NHỮNG ĐỊA ĐIỂM DÃ NGOẠI LÝ TƯỞNG GẦN SÀI GÒN

Một năm học mới nữa đã bắt đầu với vô số các hoạt động ngoại khóa đang chờ các bạn ở phía trước. Hôm nay, Ống kính BK-OISP sẽ giới thiệu với các bạn một vài địa điểm thích hợp cho các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi Team Building ngoài trời và các buổi sinh hoạt tập thể. Đặc biệt hơn nữa khi các địa điểm này khá gần so với TP Hồ Chí Minh đấy.

Thác Giang Ðiền – Đồng Nai
thac-giang-dien
Thác Giang Điền
Nằm trong địa phận xã Giang Điền, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, thác Giang Điền hiện nay được xem là điểm dã ngoại sinh thái cuối tuần khá mới mẻ và hấp dẫn du khách (nhất là các bạn trẻ đi picnic) từ TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận tìm đến. Để đến được thác Giang Điền, có thể xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh đến ngã ba Vũng Tàu, rẽ trái quốc lộ 51, đến ngã ba Thái Lan, rẽ trái chừng 15km là đến thác.

Hoặc từ TP.Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1A chạy thẳng đến huyện Thống Nhất, đến chợ Trà Cổ, có ngã ba rẽ phải theo đường đất đỏ, qua cầu Giang Điền gặp ngã ba tiếp tục rẽ trái chừng 1km là đến nơi.

Không kỳ vĩ như những dòng thác ở Tây Nguyên, nhưng do địa thế ở đây rộng, thoáng, con thác trải dài có rất nhiều tảng đá trên đỉnh tạo ra nhiều dòng chảy, tung bọt trắng xóa, rất đẹp. Hai bên bờ suối có rất nhiều hoa dại và bướm, cây cối xanh rì, trông rất thơ mộng.

Có lẽ vì nằm giữa những ruộng lúa xanh ngắt nên có tên gọi là thác Giang Ðiền. Vào mùa nắng, dòng thác có màu trắng bạc, chảy yên ả hiền hòa. Nhưng vào những tháng giữa mùa mưa, dòng nước chuyển sang màu vàng đục, nươc chảy xiết, tiếng nước réo âm vang đến hàng cây số. Nước tung bọt và bốc lên thành tấm màn mờ mờ phủ trên ghềnh thác.

IMG_2545
Trước đây, có nhiều cây cổ thụ tán tròn nghiêng bóng xuống dòng thác, chúng ta có thể nằm gối tay trên những thân cây đong đưa trên thác để nghe tiếng thác reo dưới vòm lá mát rượi. Nhưng nay trên thác chỉ còn lại vài cây nhỏ, thay vào đó là những quán lá. Ven dòng và giữa dòng thác, có những tảng đá to, chỗ câu cá lý tưởng. Mặc dù nước chảy mạnh nhưng thác vẫn có rất nhiều cá, đặc biệt là cá lớn. Mùa nắng các bạn có thể đắm mình trong dòng nước trong veo mát lạnh.

Dòng suối từ chân thác chảy ngoằn ngoèo dưới tán cây xanh tạo nên một khung cảnh khá ngoạn mục. Bên suối có nhiều nhà tranh nhỏ, tình hình an ninh ở khu vực tương đối bảo đảm. Các bạn có thể dạo chơi trên con đường dọc theo chân thác trong một đêm trăng để thưởng thức cảnh “trăng mờ bên suối”.

Đến thác Giang Điền bạn tha hồ tắm, tha hồ đắm mình, vũng vẫy trong dòng nước trong vắt, mát lạnh. Có sẵn các nhà chòi dọc theo bờ suối rất mát mẻ, cho thuê với giá 50.000đ/ngày (có kèm theo 4 võng) với sức chứa 10 người. Khi đến thác, bạn nhớ mang theo đồ ăn, thức uống.

Khu danh thắng Bửu Long (Đồng Nai): Vẻ đẹp đầy quyến rũ

images569902_7_Buu_Long
Một góc khu duc lịch Bửu Long
Vùng địa lý miệt hạ lưu sông Đồng Nai khá bằng phẳng với những đồng bằng, cù lao xanh mượt, những mảng rừng ngập nước nối nhau; vì vậy, trên toàn vùng này, sự hiện diện của những ngọn núi do sự kiến tạo của thiên nhiên đã trở thành những nơi hấp dẫn con người.

Trong những ngọn núi mà nơi đây có được, núi Bửu Long là một ngọn được xem là đẹp nhất vùng.

Núi Bửu Long với quần thể núi non, sông hồ, hang động, chùa chiền đã được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo như một khu di tích quốc gia. Khu danh thắng Bửu Long rộng 84 ha, có độ cao trung bình 100m so với mực nước biển. Đây là nơi sơn thủy hữu tình, núi cao, hồ rộng, không khí trong lành tạo cảm giác thanh thoát cho du khách. Khu danh thắng có hai cụm núi chính: cụm núi Bình Điện và Long Sơn Thạch Động. Đứng trên ngọn núi Bình Điện, du khách có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh của một thành phố đô thị loại hai- thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) với những khu công nghiệp đã và đang mọc lên sầm uất, nhộn nhịp. Cũng từ đây, bạn có thể nhìn ngắm một màu xanh bát ngát trải dài của ruộng lúa phì nhiêu, màu mỡ. Xen lẫn với màu xanh của cỏ cây, đồng lúa là màu trắng bàng bạc của những kênh rạch bắt nguồn từ dòng sông Đồng Nai, tạo nên một bức tranh thơ mộng, hữu tình nửa thôn dã, nửa thị thành. Trên ngọn núi Bình Điện có ngôi chùa cổ Bửu Phong được khai sơn từ rất sớm, với lối kiến trúc chạm trổ, trang trí hoa văn tinh tế. Từ chân núi muốn đến chùa, bạn phải trải qua một dãy tam cấp gần 100 bậc, xung quanh chùa có những bảo tháp cổ và nhiều hòn đá tạo thành những hình thù trông hoang sơ, huyền bí.

Cụm Long Sơn Thạch Động (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên núi Long Ẩn. Trên núi có ngôi chùa dẫn đến thạch động với miệng rộng từ ngoài và hẹp dần vào trong, trông như một hàm ếch. Vách núi có nhiều nhũ đá với hình thù kỳ lạ rũ xuống trông kỳ ảo, lung linh dưới những ánh đèn trang trí. Trên núi Long Ẩn hiện có nhiều kiến trúc tín ngưỡng: chùa, am của các phái Phật giáo, chính những kiến trúc này đã làm phong phú cho những lễ hội hành hương ở nơi đây.

C9252AD68C984E8F85BE22412337A0C9
Ngoài hai cụm núi trên, với những kiến trúc cổ, khu danh thắng Bửu Long còn được biết đến với khu hồ Long Ẩn, do nhân dân trong vùng khai thác đá từ hàng thế kỷ nay tạo thành. Hồ rộng gần 20.000m² nước trong xanh, với những cụm đá còn sót lại tạo nên những hòn đảo giữa biển nước mênh mông. Từ những hòn đảo này, bàn tay con người đã tạo dáng thêm làm cho chúng thành những cảnh đẹp ẩn hiện giữa sóng nước nhấp nhô, giữa những con đường ngoằn ngoèo xung quanh khu vực như một bức tranh kỳ ảo. Thêm vào đó là một khu du lịch xanh với những vườn cây, cụm núi, tượng thú thời tiền sử đã tô điểm thêm độc đáo cho toàn bộ khu danh thắng Bửu Long. Sát hồ là nhà hàng Long Du, đến đây, du khách có thể nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn tại nhà hàng này với giá khá rẻ. Thật thoải mái và thú vị khi vừa thưởng thức bữa ngon và được ngắm nhìn cảnh tuyệt đẹp!

Bên cạnh những khu vừa kể trên, men theo con đường nằm dưới chân núi Bình Điện sẽ dẫn bạn đến khu văn miếu Trấn Biên. Đây là công trình quy mô được khánh thành vào ngày 14/02/2002; khu văn miếu bao gồm khu thờ phụng tế lễ và khu trưng bày truyền thống sinh hoạt văn hóa. Văn miếu sẽ là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa, giáo dục xưa và nay của dân tộc Việt Nam. Đến đây, bạn sẽ được hiểu thêm về con người và vẻ đẹp đầy quyến rũ của một vùng đất hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Khám phá đảo Ó – Ðồng Trường

daoo2
 Đảo Ó nhìn từ xa
Ðảo Ó và đảo Ðồng Trường là hai hòn đảo nằm giữa lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai). Ðó là một điểm du lịch sinh thái gần thành phố Hồ Chí Minh, rất hấp dẫn bởi sông nước, rừng, cây, hoa lá, đặc sản tuyệt vời.

Từ thành phố HCM, theo quốc lộ 1A hướng về Ðồng Nai, đến ngã ba Trị An thì rẽ trái, đi 8km nữa đến trung tâm thị trấn Vĩnh An (huyện lỵ Vĩnh Cửu) rồi đến bến thuyền Ðồng Trường. Sau 30 phút thưởng thức thú ngồi thuyền rong chơi trên hồ Trị An, bạn sẽ đặt chân lên đảo Ó.

Nằm giữa lòng hồ, cách đất liền không xa, nhưng đảo Ó như một ốc đảo tách biệt. Trên diện tích 2,2 ha nay, Công ty du lịch Ðồng Nai đã khéo phối hợp cảnh sắc thiên nhiên mà tạo dựng một khu du lịch tuyệt đẹp.

Ðặt chân lên đảo, du khách thật bất ngờ trước khung cảnh cây lá xanh tươi, trăm hoa khoe sắc. Con đường vòng quanh đảo khi thì rợp bóng cây cao, khi thì chập chờn bướm hoa và gió lộng. Bãi cát cuối đảo sóng vẫn vỗ về cũng là nơi bạn có thể đắm mình vui đùa trong làn nước hồ trong xanh và mát mẻ. Ở đây có một máng trượt nước cao 15 mét cho những ai thích tìm cảm giác mạnh. Ngoài ra, còn có các trò vui chơi như đi ca nô, mô tô nước, phóng phi tiêu, đánh cờ…

Buổi trưa, nhà hàng đãi bạn món đặc sản: cá lăng nấu canh chua và cá lăng kho tộ. Cá lăng tươi chong mới bắt lên từ hồ Trị An, thịt thơm, ngọt và béo. Cơm trưa xong, bạn chọn một chiếc võng dưới bóng cây râm mát nằm đung đưa theo làn gió sông ngọt mùi cây cỏ, ru giấc ngủ bằng tiếng chim hót và tiếng sóng vỗ dạt dào.

28090553
Nét độc đáo của hai ốc đảo này là gần TP.HCM (khoảng 70 km), tiện cho du khách muốn đi du lịch trong hai ngày nghỉ cuối tuần (có thể sáng đi chiều về, hoặc ở qua đêm). Ðến đây bạn sẽ được đắm mình vào thiên nhiên trong lành, yên ả và của mênh mông sông nước.Nếu muốn nghỉ qua đêm, đã có những nhà nghỉ rất đẹp ẩn mình dưới rừng cây bên mé đảo hoặc trên đồi cao trông xuống toàn cảnh hồ. Còn gì bằng nếu được đón trăng lên trên đảo!

Giá một số dịch vụ vui chơi giải trí ở đảo Ó: Nhà nghỉ qua đêm 120.000đ/phòng đôi (có quạt); ca nô 500.000đ/giờ đi được 10 người; mô tô nước 300.000đ/giờ (đi được hai người); cơm phần từ 19.000 – 25.000/phần; võng 5.000đ/chiếc (không giới hạn thời gian).


Du lịch vườn Long Khánh – Tỉnh Đồng Nai

ChomChom

Vườn cây ở Long Khánh
Long Khánh là vùng đất nổi tiếng về trái cây của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh việc phát triển du lịch miệt vườn, nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa của miền Đông Nam Bộ. Từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 1A khoảng chừng 80 km về hướng đông bắc, qua khỏi đèo Mẹ Bồng Con là tới vùng Long Khánh (Đồng Nai).

Du lịch vườn ở Long Khánh hằng năm diễn ra nhộn nhịp, nhất vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Thời điểm này là lúc chôm chôm, sầu riêng đã cho trái chín. Đi trong vườn cây rợp bóng xanh mát dịu, du khách sẽ cảm thấy thích thú ngắm nhìn những chùm chôm chôm chín đỏ lơ lửng trên đỉnh đầu, những chùm dâu màu vàng mơ đeo lủng lẳng từ trên cành xuống tận gốc, và thoang thoảng trong gió, mùi thơm của sầu riêng đầy quyến rũ. Đến với du lịch vườn Long Khánh, bạn sẽ được tận hưởng một không gian trong lành, mắt được ngắm nhìn những sắc mầu của cây trái, mũi được ngửi mùi thơm và sẽ được nếm các hương vị ngọt ngào của những loại trái cây.

SauRieng
Điều thú vị nhất của du lịch vườn là bạn có thể trèo lên cây tự tay mình hái trái đem xuống cân, trả tiền và ăn thoải mái. Nếu đi thành đoàn đông người thì du khách có thể mua nguyên cả cây để ăn. Sau khi ăn no, nhà vườn có trách nhiệm cắt hết những trái còn lại cho khách đem về. Ngoài ra, các nhà vườn còn mở dịch vụ… “bao bụng”, nghĩa là bạn ăn cho đến chán chê thì thôi. Tùy theo giá cả mỗi năm và tùy từng loại trái cây mà giá “bao bụng” khoảng chừng 20.000 đến 80.000 đồng cho một người ăn. Bên cạnh du lịch vườn, Long Khánh còn có những điểm tham quan hấp dẫn mà bạn có thể ghé thăm. Đó là Khu Văn hóa Suối Tre, mộ cổ Hàng Gòn, tượng đài chiến thắng Long Khánh…

Khu Văn hóa Suối Tre nằm cách thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh chừng 3 km về hướng tây bắc. Nơi đây vốn là nơi nghỉ mát của người Pháp, thuộc các đồn điền cao-su SIPH được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Suối Tre ở giữa những cánh rừng cao-su mát dịu, xen lẫn là những ngọn đồi nhấp nhô và cả những cổ thụ xòe tán, khiến nơi đây có cảnh quan như một Đà Lạt thu nhỏ, gợi nên nét đẹp riêng. Cả khu vực này rộng trên chục héc-ta, với nhiều đồi cỏ nhấp nhô, những hàng dương bóng mát, và nhiều cây cao cổ thụ cả 100 tuổi. Đặc biệt con suối uốn quanh bao bọc bên những bờ tre xanh ngắt tạo nơi đây thành một bức tranh thơ mộng và hữu tình. Suối Tre đã được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Đông”!

Từ thị trấn Xuân Lộc ngược về phía tây nam khoảng chừng 5 km là đến một di tích kiến trúc cổ, mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển vùng đất phương Nam, đó là ngôi mộ cổ Hàng Gòn (còn gọi là mộ Cự Thạch, hay mả Ông Đá). Đây là một kiến trúc độc đáo nằm trong lòng đất, có niên đại cách đây hơn 2.500 năm. Ngôi mộ được phát hiện vào năm 1927 và được trùng tu vào năm 1992. Di tích là một hầm mộ được làm bởi những tấm đá hoa cương lớn, lắp ghép theo hình hộp chữ nhật, chiều dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m, bề mặt được bào khá nhẵn. Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa các tấm đá nhờ vào hệ thống rãnh dọc, trông đơn giản nhưng thật vững chắc. Chung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, đầu khoét lõm hình yên ngựa. Năm 1984, Bộ Văn hóa xếp hạng mộ cổ Hàng Gòn là di tích quốc gia, một trong mười di tích quan trọng ở Nam Bộ. Đây là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật lẫn kỹ thuật của người Việt cổ.

Nếu còn thời gian, bạn có thể tham quan tượng đài chiến thắng Long Khánh, là nơi được xem như một biểu tượng rất đáng tự hào của quân và dân Long Khánh trong những năm kháng chiến chống Mỹ.


Rừng Quốc Gia Nam Cát Tiên – Đồng Nai

nam_cat__88
Rừng quốc gia Nam Cát Tiên
Nam Cát Tiên là tên gọi một vùng đất nằm gọn trong đoạn uốn khúc của sông Ðồng Nai, toạ lạc ngay trên ranh giới của cả 3 tỉnh Ðồng Nai, Bình Phước và Lâm Ðồng. Còn khu rừng cấm Nam Cát Tiên là phần chót và cao nhất của huyện Tân Phú (Ðồng Nai) có diện tích 36.000 ha, đại diện cho cả hệ thực vật và động vật Nam Bộ.

Khu rừng có cảnh thiên nhiên đa dạng: vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xoá trên các triền đá lớn. Nhiều đoạn thác quanh co, lượn khúc tạo ra những bãi cát vàng rộng như các bãi tắm tự nhiên. Tục truyền, nơi đây có nàng tiên thường xuống hạ giới để vui đùa và tận hưởng dòng nước trong mát, nên được gọi là “Nam Cát Tiên”.

rung-quoc-gia-nam-cat-tien-3
Giữa dòng sông rộng lớn nổi lên các hòn đảo chạy dài theo con nước. Trên đảo, cây cổ thụ mọc xen với đám cỏ rộng có thể làm nơi cắm trại, đốt lửa đêm lý tưởng. Dọc ven sông, theo lộ chính về phía tay trái là toàn bộ các kiểu rừng già, hỗn giao của các loại cây gỗ quý: gõ, giáng hương, trắc, cẩm lai, gụ… Bên phải của con đường rừng là thác trời, một ghềnh thác kỳ thú nhất của Nam Cát Tiên. Tiếp tục băng rừng, qua các thung lũng sâu sẽ đến Bàu Sấu, nơi chứa nước rộng nhất, nằm ở khu trung tâm của rừng cấm Nam Cát Tiên. Lòng bàu chứa nhiều loại cá, đặc biệt có cả cá sấu nước ngọt. Ven bàu là nơi tập hợp của nhiều đàn chim lớn như công, trĩ, gà lôi, sến, giang, mòng két, le le, cù đen…

Nam Cát Tiên không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên Nam Cát Tiên có một dạng khí hậu độc đáo. Cùng với địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi qui tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ. Ðây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp. Rừng có nhiều cây cổ thụ như bằng lăng, gỗ đỏ hơn 600 loài thực vật, hơn 100 loài cây gỗ quý, hàng trăm loại cây dược liệu, hơn 60 loài hoa phong lan…

Về động vật có 240 loài chim, có những loài chim quý hiếm như trĩ lông đỏ, cò quắm xanh, tê giác một sừng, voi…

Các nhà khảo cổ học mới phát hiện một đền thờ vật linh thuộc nền văn hoá Phù Nam trên đỉnh ngọn đồi A1 (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, Lâm Ðồng) tại khu vực đầu nguồn sông Ðồng Nai. Ðó là khu đền thờ được xây bằng gạch thô, bệ, khung diềm cửa, cột trụ bằng đá xanh granit chạm trổ hoa văn, các Linga bằng vàng hoặc bằng vàng bịt bạc, một Linga – Yoni cao 2,1m, đường kính 0,7 m bằng đá xanh mài bóng, lớn nhất Ðông Nam á cùng hơn một trăm miếng vàng có khắc hoạ hình ảnh sinh hoạt thời đó: các vũ nữ, chiến binh, voi, bò, hoa sen… Ðây là công trình khảo cổ có giá trị văn hoá, lịch sử và tín ngưỡng lớn để có thể xác định được sự tồn tại, nguồn gốc của một vương quốc đã bị lãng quên hơn 1.300 năm.

Rừng Nam Cát Tiên cách Tp. Hồ Chí Minh 160 km sẽ là một tuyến điểm du lịch sinh thái và văn hoá hấp dẫn của vùng miền Ðông Nam Bộ

(A.H – theo tiepthigiadinh.com.vn)

Bài trước

Bài tiếp