Để thi cử không còn là nỗi lo lắng cho sinh viên

Sắp bước vào kỳ thi cuối kỳ, cũng chính là thời điểm nhiều sinh viên sẽ cảm thấy áp lực và căng thẳng với khối lượng bài học nhiều. Vậy làm thế nào để giảm bớt căng thẳng và sắp xếp thời gian hợp lý trong mùa thi?

Khu vực tự học ở Trường ĐH Bách Khoa luôn đông sinh viên ngồi học bài. – Hình: OISP

Cách tốt nhất để chuẩn bị cho các kỳ thi là bắt đầu lên kế hoạch ôn tập sớm và áp dụng chiến lược học tập hợp lý. Điều này giúp bạn đỡ căng thằng, áp lực học tập và thời gian ôn bài ít, từ đó có kết quả thi tốt hơn mà vẫn giữ sức khỏe tốt cho các kế hoạch kế tiếp.

1. LẬP KẾ HOẠCH ƯU TIÊN

Các yếu tố sinh viên có thể tính đến khi lập kế hoạch ưu tiên của mình dựa vào:

  • Số lượng bài học cần ôn tập cho kỳ thi
  • Mức độ khó của nội dung bài học
  • Danh sách trình tự môn thi

Và bắt tay vào lập thời gian biểu ôn bài hợp lý.

2. LẬP KẾ HOẠCH THỜI GIAN

Lên kế hoạch sớm để việc ôn thi hiệu quả – Hình: Internet
  • Sử dụng công cụ lập kế hoạch thời gian, vạch ra mục tiêu ôn luyện để bạn có thể đạt được điểm cao trong kỳ thi.
  • Ghi lại ngày, giờ thi, địa điểm thi chi tiết – điều này rất quan trọng khi bạn lập kế hoạch học tập của mình, cũng như chủ động sắp xếp thời gian có mặt tại phòng thi, tránh việc trễ giờ thi.
  • Phân bổ thời gian học trên cơ sở giá trị của tỉ lệ điểm thi. Cụ thể, bạn cần ưu tiên nhiều thời gian hơn cho kỳ thi cuối kỳ vì chiếm từ hơn 60% điểm số toàn môn học.
  • Chia nhỏ các chủ đề khi bạn biết chính xác những gì bạn sẽ học và áp dụng trong bài thi.

3. PHƯƠNG PHÁP HỌC BÀI THI

Sau khi đã có kế hoạch học tập rồi thì bạn cần xác định phương pháp học tập hợp lý để không mất quá nhiều thời gian cho việc tìm tài liệu.

  • Phân loại dạng bài kiểm tra/ thi. Ví dụ: Bài thi dạng trắc nghiệm, tự luận, đề thi mở – được xem tài liệu trong lúc thi, hay đề thi đóng – không được xem tài liệu trong lúc thi. Từ đây, bạn có kế hoạch học tập và hướng ôn bài phù hợp ứng với từng dạng bài thi.
Xác định rõ dạng đề thi rất quan trọng trong việc lập kế hoạch ôn bài – Hình: mosereducational.com
  • Đọc và phân loại các ghi chép bài vở bạn đã học trên lớp, các tài liệu tham khảo từ giảng viên… Trong lúc đọc lại tài liệu, bạn nhớ ghi chú lại các điểm quan trọng, tập hợp thành đề cương theo từng chương, theo chủ đề, theo chuỗi thời gian sự kiện hoặc theo môn học.
  • Chọn phương pháp ôn tập mà mình thích. Ví dụ, bạn thích học nhóm thì lập ngay nhóm học và lên lịch cụ thể để cùng trao đổi kiến thức, bạn khác lại thích học một mình để tập trung nhiều hơn thì hãy tìm nhanh không gian phù hợp ý muốn.
  • Sử dụng phương pháp Bản đồ tư duy (Mindmap) để hệ thống bài học, liên kết các thông tin với nhau. Có thể sử dụng các hình minh hoạt để bài học sinh động và ghi nhớ nhanh, lâu hơn.
  • Không học quá nhiều môn học cùng một lúc, nghiêm túc tuân thủ kế hoạch học tập đã đề ra.

4. CÁC LƯU Ý KHI ÔN BÀI

  • Thời gian ôn bài: Từ 4g30 sáng tới 7g00 sáng là thời điểm con người ghi nhớ tốt nhất các trí nhớ ngắn hạn, thời điểm buổi chiều từ 4g00 tới 6g00 là thời điểm tốt nhất cho việc ghi nhớ các kiến thức dài hạn. Do đó, nếu bạn đang ôn thi cấp tốc thì buổi sáng là thời điểm học hoàn hảo, nếu bạn học những kiến thức quan trọng, cần nhớ lâu thì nên học buổi chiều.
  • Nghỉ giải lao, vận động nhẹ nhàng 10 phút sau mỗi 45 phút học bài. Bạn không nên ngồi liên tục 3-4 tiếng, lúc này cơ thể mệt mỏi việc ghi nhớ sẽ không đạt hiệu quả.
  • Ngủ đủ giấc, đủ giờ.
  • Nghe nhạc Baroque giúp tập trung hơn. Nhưng nếu bạn là một người nhạy cảm với âm thanh không tập trung được thì tốt nhất không nên nghe nhạc.
Nghe nhạc Baroque giúp não bộ tập trung hơn – Hình: Hoc24h.vn

Bài: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp