Độc đáo những “la cà hội” của giới trẻ

Nhắc tới những “la cà hội”, mọi người liên tưởng ngay đến các nhóm người nhàn nhã, không có việc gì làm, giết thời gian bằng trò “chém gió”…

Thế nhưng giờ đây, không ít bạn sinh viên chủ động tìm đến các “la cà hội” để tìm kiếm những cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh hay đơn giản hơn là bổ sung thêm kỹ năng sống.

Cuối tuần, nếu có dịp đến công viên 30/4, công viên 23/9, không gian quanh tòa nhà Vincom, công viên Lê Thị Riêng, công viên Gia Định, công viên Hoàng Văn Thụ… bạn sẽ dễ dàng chạm mặt ngay những thành viên của các “hội la cà”.

Từ xế độ đến cún cưng

Cà phê “bệt” là điểm hẹn ưa chuộng nhất của giới sinh viên yêu thích sự bình dân gần gũi. Điểm hẹn cà phê “bệt” là của những góc phố, trước cổng trường đại học, hay ở một góc công viên khu trung tâm. Ở những “tụ điểm” này, các thành viên “la cà hội” phân chia lãnh địa rất rõ: Khu vực của Hội Tán nhảm, Hội Du ca đường phố, Hội Disgner, Hội Bartender, Hội Xe cổ, Hội Nghệ sĩ…

Ngồi cà phê “bệt” cuối tuần tại góc Hàn Thuyên – Nhà thờ Đức Bà, tôi làm quen với anh bạn tên Tuấn. Đầu bịt băng đô, kế bên là chiếc xe máy “khủng”, hai tay liên tục tung hứng các vỏ chai nước ngọt, Tuấn gây ấn tượng như là một dân chơi thứ thiệt.

Khi hỏi chuyện, mới biết anh bạn là một trong các bartender có “số má” ở Sài Gòn. Các thành viên trong nhóm Tuấn đều có chung sở thích chơi xe cổ. Khi tụ tập, các thành viên chia sẻ về công việc hiện tại nhưng không quên đá đưa bàn luận về những chiếc xe cổ mới lùng được hoặc mới “độ” lên của các thành viên.

Hội những bạn trẻ yêu động vật.

Hội những bạn trẻ yêu động vật.

Ở góc công viên 23/9, ngay khu vực khu phố Tây (Q. 1, TP.HCM), Hội Những bạn trẻ yêu thú cưng đang họp. Những chú chó, cô mèo được các bạn trẻ dắt theo đầy tự hào. Các bạn chia sẻ chăm sóc thú cưng với nhau, cũng như thông báo tin tức về chó mèo cần được giúp đỡ chăm sóc.

Minh Thu (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), vừa ngồi xuống cùng nhóm bạn đã mang chú mèo Ba Tư trắng muốt ra khoe. Theo lời kể của Thu, biết cô bạn là thành viên trong nhóm yeudongvat.org, bác hàng xóm trước khi đi định cư nước ngoài đã tin tưởng tặng lại cho Thu.

Thỏa giấc mơ nghệ sĩ

Du ca Sài Gòn chỉ mới ra mắt CLB chính thức cuối năm 2011 nhưng thu hút hàng trăm thành viên tham gia sinh hoạt và 2.800 thành viên tham gia diễn đàn. Đều đặn hai tuần một lần, vào chiều Chủ Nhật, nhóm biểu diễn văn nghệ tại các công viên, trung tâm bảo trợ xã hội, Nhà văn hóa Thanh Niên gây quỹ làm các chương trình từ thiện.

Thành viên phần lớn là sinh viên đam mê ca hát, chia sẻ cộng đồng. Các bạn sử dụng các loại nhạc cụ như trống thùng, ghita, loa tay… Các ca khúc được thể hiện trong những buổi trình diễn ngẫu hứng cũng đủ mọi thể loại, từ nhạc cách mạng như: Thời hoa đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây… đến các ca khúc hot của giới trẻ như: Con đường màu xanh, Tìm lại… hay ca khúc thiếu nhi, ca khúc quốc tế, nhạc Hàn như Hold my hand, Nobody…

Buổi sinh hoạt của CLB Guitar Kiến tại công viên 23/9

Buổi sinh hoạt của CLB Guitar Kiến tại công viên 23/9

Còn những bạn trẻ đam mê sân khấu và không gian nghệ thuật thì tìm đến Nấm Cà phê (10D Hoàng Hoa Thám, Q. Bình Thạnh) và Bệt Cà phê (57A Tú Xương, Q. 3) hay PQ trà quán (14, Ngô Tất Tố, Q. Bình Thạnh)… Những bạn trẻ đam mê không gian nghệ thuật và muốn thưởng thức những buổi trình diễn thời trang giá rẻ thì lại tìm đến Cafe & Gallery (139 E3, Lý Chính Thắng, Q. 3); Yên Cà phê (9A Phạm Đình Toái, Q. 3)…

Học khi chơi

Tham gia chơi những trò chơi vận động, hay đơn giản chỉ là ngồi lắng nghe, làm quen với bạn bè, tất cả các hoạt động này đã giúp sinh viên mở rộng trường quen biết, tăng khả năng hòa nhập, học thêm kỹ năng mềm và nhất là tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm ở những hội la cà.

Bạn Huỳnh Lê Công Khánh (trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) tham gia nhóm Du ca Sài Gòn từ những ngày đầu cho biết: “Mục đích ban đầu của nhóm là để thỏa mãn đam mê ca hát. Nhưng khi thấy nhiều người ủng hộ, nhóm mở rộng thêm cho các bạn trẻ cùng tham gia”.

Bạn Nguyễn Văn Tuấn (trường ĐH Tôn Đức Thắng), một thành viên mới của CLB Du ca Sài Gòn thì tâm sự: “Từ khi tham gia nhóm, mình thấy tự tin lên hẳn. Bây giờ mỗi khi ở trường có chương trình văn nghệ, mình đều mạnh dạn rủ các bạn khác tham gia biểu diễn…”

Minh Thành (trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) có thói quen cùng bạn bè tìm đến những quán cà phê lạ. Trong một lần đến Mai’son, không gian nghệ thuật của quán đã thôi thúc Thành làm một triển lãm cá nhân về ảnh tại đây. “Việc đưa tác phẩm ra triển lãm giúp mình quảng bá thương hiệu bản thân. Gần đây mình đã được một số công ty mời gọi tham gia vào những dự án lớn về thiết kế”, Thành chia sẻ.

CLB Tiếng Anh ở khu vực Nhà thờ Đức Bà, cứ 10 phút lại có thêm thành viên mới đến gia nhập. Bạn Hồng Phượng, thành viên Ban Điều hành chia sẻ: “Tụi mình đã ra trường, tuy nhiên khi đi làm luôn cần ngoại ngữ nên quyết định duy trì CLB cho đến bây giờ. Các bạn sinh viên tham gia luôn khởi động bằng những bài hát tiếng Anh nên không khí rất sôi nổi”.

Bạn Hồng Thanh, thành viên Ban Điều hành diễn đàn yeudongvat.org chia sẻ: “Diễn đàn có mục đích cứu giúp, tìm nơi đủ điều kiện và đủ tình thương cưu mang những con vật bị bỏ rơi. Trong những buổi offline, tụi mình tổ chức các hoạt động gây quỹ, vẽ tranh cổ động, tuyên truyền nhằm đưa đến cộng đồng một góc cạnh khác về tình thương đối với các vật nuôi”.

Tiếng là cộp mác “la cà”, nhưng các hội nhóm như liệt kê ở trên chính là điểm hẹn sinh hoạt, vui chơi và chia sẻ các sở thích độc đáo của giới trẻ thành phố hiện nay. Trong tình hình số lượng sân chơi và các câu lạc bộ cho giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng còn khá khiêm tốn, thì nhờ tiện ích của mạng xã hội, các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ offline, tổ chức các hoạt động lành mạnh cũng là một tín hiệu đáng mừng.

(Theo sinhvienplus.vn)

Bài trước

Bài tiếp