Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Nguyễn Thị Cẩm Tú – Nàng thủ lĩnh SV năng động, nhiệt huyết của Khoa Quản lý Công nghiệp

Nguyễn Thị Cẩm Tú (sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp) là trùm cuối cool ngầu của hàng loạt sự kiện/ chương trình lớn nhỏ do Đoàn Hội OISP và Trường Đại học Bách khoa tổ chức. Để đạt được nhiều thành tích đáng nể trong học tập lẫn hoạt động, cô nàng “siêu nhân” này đã vạch ra chiến lược phát triển bản thân dài hạn ngay từ năm Nhất. Cùng OISP học hỏi tư duy hoạch định cuộc đời từ bạn ấy nhé!

Bài viết liên quan
Nguyễn Thị Cẩm Tú: Dự lễ tốt nghiệp của anh hai, mê Bách khoa từ dạo đó
Quản lý Công nghiệp – Màu sắc riêng trong ngành quản trị
Quản lý công nghiệp – Ngành kinh tế trong trường kỹ thuật

Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp
  • Ban tổ chức OISP Camp năm 2017, Sinh viên khoẻ năm 2017
  • Ban tổ chức toạ đàm “Khởi nghề hay Khởi nghiệp?” năm 2021 do Cụm liên kết hoạt động số 4 – Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM thực hiện
  • Ban tổ chức chương trình Xuân Yêu Thương do Cụm liên kết hoạt động số 4 – Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM và ĐH Công nghiệp TP.HCM phối hợp tổ chức
  • Ban cố vấn Mystery Bach khoa năm 2017, OISP Camp năm 2018, OISP Camp năm 2020
  • Ban chỉ huy chiến dịch Xuân Tình Nguyện năm 2021 cấp trường
  • Phụ trách chiến dịch Mùa Hè Xanh năm 2020 cấp trường, mặt trận TP.HCM
  • Phụ trách Đội hình Sinh viên Tình nguyện Phản ứng nhanh Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) tham gia phòng, chống dịch COVID-19
  • Giấy khen của Hiệu trưởng dành cho “Chiến sĩ xuất sắc” chiến dịch Xuân Tình Nguyện năm 2018 và 2019
  • Giấy khen của Đoàn trường Hội thi Bí thư chi Đoàn giỏi năm 2018
  • Giấy khen của Hiệu trưởng dành cho “Chiến sĩ xuất sắc” chiến dịch Mùa Hè Xanh cấp thành phố năm 2018
  • Giấy khen của Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế dành cho “Sinh viên tài năng” năm 2018
  • Đại biểu đại diện nhà trường đón Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP) năm 2019 tại Tân Cảng và tại Trường Đại học Bách khoa
  • Giấy khen của Hiệu trưởng trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2018-2019
  • Giấy khen của Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế dành cho “Sinh viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động phong trào sinh viên năm 2019”
  • Giấy khen của Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2018-2019 và 2019-2020
  • Sinh viên 5 tốt cấp Trường Đại học Bách khoa năm học 2019-2020
  • Học bổng Khuyến khích học tập các học kỳ trong năm học 2018-2019, 2019-2020 do Văn phòng Đào tạo Quốc tế cấp
  • Học bổng Đoàn Hội các học kỳ trong năm học 2017-2018, 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021 do Văn phòng Đào tạo Quốc tế cấp
  • Học bổng Đoàn Hội xuất sắc học kỳ 192 do Văn phòng Đào tạo Quốc tế cấp
  • Đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2023
  • Đại biểu tham dự Đại hội Cộng đồng Sinh viên Phú Thọ – Bách khoa năm 2020
  • Giải thưởng “Cán bộ Đoàn Hội xuất sắc nhất Trường Đại học Bách khoa năm 2020” do Hiệu trưởng Nhà trường và Bí thư Đoàn trường trao tặng, được tài trợ bởi Cộng đồng Sinh viên Phú Thọ – Bách khoa (BKA)

* Xin chào Cẩm Tú. Bạn bật mí một chút về những thành tích nổi bật của bản thân trong quá trình học tập và hoạt động Đoàn Hội đi nào!

Để nói về khía cạnh học tập, mình sẽ dùng từ “tích lũy” thay cho từ “thành tích”. Bởi lẽ từ lâu, mình đã không còn phấn đấu vì thành tích, danh lợi mà chỉ cố gắng tích lũy vốn liếng cho bản thân sau này. Mình thực sự không thích cách học máy móc, không thể áp dụng kiến thức vào trong thực tiễn.

Là sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, mình đã học được rất nhiều bài học quý giá từ những case study thực tế của doanh nghiệp từ thầy cô, thay vì học lý thuyết suông. Đây là động lực lớn lao thúc đẩy mình nỗ lực nhiều hơn. Thành công lớn nhất trong thời đại học của mình chính là hành trình thực hiện luận văn tốt nghiệp. Đó là một trải nghiệm vô cùng quý giá.

Nói đến hoạt động Đoàn Hội, tất cả thành quả mình đạt được trong thời gian qua không thể thiếu vắng những con người đã góp phần làm nên một “Tu Nguyen” rất khác biệt và trưởng thành. Nếu kể chi tiết chắc sẽ không xuể. Vì vậy, mình chỉ nhắc đến một giải thưởng đã khiến mình suy nghĩ khác đi, đó là Giải thưởng Cán bộ Đoàn – Hội xuất sắc nhất. Mình đã được Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ – Bách khoa (BKA) khen thưởng khá khủng. Từ đây, mình có ý thức trách nhiệm hơn và luôn cảm thấy cần cố gắng hết mình để trở nên thành công, sau này về trường cống hiến như các đàn anh, đàn chị. 

Ngoài ra, nhờ hoạt động Đoàn Hội, mình có dịp gặp gỡ, giao lưu với những bạn sinh viên tiêu biểu, các thầy trong Ban Giám đốc OISP, các thầy cô lãnh đạo nhà trường/ ĐHQG-HCM cùng các cô, chú, anh, chị lãnh đạo ban, ngành của Ủy ban Nhân dân TP.HCM hoặc trung ương. Qua đó, mình được chia sẻ ý kiến và trình bày nguyện vọng của bản thân. Theo mình, không hề tồn tại khoảng cách giữa sinh viên và giảng viên như lời đồn nếu bạn biết chủ động tìm kiếm, nắm bắt cơ hội.

Một trải nghiệm khó quên nữa là mình vinh dự trở thành một trong những sinh viên thuộc khối ĐHQG-HCM được đặt câu hỏi trực tiếp cho Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vào đầu năm học 2020-2021, tại Hội trường Trần Chí Đáo, ĐHQG-HCM.

Cẩm Tú (thứ hai từ phải qua) và ba người bạn đến từ Khoa Kỹ thuật Hóa học, Quản lý Công nghiệp và Khoa học Ứng dụng đang họp bàn ý tưởng tổ chức hoạt động vào năm Nhất.
Cẩm Tú (thứ ba từ phải qua) chụp hình kỷ yếu cùng thầy Đặng Đăng Tùng (Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế) và ban thường trực Đoàn – Hội nhiệm kỳ 2019-2020.
Cẩm Tú (thứ tư từ phải qua) và các chiến sỹ Xuân Tình Nguyện năm 2021 tham gia chương trình Xuân Yêu Thương tại đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

* Bạn làm thế nào để cân bằng việc học tập, hoạt động Đoàn Hội và cuộc sống cá nhân? Nguồn động lực tinh thần của bạn đến từ đâu?

Thực ra, động lực của mình đơn giản xuất phát từ những kỳ vọng của bản thân sau khi hoàn thành bốn năm đại học. Từ hồi còn là sinh viên năm Nhất, mình đã được thầy chủ nhiệm Trần Duy Thanh hướng dẫn cách xác định mục tiêu và kế hoạch học tập trong môn Giới thiệu ngành (Introduction to Management).

Vậy là mình đã chia ra nhiều mục tiêu ngắn hạn cho từng năm học cũng như một số mục tiêu dài hạn cho cả bốn năm. Trong đó, mục tiêu bốn năm của mình là trang bị một nền tảng kiến thức vững chắc (Knowledge – K), một “ba-lô” kỹ năng mềm (Skills – S) và một thái độ chủ động tích cực (Attitude – A). 

Nền tảng kiến thức vững chắc là kết quả của quá trình chăm chỉ học tập trên trường lớp, từ sách vở. Kỹ năng mềm được tích lũy dần qua các hoạt động sinh viên, một số cơ hội thực tập cùng những trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Sự tiếp xúc thường xuyên với môi trường xung quanh một cách có chọn lọc là điều kiện thuận lợi để hình thành thái độ sống chủ động, tích cực. Từ đó, mình lên kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu cho mỗi năm học. Khi nản chí hoặc lơ là, những mục tiêu ấy sẽ biến thành lời cảnh tỉnh giúp mình nhanh chóng on track.

Bí quyết cân bằng của mình là việc học và cuộc sống sẽ trở nên vô cùng đơn giản nếu mỗi sáng thức dậy, mình dành riêng một khoảng không để viết morning pages (những dòng viết tự do về mọi thứ, chẳng hạn dự định ngày mới, mục tiêu, thời gian biểu, phương pháp thực hiện…). Hơn hết, đó phải là một thái độ sống tích cực, đầy trách nhiệm với bản thân mà mình cần cam kết duy trì. “You only live once”. Vì vậy, hãy khiến từng phút giây được sống trở nên giá trị.

* Bạn nhận thấy bản thân đã thay đổi như thế nào và trưởng thành ra sao thông qua hoạt động Đoàn Hội?

Có lẽ sự thay đổi lớn nhất của mình chính là suy nghĩ và thái độ. Lúc trước, khi tham gia hoạt động, nếu có bất cứ điều gì không vừa lòng, mình thường chọn cách khó chịu hay bỏ lơ mặc kệ. Thế nhưng về sau, khi đọc sách nhiều hơn, trải nghiệm những tình huống thực tế và học cách kiên nhẫn lắng nghe, mình ngày càng phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. 

Tất cả đều bắt nguồn từ suy nghĩ, góc nhìn, thái độ và hành động của bản thân. Với quan điểm này, mình có thể xử lý vướng mắc một cách dễ dàng, khéo léo hơn. Đúng là gieo suy nghĩ, gặt hành động, gieo hành động, gặt thói quen và gieo thói quen, gặt số phận. ^^

Để mô tả ngắn gọn về thời sinh viên ở Bách khoa, mình sẽ chọn ba tính từ “nhiệt huyết”, “ý nghĩa” và “tuyệt vời”. “Nhiệt huyết” diễn tả những ngày hoạt động hăng hái bất kể không gian, thời gian. Ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, bên mình cũng có mặt những người anh chị em Đoàn Hội đồng hành. “Ý nghĩa” bởi mình đã hoàn thành các mục tiêu của bản thân. “Tuyệt vời” vì bốn năm qua, mình đã gặt hái quá nhiều thành công ngoài sức tưởng tượng.

Cẩm Tú chụp hình kỷ niệm bên tàu Nippon Maru (Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản) năm 2019 tại cảng Cát Lái.
Cẩm Tú (phải) bên “anh bạn thân” suốt bốn năm đại học (cố vấn OISP Camp 2017 của cô nàng hồi năm Nhất) tại Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2023.
Cẩm Tú (hàng đầu, thứ năm từ phải qua) cùng anh chị em hùng hậu Ban Chấp hành Đoàn Hội OISP ngày chia tay.
Ngoài thời gian làm việc cùng nhau, Cẩm Tú (đầu tiên từ trái qua) và Ban Chấp hành Đoàn Hội OISP còn “duy trì” cái hẹn mỗi cuối tuần tại rooftop “ruột” để nhâm nhi thức uống ngon lành và chơi các trò chơi trí tuệ.

* Bạn có lời khuyên nào dành cho những thí sinh yêu thích ngành Quản lý Công nghiệp đang phân vân với lựa chọn của mình không?

Nếu vẫn còn do dự trước khi quyết định, bạn hãy lắng nghe mong muốn của chính mình. Đừng để bản thân phải hối tiếc trong những năm tháng về sau, tự vấn rằng tại sao ngày đó lại không dám theo đuổi.

Nếu bạn suy nghĩ giống mình, kỳ vọng rằng trong bốn năm sắp tới, bạn sẽ vừa trang bị nền tảng kiến thức vững chắc (Knowledge – K) vừa trau dồi kỹ năng (Skills – S) vừa rèn luyện thái độ sống (Attitude – A) thì chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa chính là sự lựa chọn cực kỳ sáng suốt đấy!

* Bạn muốn nhắn nhủ điều gì đến các tân sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp năm 2021?

Dành cho các bạn tân sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp, chúc mừng các bạn đã trở thành người nhà của mình. Hãy trân trọng từng phút giây của cuộc sống này, biết lắng nghe và học hỏi mỗi ngày, để mỗi sáng thức dậy, bạn đều cảm thấy tự hào vì bản thân trở thành phiên bản tốt hơn so với ngày hôm qua.

Khi vừa bước vào ngưỡng cửa đại học, nhiều người có quan niệm cho phép tâm trí nghỉ dưỡng một chút sau 12 năm đèn sách đằng đẵng. Thế nhưng, đây là điều không nên. Thay vào đó, hãy nhanh chóng thiết lập mục tiêu, xây dựng kế hoạch cho bốn năm kế tiếp ngay bây giờ và bắt tay hiện thực hóa chúng càng sớm càng tốt. Đừng vội nản chí nếu chưa thể hoàn thành một mục tiêu nào đó. Đừng quên học cách trân trọng bản thân. Cố gắng lên bạn nhé!

* Cảm ơn Cẩm Tú vì những trải lòng đầy chân thành và tâm huyết. Chúc bạn luôn mạnh mẽ, lạc quan và gặt hái được nhiều thành công trong công việc, cuộc sống!

Bài: XUÂN MAI – Hình: Nhân vật cung cấp

Để cung ứng đội ngũ lao động giỏi ngoại ngữ, trình độ cao, có khả năng quản lý trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, Trường Đại học Bách khoa đã triển khai chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp từ năm 2014.
  • Mã trường: QSB
  • Mã ngành: 223
Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo học chế tín chỉ. Nội dung/ số lượng môn học cùng số lượng tín chỉ được thiết kế tương đương các đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới như: National University of Singapore, Massachusetts Institute of Technology, Purdue University… và được cập nhật, điều chỉnh liên tục. 

Đặc biệt, trong hai năm cuối đại học, sinh viên có thể chuyển tiếp sang một trong hai đại học đối tác của Trường Đại học Bách khoa là Macquarie University (Úc) hoặc University of Illinois Springfield (Mỹ) nếu thỏa mãn điều kiện về khả năng tài chính, kết quả học tập và trình độ tiếng Anh. Mời quý vị phụ huynh và các em học sinh tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chương trình này tại đây.

LIÊN HỆ TƯ VẤN
VP Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

Bài trước

Bài tiếp