Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Gặp cô bạn SV Bách khoa sở hữu thành tích piano khủng

Không nhiều bạn bè, thầy cô trong Trường ĐH Bách khoa biết Bùi Vũ Nguyệt Minh, SV K2019 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp là một “cây” dương cầm thượng thặng.

THƯỞNG THỨC ÂM NHẠC TỪ LÚC BA TUỔI

Bùi Vũ Nguyệt Minh trình diễn piano trên sân khấu lớn.

Dù không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, Bùi Vũ Nguyệt Minh vẫn thấy mình thật hạnh phúc, may mắn vì gặp được nhiều người đặc biệt trong cuộc đời mình, một trong số đó là mẹ.

Khi còn nhỏ, Minh thường được mẹ ru ngủ bằng những bản nhạc kinh điển của Chopin. Lúc thức dậy và vui chơi thì Minh được nghe nhạc Mozart. Ba tuổi, Nguyệt Minh được mẹ cho làm quen với cây đàn piano và dùng đôi bàn tay nhỏ nhắn nhấn nhá các phím đàn một cách vô thức. Dù cảm thấy thú vị với những phím đèn trắng đen nhưng Nguyệt Minh cũng mau chóng chán bởi xung quanh có nhiều đồ chơi khác bắt mắt hơn.

Nguyệt Minh thú thật hồi đó mình nghe nhạc khá thụ động thông qua bộ đĩa Chopin Nocturnes Chopin Preludes của NSND. Đặng Thái Sơn mà mẹ hay mở. Việc tập đàn piano cũng chỉ mới một thói quen tích cực chứ chưa hẳn là đam mê.

Ai cũng nghĩ để có được khả năng chơi đàn điêu luyện, nhuần nhuyễn như hiện tại thì thời gian đầu, Nguyệt Minh phải tập luyện ngày đêm. Nhưng không, cô bạn này tủm tỉm chia sẻ rằng không hề có việc Minh đánh đàn quên ăn quên ngủ, bởi “mình ngày xưa cực kỳ ham chơi”. Kể cả khi đã được xem là một tài năng piano trẻ tuổi, Nguyệt Minh vẫn chưa một lần trải qua cảm giác miệt mài ngày đêm bên cây đàn. Đối với cô nàng này, ăn ngủ đúng cách cũng là một loại “kỹ thuật” piano.

Vậy đó, mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày một ít, cây đàn piano trở thành người bạn thân thiết của Nguyệt Minh lúc nào không hay. Sau hai-ba năm tập đánh đàn một cách bài bản và kỹ thuật thì vào năm chín tuổi, Nguyệt Minh đậu vào hệ trung cấp piano thuộc Nhạc viện TP.HCM. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển tài năng cũng như hình thành cá tính chơi nhạc của Nguyệt Minh.

Nhắc về mẹ với ánh mắt tự hào, Minh nói mẹ là người rất tâm lý với con, luôn dạy con xây dựng độc lập, tự tìm tòi, phản biện trong mọi vấn đề. Đó cũng là tiền đề thuận lợi để có một Nguyệt Minh chững chạc hơn tuổi như bây giờ.

AN TOÀN HƠN KHI ĐƯỢC BIỂU DIỄN TRÊN SÂN KHẤU

Những ai từng nghe tiếng đàn của Nguyệt Minh sẽ bị cuốn hút bởi sự trình diễn điêu luyện và dạt dào cảm xúc. Để làm được điều đó, ngoài sự hướng dẫn của thầy cô và gia đình, bản thân em phải tự tìm tòi, nghiên cứu qua sách báo, internet về tiểu sử, phong cách sáng tác của các tác giả nổi tiếng trên thế giới.

Nhận xét về Nguyệt Minh, TS. Đặng Ngọc Giang Quân – giảng viên Nhạc viện TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy ít có học sinh nào có cảm xúc già dặn và sâu sắc như Minh, điều đó thể hiện cả khi em đánh đàn. Ở em hội tụ được cả hai điều: dào dạt cảm xúc và có lửa, trong khi nhiều em khác chỉ có được một trong hai yếu tố đó mà thôi”.

Đánh giá về tài năng của Nguyệt Minh, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo cho rằng: “Một người nghệ sĩ đích thực ở đời họ rất bình thường nhưng trên sân khấu họ xuất thần, Nguyệt Minh đã làm được điều đó.”

LÝ LỊCH TRÍCH XÉO
Tên cúng cơm: BÙI VŨ NGUYỆT MINH
– SV K2019 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp
– IELTS 7.5
Thành tích sương sương:
– Giải Ba cuộc thi piano quốc tế Isidor Bajic Piano Memorial 2016 (Serbia)
– Đậu vào Jacobs School of Music (Indiana University, Mỹ), 2016
– Giải thưởng Công dân Trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016
– Học sinh quốc tế đầu tiên thắng học bổng piano 2015 của Music Academy of the West (Mỹ)
– Làm trợ lý nghiên cứu cùng GS.TS. Tom Zelle (nhạc trưởng Đức đang giảng dạy tại North Park University, Mỹ) về hiện tượng học âm nhạc, tâm lý học âm nhạc, phương pháp El Sisteme trợ giúp xã hội thông qua giảng dạy âm nhạc cổ điển)
– Tham gia liên hoan âm nhạc cổ điển tại Curtis Institute of Music (Mỹ) năm 2014
– Học sinh duy nhất thắng giải “Tài năng” do Tổng Lãnh sự quán Ý tại TP.HCM trao tặng, được mời diễn tại Nhà hát Opera Donizetti (Ý) năm 2014
– Tham gia biểu diễn tại International Piano Meeting 2012 (Ý), Liên hoan Quốc tế Âm nhạc cổ điển 2012 (Malaysia)
– Học bổng Toyota các năm 2012, 2013, 2016
– Giải Vàng tại festival âm nhạc Hàn Quốc năm 2011
– Tham gia biểu diễn tại Piano Festival 2011 (Nhạc viện TP.HCM)
– Tham gia Cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ I – 2010 (Hà Nội)
– Học bổng Quỹ Bảo trợ Tài năng trẻ Thành Đoàn liên tục các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2016

Thực vậy, khi được đặt đúng vị trí – cạnh cây đàn và trên sân khấu – Nguyệt Minh nhanh chóng phát triển năng lực chơi đàn và cảm thụ âm nhạc bẩm sinh. Sự tự tin, thẩm thấu âm nhạc giúp cô gái 10x vững vàng trên sân khấu mỗi lần biểu diễn. Nhiều lần liên tiếp, Nguyệt Minh trở thành gương mặt đại diện tham dự, thi đấu giải piano quốc gia, quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, cô bạn này đã tham gia thi đấu, biểu diễn tại các nước như Mỹ, Ý, Serbia, Hà Lan, Hàn Quốc, Malaysia…

Minh nói, cảm giác khi chơi đàn trước hàng ngàn khán giả còn thích thú và an toàn hơn cả trong phòng tập. “Biểu diễn trên sân khấu không phải là một buổi tổng dợt, kể cả khi bạn có áp lực, điều đó cũng không được phép lộ ra.”

Nguyệt Minh biểu diễn tại đêm nhạc Saigon Classical 2019.

Khi tham giam trại hè âm nhạc tại Curtis Institute of Music (Philadelphia, Mỹ), Nguyệt Minh được phân công đệm cho một bạn nữ hát giọng soprano. Nhưng gần tới ngày diễn, vì lý do cá nhân, bạn này hủy diễn. Thế là Minh chỉ có hai ngày để tập tám bài mới đệm cho một bạn nam hát giọng tenor! May mắn là khi diễn, mọi thứ cũng “tạm chấp nhận được”!

Chuyến đi đáng nhớ nhất của Nguyệt Minh là lần đến Chicago thăm North Park University theo lời mời của nhạc trưởng, GS.TS. Tom Zelle. Vị tiến sĩ đáng kính này đã giới thiệu Minh với một nghệ sĩ Đức nổi tiếng, Alexander Schimpf. Hai người này về sau có sức ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức và tư duy nghệ thuật của Nguyệt Minh.

Có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, biểu diễn, Minh hiểu được bản thân còn phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa trong quá trình học tập cũng như cảm thụ âm nhạc. Những lần xuất ngoại mang đến cho Nguyệt Minh nhiều trải nghiệm và kiến thức về cách mà các nền văn hóa, địa lý, ngôn ngữ và lịch sử ảnh hưởng lên đời sống âm nhạc.

Nói về sự tác động của âm nhạc nói chung cũng như đàn piano nói riêng đến đời sống của mình, Nguyệt Minh chia sẻ: “Âm nhạc đòi hỏi sự tập trung cao độ, tính độc lập trong tư duy và bản lĩnh trước đám đông. Nó còn là cách để mở rộng trí nhớ và một phương tiện học lịch sử phương tây không khô khan.”

“BÀ CỤ NON” KHÔNG CÓ HOA TAY NÀO

Nguyệt Minh (bìa phải) tại Lễ Tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016.

Bà ngoại của Nguyệt Minh kể: “Mỗi lần không học bài là thấy cháu đọc sách, từ bé đến giờ luôn chủ động, không để bà hay mẹ nhắc nhở bao giờ. Tủ sách của cháu cũng toàn là sách nghiên cứu, đôi khi mang ra chia sẻ với bà và mẹ mà cả hai cứ đứng ngơ ngác không biết tiếp chuyện thế nào. Nhiều lúc phải thừa nhận Nguyệt Minh ăn nói như ‘bà cụ non’ ấy.”

Nguyệt Minh rất thích đọc sách vào bất kỳ thời điểm rảnh rỗi nào trong ngày. Và những cuốn sách “gối đầu giường” của cô bạn này là hầu hết thuộc dòng khoa học, nghiên cứu chuyên sâu. Một trong số đó là cuốn Hiện tượng học của Husserl và ứng dụng của nó trong âm nhạc của Sergiu Celibidache.

Ngoài ra, cô bạn này còn cực kỳ mê phim Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) và Phù thủy tối thượng (Doctor Strange), thích bóng đá và là fan cuồng của Doraemon. Nguyệt Minh “bật mí” cô nàng từng đá chính cho đội tuyển bóng đá nữ ở trường.

Chưa hết, Minh còn chơi violin rất ngọt nữa đó nha!

KHÁT KHAO LÀM MỚI CHÍNH MÌNH

Bước qua một chặng đường hoạt động nghệ thuật đủ dài, Bùi Vũ Nguyệt Minh nhận định, khó khăn nhất là nghệ thuật không có cái đúng, sai như trong khoa học tự nhiên, mà phụ thuộc nhiều vào tâm trạng của số đông khán giả. Thế nên, mỗi lần biểu diễn ở một quốc gia khác nhau thì người nghệ sĩ phải chủ động biến hóa theo cảm xúc, địa lý, ngoại cảnh, chính trị, theo nền khoa học công nghệ tại quốc gia đó. Tất cả phải được chuyển biến linh hoạt để đem lại món ăn tinh thần phù hợp với nhu cầu thưởng thức của đại đa số công chúng ở đó.

Sau những dấu ấn của một chặng đường đi qua, Nguyệt Minh khát khao muốn thoát khỏi cái bóng chính mình, khám phá thêm nhiều thể loại âm nhạc, tìm nội tâm trong nhiều tác phẩm khác nhau. “Bằng nhiều trải nghiệm khác nhau, mình có thể đưa nhận thức, tình cảm, trái tim vào nhiều sản phẩm âm nhạc khác nhau, để mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều nền văn hóa hơn. Tôi muốn tạo nên một Nguyệt Minh đa dạng hơn”, Minh khẳng định.

Để chuẩn bị cho một hành trình mới, Nguyệt Minh quyết định lắng mình lại, bằng cách dành nhiều thời gian trong năm 2018 du lịch khám phá, học thêm nhiều thứ tiếng, nghiên cứu nhiều đề tài… “Đào sâu vốn kiến thức lịch sử, triết học của nhiều nền văn minh không chỉ đáp ứng nhu cầu hiểu biết cá nhân, nó còn giúp tôi mở rộng khả năng biểu diễn bởi nó liên quan tất yếu đến nghệ thuật. Hơn nữa, thời gian này tôi muốn kiếm tìm một cái tôi mới, xem xét những định hướng âm nhạc mới, tìm kiếm những ý tưởng âm nhạc mới cùng những động lực từ chính các đàn em nhỏ hơn”, Bùi Vũ Nguyệt Minh chia sẻ.

Nếu từ bỏ ước mơ, tình yêu của mình sớm, thì đó đã không còn là tình yêu. Cứ nỗ lực, cơ hội sẽ đến. Cơ hội không đến từ may mắn, nó đến từ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng”, Bùi Vũ Nguyệt Minh.

Năm 2019, Nguyệt Minh quyết định “đầu quân” vào Trường ĐH Bách khoa và chọn học ngành Quản lý Công nghiệp thuộc chương trình Chất lượng cao với mơ ước góp phần phát triển ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam. Tại Bách khoa, Minh hiện là một trong những thành viên tích cực của CLB Đại sứ Sinh viên Bách khoa Quốc tế (OSA) nữa đó.

Cùng OISP thưởng thức ngón đàn piano của Bùi Vũ Nguyệt Minh trong tác phẩm Sonata cho dương cầm, số 21 cung Si Giáng Trưởng, D.960, I. Molto moderato nhé.

THI CA tổng hợp từ Tiin, Tiền Phong, Thanh Niên – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp