Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Sinh viên Bách khoa phát triển ứng dụng chẩn đoán bất thường ở phổi

Bén duyên từ IC Design Lab, nhóm năm sinh viên Bách khoa cùng chung chí hướng đã thiết kế thành công ứng dụng chẩn đoán bất thường ở phổi mang tên AISoFi. Dự án tâm huyết này vừa xuất sắc giành được giải Ba cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021.

Bài viết liên quan
 Trà an thần Assamica lại thắng lớn ở “đấu trường” Bach Khoa Innovation 2021

► Đạt Á quân BKI 2021 từ lời rủ rê ở ghế đá
 Edifilm – giải pháp xanh thay thế màng bọc thực phẩm bằng nhựa

AISOFI – ỨNG DỤNG CHẨN ĐOÁN TÌNH TRẠNG CỦA PHỔI DÀNH CHO MỌI NGƯỜI

Suy hô hấp là một trong những nguyên nhân nguy hiểm dẫn tới bệnh tật và tử vong. Vì vậy, việc chẩn đoán, phát hiện mầm bệnh từ sớm chính là chìa khóa điều trị những căn bệnh liên quan.

Nhằm hỗ trợ bệnh nhân theo dõi tình trạng của phổi, đồng thời góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, nhóm năm sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử (Nguyễn Trần Ngọc Anh – K2017, Ngô Minh Châu, Nguyễn Thị Liên, Ngô Thành Long và Trương Nguyễn Nhật Nam – cùng là K2018) đã xây dựng ứng dụng AISoFi. 

Đây là hệ thống tích hợp ống nghe với điện thoại di động (ghi lại âm thanh phổi), sau đó dữ liệu âm thanh sẽ được chuyển tới ứng dụng AISoFi để phân tích và lưu trữ, cuối cùng, trả về kết quả tình trạng phổi của người dùng. 

Với mức giá khoảng 850.000 đồng/gói đăng ký 3 tháng, sản phẩm dành cho các khách hàng có nhu cầu kiểm tra tình trạng phổi tại nhà (đặc biệt là những người phải sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí). Được huấn luyện bởi trí tuệ nhân tạo, mô hình này đạt độ chính xác khoảng 80%. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng thân thiện với người dùng, dễ sử dụng, hoạt động độc lập trên điện thoại, laptop và có thể phát triển thêm một số tính năng khác (kết nối với bác sĩ gia đình, chẩn đoán tim mạch) trong tương lai.

“Nhóm mong muốn khi nhắc tới AISoFi, người dùng sẽ nhớ đến các đặc tính nổi bật của ứng dụng cùng giá thành phải chăng. Tụi mình cố gắng duy trì mức phí hợp lý để mọi người dễ dàng tiếp cận với AISoFi.” – bạn Nguyễn Trần Ngọc Anh (trưởng nhóm) bộc bạch.

IC DESIGN LAB – NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU

Năm bạn trẻ hội ngộ ở IC Design Lab. Tại đây, các bạn thường xuyên cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm và thực hiện đồ án. Nhóm AISoFi bắt tay triển khai dự án từ tháng 11/2020, khi họ đều là những tân binh của IC Design Lab. Nhóm đã được TS. Trương Quang Vinh (Phó Trưởng Bộ môn Điện tử, Phó Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế) nhiệt tình hướng dẫn.

Nhóm bạn bật mí, ý tưởng xây dựng ứng dụng bắt nguồn từ một bài báo khoa học về khả năng phát hiện tình trạng bất thường trong âm thanh phổi nhờ phương pháp học sâu của TS. Lâm Phạm (hiện đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại Áo). Từ mục tiêu thiết kế thuật toán đo đạc âm thanh, dự đoán kết quả ban đầu, sau quá trình làm việc nghiêm túc, nhóm đã xây dựng nhiều tính năng mới và phát triển ứng dụng AISoFi. 

Nhóm bạn đang bàn về tính năng nhận diện âm thanh phổi của ứng dụng AISoFi.

Để theo đuổi dự án, năm thành viên phải vượt qua nhiều trở ngại về thời gian, địa điểm, kinh phí, chuyên môn… Bên cạnh đó, lúc mới thực hiện, nhóm cũng vướng vào một số bất đồng về mặt định hướng. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe Thầy Vinh chia sẻ kinh nghiệm, các bạn đã có thể bắt nhịp nhanh chóng, làm việc hiệu quả và vạch rõ kế hoạch nghiên cứu ở từng vòng thi.  

Không chỉ dừng lại ở đó, các mentor ở phòng thí nghiệm còn hỗ trợ nhóm cách xây dựng ứng dụng trên nền tảng Android cũng như tìm kiếm thông tin cần thiết để tạo ra máy chủ cục bộ trên hệ điều hành Linux (hệ điều hành tự do nguồn mở Unix hỗ trợ lập trình) nhằm xử lý backend (backend của trang web bao gồm máy chủ, cơ sở dữ liệu và ứng dụng xử lý) cho AISoFi.

THẮNG GIẢI NHỜ KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM VÀ TINH THẦN KHÁM PHÁ

Bạn Ngọc Anh tâm sự: “AISoFi là nhóm bạn đoàn kết, trách nhiệm và kiên trì. Đoàn kết vì các thành viên rất hòa đồng, gần gũi, dễ kết nối. Trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, làm việc kỷ luật, hoàn thành công việc đúng hạn. Kiên trì vượt qua khó khăn, vừa chủ động đề xuất giải pháp vừa duy trì động lực làm việc của nhóm.

Tụi mình đã đối mặt với khoảng thời gian khủng hoảng khi cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021 và tất cả môn học đều dồn lại một lúc. Do đó, ngày nào nhóm cũng tranh thủ cùng nhau ôn tập hết môn này tới môn khác, sau đó tất bật chuẩn bị tài liệu và tập dượt thuyết trình dự án. Ở giai đoạn cao điểm, không thành viên nào ngủ quá 6 tiếng/ngày.

Với ứng dụng chẩn đoán bất thường ở phổi, nhóm AISoFi đã xuất sắc giành được giải Ba cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021.

Có thể nói, ứng dụng AISoFi là tâm huyết của năm đứa mình. Khoảnh khắc nhận giải Ba Bach Khoa Innovation, tất cả đều vỡ òa hạnh phúc. Đó là giây phút được cả nhóm mong đợi từ lâu. Dù xúc động lắm nhưng tụi mình vẫn không thể ngưng chọc ghẹo nhau được bởi ai cũng muốn tạo ra những phút giây thư giãn sảng khoái sau quá trình nghiên cứu gian khổ.

Bước ra từ cuộc thi, bài học quan trọng nhất đối với tụi mình chính là kỹ năng làm việc nhóm. Khi cùng nhau cộng tác, tụi mình phải bỏ qua cái tôi cá nhân để xây dựng một ứng dụng hoàn hảo nhất có thể. Mỗi thành viên cần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời giúp đỡ các bạn còn lại đạt được mục tiêu chung. 

Yếu tố quan trọng không kém là tinh thần khám phá không mệt mỏi. Trước những lĩnh vực mới mẻ, các thành viên đều hào hứng tìm tòi, nghiên cứu. Đây chính là bí quyết giúp nhóm mình hăng hái theo đuổi dự án”.

Sắp tới, nhóm bạn sẽ tiếp tục hoàn thiện và ứng dụng AISoFi trong phạm vi nghiên cứu khoa học.

XUÂN MAI thực hiện – Hình: Nhóm AISoFi

Bài trước

Bài tiếp