Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Hoàng Tân và niềm đam mê với hoạt động Đoàn – Hội

Cùng làm quen và tìm hiểu Lê Trịnh Hoàng Tân – SV Tiên tiến K13 – anh bạn cán bộ Đoàn – Hội năng động, giàu nhiệt huyết lại không kém phần thân thiện, vui vẻ của OISP.

Lê Trịnh Hoàng Tân – SV K13 chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử, hiện đang là Liên Chi Hội trưởng OISP, kiêm Ủy viên BCH Đoàn Khối OISP, Nguyên Ủy viên BCH Hội Sinh viên trường.

Không chỉ hoạt động năng nổ, anh bạn này còn có thành tích học tập khá tốt và chơi thể thao giỏi, mà đặc biệt là Taekwondo. Bên cạnh việc học tập và hoạt động, Hoàng Tân thường xuyên đến Nhà Văn hóa Quận 11 để huấn luyện cùng các em nhỏ với vai trò là Trợ tá Huấn luyện viên Taekwondo và là thành viên Ban Trọng tài Taekwondo của nhà văn hóa.

Le Trinh Hoang Tan 02

Hoàng Tân hiện là sinh viên Khóa 2013, đang theo học chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử
Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM.

Mời bạn đọc của OISP cùng làm quen và tìm hiểu về anh bạn cán bộ Đoàn – Hội năng động, giàu nhiệt huyết lại không kém phần thân thiện, vui vẻ này nhé!

 

* Thân chào Hoàng Tân!

Là một cán bộ đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, ắt hẳn bạn đã có thời gian dài gắn bó với hoạt động Đoàn – Hội rất sâu sắc. Bạn có thể chia sẻ với mọi người bạn đã “bén duyên” với Đoàn – Hội như thế nào không?

Với hoạt động Đoàn, từ cấp III mình đã tích cực hoạt động trong Ban Chấp hành Đoàn trường nên rất thích và gắn bó với các hoạt động này. Mình tìm thấy sự vui vẻ, thoải mái khi làm việc trong môi trường phong trào Đoàn, nhất là khi mọi người cùng đoàn kết với nhau vì cùng một mục tiêu.

Vì thế mà khi lên đại học, mình quyết định tiếp tục gắn bó vào các hoạt động Đoàn – Hội. Việc tham gia hoạt động đem lại cho mình sự hoạt bát, giúp tự tin thể hiện cá tính trước đám đông hơn, không phải rụt rè. Hơn nữa, đây là cơ hội để có nhiều bạn bè từ nhiều chuyên ngành khác, có nhiều kiến thức hơn, đặc biệt là khối kiến thức kinh tế trong quản lý – vận hành (*).

(*) Chú thích: Bên cạnh các ngành học kỹ thuật – công nghệ, ĐH Bách Khoa TP.HCM
còn triển khai 2 chuyên ngành Quản lý Công nghiệp và Quản trị Kinh doanh.

Le Trinh Hoang Tan 05

Hoàng Tân (thứ hai, từ trái sang) – trong sự kiện đêm hội OISP Night do chính các sinh viên OISP thực hiện.

* Mỗi công việc đều có những khó khăn riêng. Khó khăn mà Tân gặp phải trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động sinh viên là gì?

Khó khăn mình gặp phải thì nhiều lắm. Mà chủ yếu là do cả việc học tập hay hoạt động đều đòi hỏi rất nhiều thời gian đầu tư. Do đó, quỹ thời gian mình dành cho bản thân, cho gia đình tương đối hạn hẹp, bị giới hạn khá nhiều. Rất may, trở ngại đó không quá lớn vì những gì nó đem lại không hề vô nghĩa.

Qũy thời gian mình bỏ ra không ít, đổi lại mình có được những trải nghiệm quý báu và đáng nhớ. Mình thấy việc hoạt động rất vui, và những gì mình rút ra từ đó rất đáng với công sức của mình. Cực một chút cũng… đâu có gì đâu!

* Vậy, đâu là nguồn động lực tiếp sức cho Tân vượt qua những khó khăn đó và duy trì ngọn lửa với các hoạt động?

Bản thân mình từ trước đến nãy vẫn luôn thích công tác xã hội, muốn làm những việc có ích cho cộng đồng. Ba mẹ của mình cũng rất hay tham gia các hoạt động từ thiện, quan tâm các vấn đề cộng đồng. Vì thế, mình luôn được gia đình ủng hộ và cổ vũ trong các hoạt động Đoàn – Hội có ý nghĩa thiết thực vì các hoạt động này còn giúp mình rèn luyện bản thân, mở mang đầu óc hơn, giải tỏa áp lực sau giờ học.

Le Trinh Hoang Tan 01

Cân bằng được thời gian cho việc học, hoạt động, huấn luyện thể thao… chắc hẳn
Hoàng Tân phải đang nắm giữ một loại … “siêu năng lực” nào đó!

* Với rất nhiều trải nghiệm như thế, hẳn là bạn cũng có nhiều kỷ niệm lắm?

Kỷ niệm trong các hoạt động phong trào thì rất nhiều điều đáng nhớ. Đó là lần đi gói bánh tét trong chuyến đi Xuân Tình nguyện, hay là hơn một tháng Mùa hè xanh tại Trà Vinh.

Kỷ niệm mình nhớ nhất là thời còn trong Ban Tổ chức OISP Camp 2013 cùng với bạn Lê Tuấn. Tuấn và mình là bạn đầu tiên của nhau khi lên đại học và cũng gắn bó thân thiết đến tận bây giờ. Lúc đầu, bọn mình đều rất vui vẻ, hào hứng vì được cùng mọi người góp tay làm nên hội trại. Tuy nhiên, hoạt động lửa trại đêm hôm đó do bọn mình phụ trách không được như ý muốn nên bị xuống tinh thần rất nhiều. Rất may bọn mình được các anh chị khóa trên, như anh Nguyễn Minh Sáng K11, cũng như các anh chị ở Văn phòng Đào tạo Quốc tế, tích cực giúp đỡ và động viên nên đã nhanh chóng lấy lại tinh thần tiếp tục.

Sau chương trình, mình vừa có kỷ niệm đáng nhớ, được các anh chị động viên, lại còn có thêm đứa bạn thân là Tuấn. Sau này, bọn mình cùng làm việc với các anh K12, tuy nhiều lần công việc căng thẳng nhưng luôn được giúp đỡ, mọi người động viên nhau nên cũng suôn sẻ hơn nhiều.

Le Trinh Hoang Tan 04

Với những kinh nghiệm của mình, Hoàng Tân (hàng dưới, thứ hai, từ phải sang) tiếp tục đóng với vai trò là Ban Cố vấn cho OISP Camp 2014, OISP Camp 2015 để truyền lửa cho đàn em khóa dưới của mình.

* Có vẻ môi trường đại học đã tôi luyện bạn trưởng thành lên rất nhiều…

Lên đại học, công tác Đoàn – Hội nặng hơn trước nhiều, nhất là trong suy nghĩ. Ngày trước học phổ thông, bọn mình không phải tự thân làm những việc xa lạ như đi vận động tài trợ doanh nghiệp, hay mở rộng quan hệ với các khoa khác trong trường. Công việc nặng hơn, trách nhiệm đòi hỏi cao hơn nhưng mình cũng thấy sự trong công tác tăng lên gấp đôi khi mình được tự làm từ những việc nhỏ đến việc khó, việc quan trọng.

Hơn hết chính là việc học. Từ nhỏ mình đã thích các thứ về điện, hay tò mò mở tung đồ điện trong nhà ra phá. Mình luôn muốn được tự tay tạo nên một con robot… chạy vòng vòng! (cười lớn)

Lên đại học, được học cách mạch điện chạy như thế nào, học cách để làm ra một con robot hoạt động cũng không phải quá khó nữa. Điều mình làm hứng thú là được nghiên cứu về các con chip điện tử, tìm cách tăng tốc độ xử lý, áp dụng các kỹ thuật tự động hóa… Học trong môi trường quốc tế, mình được các giáo sư người Mỹ (**) chỉ dạy các kỹ thuật, chương trình thông dụng, hay những phần mềm giúp học tốt hơn. Thật sự, với mình, những kiến thức đó là vô giá.

(**) Chú thích: Hằng năm, các giáo sư từ trường Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC) đến trường  ĐH Bách Khoa TP.HCM
tham gia giảng dạy cho sinh viên chương trình Tiên tiến ngành Điện – ĐIện tử.

Le Trinh Hoang Tan 03

“Với mình, trong học tập và công việc, cần phải luôn nghiêm túc hoàn thành thật tốt. Còn khi vui chơi, thì cứ sáng tạo, cứ quậy hết mình. Đời sinh viên chỉ có một mà thôi.” – Hoàng Tân chia sẻ

* Có thể thấy, sau hơn 2 năm học tập và hoạt động tại BK-OISP, Tân đã có nhiều kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm quý báu. Bạn có đôi điều muốn chia sẻ với các bạn sinh viên khác hay không?

Mình đặc biệt quan tâm đến các em khóa dưới và cũng muốn nhắn nhủ đôi điều với các bạn. Đặt trọng tâm vào việc học là rất tốt và rất quan trọng, tuy nhiên cũng đừng vì quá chăm chú mà thờ ơ với các hoạt động phong trào. Đời sinh viên chỉ có một, và không bao giờ quay lại được vì sau này đi làm không còn cơ hội nữa. Các bạn nên sống với ngọn lửa tuổi trẻ. Dĩ nhiên, với bạn nào đã hoạt động năng nổ thì cũng cần lưu ý chú tâm vào việc học để đảm bảo có đủ kiến thức, kỹ năng cho sự nghiệp sau này.

* Xin cảm ơn Lê Trịnh Hoàng Tân rất nhiều về những chia sẻ chân thành của bạn. Mến chúc bạn sẽ luôn hăng hái, hiệu quả và tươi vui trong cả việc học chuyên môn lẫn công tác Đoàn – Hội của mình.

TÙNG HUY thực hiện
(Ảnh: do nhân vật cung cấp)

HỌC CHẤT LƯỢNG CAO, MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ TẠI ĐH BÁCH KHOA TP.HCM

Hiện nay, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đang triển khai các chương trình đào tạo Chất lượng caoTiên tiến (4 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM) và  Liên kết Quốc tế ( 2 năm đầu tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, 2 năm cuối tại nước ngoài) các ngành học từ kỹ thuật, công nghệ đến quản lý. 

Nội dung giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, được Bộ Giáo dục & Đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đối tác Mỹ, Úc, Nhật công nhận chất lượng.

Chương trình không chỉ đào tạo về kiến thức chuyên môn kèm thực hành, mà còn tích hợp giảng dạy tiếng Anh học thuật và kỹ năng mềm trong học kỳ Pre-University

Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng chính quy của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM hoặc do trường ĐH đối tác chuyển tiếp tại Mỹ, Úc, Nhật cấp bằng.

★ Để được cập nhật liên tục về Thông tin Tuyển sinh ĐH 2016, vui lòngđăng ký tại đây

Bài trước

Bài tiếp