Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Đường đến nghiên cứu khoa học (Kỳ 1)

Tại Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên chưa được chú trọng hoặc thực hiện một cách hời hợt để chạy đua thành tích, khả năng ứng dụng thực tiễn không cao, khiến hoạt động này chưa phát huy hiệu quả. Sớm nhận thức được điều này, từ khi còn là sinh viên ngành Điện – Điện tử thuộc chương trình Tiên tiến của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Nguyễn Vĩnh Khương (khoá 2010), đã chọn nghiên cứu khoa học làm lối đi riêng để tạo điểm nhấn khác biệt trong hồ sơ nghề nghiệp cá nhân.

NGUYỄN VĨNH KHƯƠNG: “NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – ĐIỀU TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT”

Kỳ 1: Đường đến nghiên cứu khoa học

Lời OISP

Tại các trường đại học lớn của Mỹ, Úc, Nhật, châu Âu… nghiên cứu khoa học được xem là phương pháp đào tạo hiệu quả và là một trong những hoạt động không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên phát triển tối đa óc sáng tạo và trực giác khoa học, nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học và tinh thần đào luyện tri thức suốt đời, để áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Để tạo nhận thức cũng như thói quen nghiên cứu khoa học, ngoài các yếu tố tác động khách quan như đổi mới nội dung/ chương trình đào tạo, nâng cấp trang thiết bị/ phòng thí nghiệm, mở rộng hợp tác quốc tế… thì sự tự giác của sinh viên vẫn được xem là điểm then chốt.

Tại Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên chưa được chú trọng hoặc thực hiện một cách hời hợt để chạy đua thành tích, khả năng ứng dụng thực tiễn không cao, khiến hoạt động này chưa phát huy hiệu quả.Duong den nghien cuu khoa hoc OISP 02

Sớm nhận thức được điều này, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Vĩnh Khương, cựu sinh viên K10 ngành Điện – Điện tử chương trình Tiên tiến – Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (ảnh phải), đã chọn nghiên cứu khoa học làm lối đi riêng để tạo điểm nhấn khác biệt trong hồ sơ nghề nghiệp cá nhân.

Trở về từ hội nghị chuyên ngành International Conference on Electrical Engineering and Computer Science (ICEECS) tại Hong Kong với bài báo khoa học (scientific paper) gây nhiều ấn tượng cho đồng nghiệp quốc tế, Nguyễn Vĩnh Khương gởi cho OISP loạt bài dài kỳ về quá trình nghiên cứu khoa học của mình, từ lúc mới chập chững làm quen đến khi bài báo khoa học đầu tiên được chọn xuất bản trong một tập san khoa học uy tín.

Cũng nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học tại hội nghị này mà Vĩnh Khương đã chạm tay tới ước mơ trở thành nhà khoa học bằng học bổng cao học toàn phần tại Trường Đại học Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Seoul (Seoul National University of Science and Technology) chuyên ngành Wireless – Antenna – Electromagnetics.

OISP xin trân trọng chuyển tải đến quý độc giả.

—–o0o—–


Đối với một sinh viên đại học, nhất là sinh viên ở nhóm ngành kỹ thuật, việc tham gia nghiên cứu khoa học là một công việc cần thiết, vì nó giúp bản thân hệ thống hóa các kiến thức đã học từ năm đầu tiên đến năm cuối cùng ở giảng đường đại học. Ngoài ra, việc thực hiện nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng môn học có trong chương trình đào tạo và biết được ứng dụng chính xác của những lý thuyết mình đã được học trong thực tế cụ thể là những gì.

Bản thân tôi luôn ý thức được rằng, điều kiện tài chính của gia đình là hạn hẹp, việc tiếp tục theo đuổi đam mê và mơ ước trở thành nghiên cứu sinh sau đại học ở một đại học nước ngoài là không tưởng và là không thể đối với bản thân nếu phải tự túc tất cả chi phí. Vì vậy con đường khả thi nhất chính là tìm kiếm cho mình một suất học bổng toàn phần để có thể hiện thực hóa mong muốn của mình.

Nhưng, giữa một rừng hồ sơ với hàng loạt ứng viên sáng giá, điều gì sẽ tạo ra sự khác biệt cho một sinh viên bình thường như tôi? Điểm số hoặc các thành tích chỉ vừa đủ tiêu chuẩn tuyển sinh thì rõ là không thể cạnh tranh được với số đông.

Với suy nghĩ đó, tôi cho rằng, việc có một hay nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công nhận trên thế giới sẽ tạo cho mình điểm nhấn khác biệt trong hồ sơ cá nhân và công trình đó sẽ được ghi dấu thế nào, câu trả lời chính là những bài báo khoa học quốc tế.

Ở lứa sinh viên vừa tốt nghiệp, không nhiều bạn có bài báo khoa học. Mà nếu có, thì việc được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước đã hiếm, nói gì đến việc được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế tiếng tăm.

Dĩ nhiên cái gì hiếm, tuy chưa hẳn là quý, nhưng nó tạo cho bản thân một sự khác biệt.

Và đó lý do tôi có được sự quyết tâm trong việc nghiên cứu khoa học.

LÝ DO CỦA CHUYẾN ĐI HONG KONG

Sau khi đã xác định được hướng đi cho mình, tôi tham khảo ý kiến của giảng viên hướng dẫn luận văn – TS. Nguyễn Quang Nam (trưởng Bộ môn Thiết bị Điện, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM). Tôi được thầy tư vấn xem nên chọn làm đề tài gì, xoáy vào vấn đề nào, đâu là vấn đề thiết yếu và nhức nhối cần được giải quyết trong thời đại ngày nay.

Cuối cùng tôi lựa chọn bài toán mang tên “Năng lượng tái tạo” và đi sâu vào nghiên cứu ứng dụng của năng lượng mặt trời trong cuộc sống thường ngày.

Đây chẳng phải là vấn đề gì quá to tát hoặc mới mẻ trên thế giới. Song, từ lời khuyên của thầy, “một thiết bị, nếu được sản xuất từ một công ty lớn với đầy đủ các bộ não siêu đẳng, mà em có thể làm được một sản phẩm gần đạt như họ, đó đã là một thành công lớn”, tôi khởi đầu quá trình nghiên cứu bằng việc tìm hiểu những thiết bị đã có trên thế giới, ưu điểm của chúng là gì, khuyết điểm ra sao, từ đó vạch ra hướng đi riêng cho chủ đề nghiên cứu của mình.

Thầy cũng khuyên tôi nên tiết kiệm thời gian và sức lực, bằng cách đầu tư nghiên cứu cho đề tài này như một luận văn tốt nghiệp, sau đó sẽ viết cô đọng và súc tích lại cho đúng yêu cầu của một bài báo khoa học. Như vậy sẽ vừa đảm bảo tiến độ luận văn tốt nghiệp cho ngày bảo vệ, nhưng cũng đồng thời đảm bảo tiến độ nộp bài cho hội nghị khoa học.

Duong den nghien cuu khoa hoc OISP 01

Tác giả tại hội nghị ICEECS Hong Kong 2014.

Chủ đề đã có, hướng đi cũng đã được định sẵn, tôi lại tìm tòi trên các trang mạng, thông tin về những hội nghị khoa học sẽ diễn ra tầm cuối năm 2014 đầu năm 2015, để thuận tiện cho việc bổ sung hồ sơ cho các đợt tuyển sinh cao học tại các trường đại học nước ngoài từ tháng 3-5/2015. Chỉ với một vài từ khóa liên quan đến “Electrical Engineering Conference”, tôi nhận được hàng đống hội nghị diễn ra trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, việc tham dự hội nghị hoàn toàn là mong muốn cá nhân, và do phải bỏ tiền túi ra tham dự, nên bản thân không thể lựa chọn một đất nước quá xa hoặc có mức chi tiêu quá cao. Được thầy Nam cố vấn, một sinh viên mới chân ướt chân ráo làm nghiên cứu khoa học như tôi đã quyết định chọn một hội nghị “vừa sức” là International Conference on Electrical Engineering and Computer Science (ICEECS), diễn ra tại Hong Kong vào những ngày cuối năm 2014.

Tôi chọn hội nghị này vì những lý do sau:

  • Bản thân tôi có thể sử dụng tốt tiếng Anh và tiếng Hoa nên có thể thoải mái đi lại và sinh hoạt ở vùng đất này mà không vấp phải rào cản ngôn ngữ.
  • Đây là một hội nghị có uy tín, với nhiều tạp chí khoa học quốc tế liên kết có chỉ số Impact Factor (IF) cao và có thể tìm thấy những bài báo trên Google Scholar (một trang web tìm kiếm thông tin về học thuật thông dụng nhất hiện nay).
  • Nếu xin được visa đến Hong Kong thì cơ hội nhận visa của các nước khác – vốn nổi tiếng là “khó nhằn” như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… sẽ thuận lợi hơn.
  • Với tỉ giá 1 đô-la Hong Kong (HKD) tương đương khoảng 2.800 đồng Việt Nam (VND) vào thời điểm đó, cộng với chính sách miễn thuế ở vùng đặc khu này, thì vấn đề chi tiêu cũng là vừa tầm, nhất là khi hội nghị này có liên kết với Hong Kong Tourism Board (tạm dịch là Tổng cục Du lịch Hong Kong), nên những ai góp mặt tại hội nghị này đều có cơ hội được giảm giá hoặc miễn phí một số dịch vụ như khách sạn lưu trú, các bữa ăn, vé tham quan Disneyland, công viên Hải Dương và Bảo tàng Lịch sử Hong Kong…

Bài, ảnh: NGUYỄN VĨNH KHƯƠNG

>> Đọc tiếp kỳ 2: Làm sao để viết một bài báo khoa học?

Bài trước

Bài tiếp