Quản lý văn phòng, biên tập viên, hành chính, quản lý tài chính, quản lý nhà hàng – khách sạn…
  • Người hướng nội: Ngành nghề phù hợp như Nhân viên content, giáo viên, bảo quản văn thư, lập trình viên, Kế toán, họa sĩ, nhạc sĩ, biên dịch viên, thiết kế đồ họa….
  • Người thích chăm sóc: Ngành nghề phù hợp như Bác sĩ, Y tá, chuyên viên tư vấn, chuyên gia dinh dưỡng, tổ chức sự kiện, trợ lý, thư ký, quản lý văn phòng, nhân viên chăm sóc khách hàng… 
  • Người hướng ngoại: Ngành nghề phù hợp như Chuyên viên quan hệ công chúng, Sales, diễn viên, hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên tổ chức sự kiện, Phóng viên, Y tá, Tiếp viên hàng không, chuyên gia nhân sự, luật sư, phiên dịch viên…
Hiểu tính cách của mình và chọn được ngành nghề phù hợp – Hình: OISP

4. Phù hợp với năng lực

Mong muốn thi đậu vào ngành nào đó là một khát khao chính đáng. Nhưng đừng gượng ép bản thân nếu năng lực của bạn có giới hạn hoặc không phù hợp với tính chất của ngành.

Giống như việc bạn không có giọng hát hay nhưng cứ mải mê muốn thành ca sĩ, hay việc bạn không giỏi các môn học như Sinh, Hóa mà lại muốn vào ngành Dược. Thế nên, hãy chọn ngành theo đúng sở trường và trình độ, tránh việc chạy theo tên ngành.

5. Xem xét nhu cầu xã hội

Chọn một ngành phù hợp với nhu cầu xã hội hiện tại là một sự khôn ngoan. Bởi lẽ nhu cầu xã hội sẽ thay đổi qua từng giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, việc chọn ngành theo nhu cầu xã hội cũng phải phù hợp với sở thích của bản thân.

Ngoài ra các bạn cũng nên lưu ý, không có nghề nào cao hơn nghề nào, không có nghề nào không kiếm được việc. Điều quan trọng là bạn phải trau dồi cho nghề đã chọn. Nếu thật sự giỏi, cơ hội sẽ đến với bạn.

LƯU Ý KHI CHỌN NGÀNH
1. Chọn ngành rồi mới chọn trường phù hợp với năng lực, tài chính gia đình
2. Nên chọn ngành cụ thể, đừng chọn ngành chung chung: Chọn ngành chung chung khiến bạn theo kiểu cái gì cũng biết một ít nhưng không sâu
3. Phải tìm hiểu kỹ tính chất của ngành, những phẩm chất cần có của nghề
4. Chọn trường mạnh về đào tạo ngành đó. Chẳng hạn như muốn chọn ngành kỹ thuật thì cần tìm hiểu thông tin về Trường đại học Bách khoa,…
5. Chọn ngôi trường có môi trường đào tạo tốt, năng động, giúp sinh viên phát triển cả năng lực học tập và cả phát triển kỹ năng mềm phục vụ cho công việc sau này

Bài: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp