Edifilm – giải pháp xanh thay thế màng bọc thực phẩm bằng nhựa

Đa năng, kiên trì và đoàn kết có lẽ là ba tính từ phù hợp nhất để miêu tả đội Edifilm, Á quân cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021. Cùng OISP lắng nghe hành trình nghiên cứu – phát triển màng bọc thực phẩm ăn được cùng tên của nhóm bạn thân thiết này nha!

Bài viết liên quan
 Trà an thần Assamica lại thắng lớn ở “đấu trường” Bach Khoa Innovation 2021

► Đạt Á quân BKI 2021 từ lời rủ rê ở ghế đá
► Tái chế rác thải nhựa tạo sợi 3D: sinh viên Bách khoa Quốc tế thắng giải cuộc thi Tech Planter 2021

EDIFILM – MÀNG BỌC THỰC PHẨM ĂN ĐƯỢC AN TOÀN, TIỆN LỢI

Nhóm năm sinh viên Bách khoa K2018 bao gồm Mạc Thị Vi, Nguyễn Vũ Như Quỳnh, Nguyễn Hoài An (cùng học ngành Công nghiệp Thực phẩm), Nguyễn Văn Tú (ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử) và Phạm Nguyễn Cát Tường (ngành Logistics & Quản lý Chuỗi cung ứng) luôn cảm thấy khó chịu vì phải đem về hàng chục túi nhựa lớn nhỏ mỗi lần đi siêu thị. Các thành viên tự hỏi, tại sao một gói phở hay túi bánh lại tiêu tốn nhiều bao nhựa tới vậy. Niềm trăn trở này đã thôi thúc nhóm bạn làm điều gì đó để giải quyết vấn đề.

Khi cuộc thi Bach Khoa Innovation chính thức khởi tranh vào đầu năm 2021, họ đã nảy ra ý tưởng sản xuất Edifilm (edible + films) – màng bọc thực phẩm từ tinh bột sắn cùng những loại phụ liệu ăn được khác. Sản phẩm sở hữu ba ưu điểm sau:

  • Ăn được: Edifilm không những ăn được mà còn an toàn với người dùng và không ảnh hưởng tới mùi vị thực phẩm. 
  • Tiện lợi: Nếu bạn không thích xé gói gia vị mỗi lần ăn mì gói thì Edifilm có thể chiều lòng bạn đó. Bạn chỉ cần bỏ gói mì vô tô, sau đó chế thêm một lượng nước sôi vừa đủ là có thể yên tâm thưởng thức món ăn yêu thích (màng bọc có thể tan trong nước nóng). Còn nếu không ăn được Edifilm, người sử dụng có thể xé bỏ màng bọc và vứt đi ở bất kỳ nơi đâu. Sau một khoảng thời gian ngắn, sản phẩm sẽ tự tiêu biến mà không sinh ra các loại vi màng gây ô nhiễm môi trường.
  • Dễ bảo quản: Edifilm có nguồn gốc từ tinh bột sắn cùng những nguyên liệu dễ phân hủy. Sản phẩm góp phần tăng cường chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.

Edifilm có thể bọc đồ khô (mì, phở, bánh kẹo, cà phê, bánh quy, trái cây sấy, bột pha uống) hoặc đựng khẩu trang, tuýp kem đánh răng, bàn chải du lịch… Tính chất nổi bật nhất của Edifilm là khả năng bền chắc ở nhiệt độ thường (không thua gì bọc nhựa) nhưng lại tan hoàn toàn trong nước sôi.

Được sản xuất từ tinh bột sắn, màng bọc xanh Edifilm rất bền chắc ở nhiệt độ thường, đồng thời có thể tan trong nước nóng.

TẬN DỤNG TẤT CẢ NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN DỰ ÁN

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn quá trình nghiên cứu màng bọc. Các thành viên không thể tới phòng thí nghiệm làm việc vì phải tuân thủ quy định phòng chống dịch của Chính phủ. Do đó, nhóm cố gắng tìm cách cải thiện một số tính chất của sản phẩm tại nhà mà không cần nhờ tới hệ thống trang thiết bị của phòng thí nghiệm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động khảo sát trực tuyến thị trường.

Năm bạn trẻ được TS. Nguyễn Đình Quân (Trưởng Phòng Thí nghiệm Nhiên liệu Sinh học và Biomass, Trường ĐH Bách khoa) giúp đỡ tận tình. Thầy Quân luôn sẵn sàng hướng dẫn chuyên môn và giải đáp mọi thắc mắc của nhóm.

Dự án còn nhận sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ ICM Falk Foundation(1). Nguồn kinh phí này cho phép nhóm tiến hành hàng loạt thử nghiệm nhằm tìm ra công thức tối ưu.

Thêm nữa, chương trình ươm tạo C-plastics(2) cũng giúp nhóm tích lũy kiến thức kinh doanh, xây dựng kế hoạch, khảo sát thị trường… thay vì chỉ tạm dừng ở bước nghiên cứu sản phẩm. Tóm lại, nhóm bạn đã tận dụng tối đa mọi nguồn lực sẵn có để phát triển thành công màng bọc ăn được Edifilm. 

Bạn Mạc Thị Vi chia sẻ: “Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng mỗi khi nghĩ tới những giá trị thiết thực mà sản phẩm đem đến cho cộng đồng, cả nhóm lại nỗ lực hơn nữa. Nhờ đó, tụi mình mới đạt được thành quả bước đầu như ngày hôm nay”.

Thông qua fanpage Edifilm – Màng bọc xanh, nhóm bạn đã lan tỏa thông tin sống xanh hữu ích cũng như nhận được nhiều đơn đặt hàng. Hiện tại, các thành viên đang làm việc chăm chỉ, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm về từng căn bếp Việt. Ngoài ra, nhóm cũng dự tính nghiên cứu một số loại màng bọc thân thiện với môi trường khác.

Với dự án cùng tên, nhóm Edifilm đã xuất sắc trở thành Á quân cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021.

KẾT NỐI VỚI NHAU NHỜ BACH KHOA INNOVATION 2021

Cuộc thi Bach Khoa Innovation năm nay đã gắn kết các thành viên nhóm Edifilm. Sau khi biết được thông tin về cuộc thi, vì mong muốn tham gia nên bạn Mạc Thị Vi (nhóm trưởng) đã tích cực tìm kiếm đồng bọn. Đầu tiên, Vi rủ rê hai cô bạn cùng lớp là Như Quỳnh và Hoài An, tiếp đó mời thêm Văn Tú (bạn cấp Ba của mình) nhập đội. Cuối cùng, An chiêu mộ Cát Tường (bạn cấp Ba của An). Vậy là nhóm Edifilm chốt sổ với năm thành viên như hiện tại.

Vi trải lòng: “Lúc đầu, tụi mình chưa thể phối hợp triển khai dự án ăn ý lắm vì ai cũng bận rộn công việc cá nhân. Nhóm chỉ phân công nhiệm vụ đơn giản như sau: Mình chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm và vận hành dự án, Quỳnh và An đồng phát triển sản phẩm kiêm truyền thông cho nhóm, Tú cùng Tường nhận việc nghiên cứu – khảo sát thị trường. 

May mắn là tính cách khác biệt của các thành viên đã bổ khuyết cho nhau. Nhóm nhanh chóng làm việc năng suất và không còn ngán chạy deadline nữa. Bởi mỗi thành viên đều ý thức cao độ vai trò cũng như trách nhiệm của mình.

Xuyên suốt quá trình triển khai dự án, cả nhóm đã trở nên đa năng, kiên trì và đoàn kết hơn:

  • Đa năng: Các thành viên nhóm mình đến từ những ngành học khác nhau. Ai cũng có thế mạnh riêng và chịu khó tìm tòi, học hỏi. Vậy nên khi thành lập nhóm, mỗi bạn có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bổ sung cho nhau. Khi đi cùng nhau, nhóm đã tạo thành một tổ hợp có thể không hoàn hảo nhất nhưng chắc chắn là phiên bản tốt nhất.
  • Kiên trì: Nhiều người hoài nghi về khả năng thành công của dự án. Mặt khác, tụi mình cũng phải vượt qua hàng loạt trở ngại do tình hình dịch bệnh suốt 10 tháng diễn ra cuộc thi. Tuy nhiên, các thành viên đều quyết tâm theo đuổi. Đôi khi kết quả hổng như mong đợi, năm đứa vẫn không hề nản lòng.
  • Đoàn kết: Nhóm mình lắng nghe ý kiến của nhau và gắn bó trong mọi việc. Tất cả luôn cố gắng hết sức để hướng tới mục tiêu cuối cùng là tung Edifilm ra thị trường”.

(1) Quỹ ICM Falk Foundation (ICM): Một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, cung cấp những khoản tài trợ nhằm thúc đẩy đổi mới và kiến tạo giá trị bền vững cho con người cùng hệ sinh thái. Hiện nay, ICM hoạt động ở Việt Nam với sứ mệnh hỗ trợ sáng kiến đổi mới thượng nguồn, hướng tới tuần hoàn rác thải trong ba lĩnh vực chính: thời trang, hàng tiêu dùng nhanh và hệ thống thực phẩm.

(2) Chương trình ươm tạo C-plastics: Do KisStartup và Spring Activator (Canada) tổ chức, chương trình này tập trung tìm kiếm các giải pháp thay thế nhựa ở Việt Nam.

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp