Bùi Đức Minh: Chủ động học hỏi và đồng hành với những “gã khổng lồ”

Với tâm thế sẵn sàng mọi lúc, Bùi Đức Minh (sinh viên K2017 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điều khiển Tự động hóa) là một trong những chàng học bá nổi bật của Khoa Điện Điện tử. Cùng khám phá bí quyết học siêu, chơi giỏi cùng trải nghiệm thực tập có 1-0-2 tại Công ty Intel Products Vietnam từ cậu bạn Cự Giải này nghen. 

Mình là Bùi Đức Minh, sinh viên K2017 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa. Mình đã thực tập một năm tại Bộ phận Phát triển sản phẩm của Công ty Intel Products Vietnam và đang là kỹ sư thiết kế & thẩm định (Design Verification Engineer) ở Công ty Ampere Computing Vietnam. Nếu phải mô tả bản thân trong ba tính từ, mình sẽ chọn “dễ chịu”, “dễ tiếp thu” và “dễ hỏi bài”, hehe.

Mình có một tài lẻ nho nhỏ, đó là nấu ăn. Mình mê thu thập các công thức trên mạng và hay nấu nướng cho cả nhà. Vì công việc tương đối bận rộn nên mình chỉ chế biến những món ăn đơn giản, thanh đạm thôi. Tuy nhiên, mình vẫn rất vui vì có thể đóng góp một chút công sức để bữa cơm gia đình thêm phần ấm áp.

THÀNH TỰU ĐÁNG TỰ HÀO NHẤT LÀ NHỮNG NĂM THÁNG SINH VIÊN Ở BÁCH KHOA

Mình theo đuổi Kỹ thuật Điện – Điện tử vì nhận thấy đây chuyên ngành này hội tụ đầy đủ ba yếu tố:

  • Việc mình làm tốt: Mình từng đạt giải Nhất Kỳ thi Học sinh giỏi TP.HCM môn Tin học và giải Ba Hội thi Tin học trẻ TP.HCM năm 2014.
  • Việc mình yêu thích: Mình thực sự hứng thú với các cuộc chạy đua công nghệ giữa những ông lớn trong lĩnh vực điện tử như: Intel, AMD hay nVIDIA, đồng thời mong muốn đóng góp một chút vào những cuộc đua ấy.
  • Việc thế giới cần: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thiết bị điện tử đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hầu như hoạt động của chúng ta đều cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị, linh kiện điện tử nhỏ bé.

Bên cạnh nền tảng kiến thức chuyên môn, tiếng Anh gần như là yêu cầu bắt buộc trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhất là ở những công ty/ tập đoàn đa quốc gia. Tiếng Anh là công cụ giúp chúng ta giao tiếp với đồng nghiệp, xây dựng mối quan hệ, đọc – hiểu tài liệu chuyên ngành và nghiên cứu các video hướng dẫn. 

Ngay từ năm Nhất, mình đã đặt ra mục tiêu là học tốt tất cả môn học trên trường và luyện tiếng Anh, học tiếng Đức để chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn trong tương lai.

Nhìn lại thời sinh viên vừa qua, điều vui nhất là mình đã hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chưa bị nợ môn, đạt học bổng khuyến khích học tập, tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, có chứng chỉ IELTS 7.5 (trong đó không band nào dưới 6.5), làm trợ giảng môn Hệ thống và Chương trình máy tính (do TS. Đặng Thành Tín và TS. Steven Lumetta phụ trách) cũng như tích lũy một năm kinh nghiệm thực tập ở Công ty Intel Products Vietnam.

Và cuối cùng, mình vinh dự được làm lớp trưởng lớp TT17COA1, một lớp học vô cùng đoàn kết, luôn “work hard – play hard” và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Có thể nói, những năm tháng sinh viên dưới mái trường Bách khoa chính là thành tựu đáng tự hào nhất của mình.

Niềm tự hào to bự của Đức Minh sau bốn năm chăm chỉ “cày bừa” ở Bách khoa

Để làm được như vậy, chiến thuật của mình đơn giản là tích cực hoạt động phong trào trong hai năm đầu và học tập hết mình ở hai năm cuối. Điều này tạo điều kiện để mình trau dồi kỹ năng mềm cũng như tô điểm CV và hồ sơ du học. 

Mình vẫn luôn nhớ về những lần ngồi “cày” liên tục ở quán cà phê hoặc những buổi chăm chỉ lên phòng thí nghiệm. Tuy công việc hơi vất vả nhưng ngoài kiến thức và kinh nghiệm mới, mình còn có dịp thử hết món ngon gần trường. Ngoài ra, những buổi ăn uống, đi karaoke, sinh hoạt ngoại khóa cùng cả lớp cũng giúp mình kết thân với bạn bè cùng lớp và thư giãn đầu óc sau những giờ học căng thẳng.

CÔNG TY INTEL PRODUCTS VIETNAM – NGÔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỨ HAI 

Một năm làm việc ở Công ty Intel Products Vietnam là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ. Đối với mình, đây chính là ngôi trường đại học thứ hai. Mình đã học hỏi nhiều kiến thức mới mẻ, đồng thời ứng dụng liên tục các bài học trên lớp. 

Không chỉ tiếp cận công nghệ vi mạch điện tử tiên tiến nhất, mình còn được trực tiếp tham quan nhà máy và quan sát cách những cánh tay robot vận hành trong thực tế. Từ đó, mình đã có cái nhìn tổng quát hơn về khả năng ứng dụng các công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất vi mạch.

Tất nhiên, ở Intel, tụi mình không chỉ suốt ngày vùi đầu trong công việc. Công ty thường xuyên tổ chức những sự kiện hay ho theo các dịp lễ hội trên thế giới, từ Halloween, Giáng sinh, Tết Dương lịch đến Trung thu và Tết Âm lịch.

Một trong những nét văn hóa độc đáo của Intel là môi trường làm việc chuyên nghiệp, luôn hướng về phía trước. Thay vì la mắng hay đổ lỗi cho cấp dưới khi công việc trục trặc, mọi người đều tận tình chỉ bảo lẫn nhau và cùng tìm kiếm những phương án xử lý tối ưu. Hơn nữa, công ty luôn đối xử bình đẳng, công bằng với tất cả, bất kể đó là thực tập sinh, nhân viên chính thức hay quản lý cấp cao. Ai cũng có quyền lợi và cơ hội như nhau.

Khi làm việc tại đây, cấp trên từng ngỏ ý mời mình tham gia những dự án mang tính cách mạng do team Vietnam nắm chính. Kết quả sẽ được áp dụng cho tất cả website trên toàn thế giới của Intel. Các nhiệm vụ này đòi hỏi một lượng kiến thức chuyên môn khó nhằn cực lớn. Và tiếng Anh trở thành trợ thủ đắc lực, giúp mình tự tin trao đổi, thảo luận kế hoạch với các phòng ban khác nhau, cũng như tìm kiếm thông tin, tài liệu.

Chỉ trong vòng một ngày, bằng cách coi hết những video hướng dẫn và đọc tài liệu cơ bản bằng tiếng Anh, mình đã có thể nắm bắt cơ hội “hiếm có khó tìm” này, từ đó phát triển bản thân và xây dựng uy tín cá nhân. Mình rất tự hào vì được các anh chị cấp trên mời ở lại Intel sau khi kết thúc sáu tháng thực tập để tiếp tục duy trì – cải tiến các dự án cũ cũng như nghiên cứu – triển khai nhiều dự án mới.

Đức Minh chụp hình kỷ niệm với anh Trần Hoàng Nam (Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật Sản phẩm của Công ty Intel Products Vietnam, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử K2003).

Mình muốn nhắn nhủ tới đàn em vài điều, các em có thể tự hào vì chúng ta sẽ là những kỹ sư tốt nghiệp từ Trường ĐH Bách khoa danh tiếng. Nếu đã đậu vào trường mình thì anh tin rằng ai cũng tài giỏi cả. Xuất thân, ngoại hình, niềm tin, tín ngưỡng, thậm chí thành tích học tập, đều không quyết định một kỹ sư giỏi. Chính tinh thần nỗ lực bền bỉ mới giúp các em gặt hái thành công. 

Có thể không sở hữu năng lực xuất chúng như các “gã khổng lồ” (những cao thủ đứng đầu trong mọi lĩnh vực) nhưng chỉ cần các em luôn khao khát và sẵn sàng, sẽ có những “gã khổng lồ” trân trọng giá trị và hết lòng giúp đỡ các em vươn cao như họ.

Ngoài ra, anh cũng chia sẻ thêm một lời khuyên mà bản thân cực kỳ tâm đắc: “Điều quan trọng nhất của một kỹ sư chính là tư duy tiếp cận và giải quyết vấn đề. Những kiến thức được học ở trường sẽ trở thành những thứ ‘ngoài đời không ai xài cả’ nếu chúng ta không rèn luyện tư duy của một kỹ sư đích thực. Những phát minh/ công nghệ đột phá thường kế thừa, phát triển từ các mô hình nền tảng do bậc tiền bối xây dựng. Và các kỹ sư trẻ trung, năng động chính là đội ngũ cải tiến, ứng dụng chúng mỗi ngày”.

Bài, hình: BÙI ĐỨC MINH

Bài trước

Bài tiếp