Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

SV OISP đạt giải Triển vọng cuộc thi sáng tạo của UNESCO

Với sản phẩm gạch nhẹ làm từ nhựa phế thải, nhóm sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học đã lọt vào top 6 đội thi có ý tưởng sáng tạo nhất tại Vòng Chung kết cuộc thi Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa do UNESCO tổ chức, diễn ra hôm 11/12/2020 tại Hà Nội.

Octoplastic - Gạch nhẹ từ nhựa phế thải - Kỹ thuật Hóa học Chất lượng cao - Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa
Nhóm Octoplastic với sản phẩm gạch nhẹ làm từ rác thải nhựa. Từ trái qua: Cao Ngọc Thiện Tú, Lạc Dân Hy, Nguyễn Lê Nguyên Phương, Đặng Minh Tuấn, Võ Thành Đạt. – Hình: NGUYỄN THẢO

Với sự hướng dẫn của PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lọc hóa dầu (trực thuộc Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM), nhóm Octoplastic gồm năm sinh viên Bách khoa K2018 chương trình Chất lượng cao, ngành Kỹ thuật Hóa học đã nghiên cứu và chế tạo thành công những viên gạch nhẹ làm từ nhựa phế thải. Đó là các bạn: Lạc Dân Hy, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Lê Nguyễn Phương, Cao Ngọc Thiện Tú, Võ Thành Đạt.

Lạc Dân Hy, trưởng nhóm, cho biết ý tưởng của nhóm xuất phát từ thực tế hàng năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó Việt Nam “đóng góp” 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% và đứng thứ tư toàn thế giới.

“Những sản phẩm bằng nhựa ngày nay rất được ưa chuộng vì tính tiện ích và gọn nhẹ. Tuy nhiên, tính khó phân hủy của chúng đã gây tác động nặng nề đến môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Rác thải nhựa, trong đó có nhựa PS, cực kỳ khó thâu gom và xử lý, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển và gây mất mỹ quan.

Bên cạnh đó, với những rác thải nhựa có thể xử lý, phần lớn sẽ được đem vào lò đốt hoặc chôn lấp mà không được phân loại, dẫn đến hiện tượng quá tải, ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm” – Nguyên Phương, thành viên nữ duy nhất trong nhóm giải thích.

Quy trình sản xuất gạch nhẹ của Octoplastic diễn ra trong phòng thí nghiệm, gồm ba công đoạn chính: (1) rửa, cắt hộp, ly nhựa và nghiền nhỏ theo dạng hạt; (2) cho xi-măng và nước vào cùng với hạt PS và trộn đều hỗn hợp; (3) đổ hỗn hợp vào khuôn và phơi khô hoặc sấy trong vòng 24 tiếng.

Phương cho biết, lượng nước thải ra khi qua giai đoạn tiền xử lý, phần lớn là từ rác nhựa sinh hoạt. Vì thế, loại nước thải này gần như không độc hại, không chứa kim loại nặng và dễ phân hủy hữu cơ. Đồng thời, nước thải có thể được trung hòa và sử dụng lại cho các quy trình tiếp theo, nhờ đó mà việc xử lý nước thải trở nên dễ dàng hơn.

“Mẻ gạch” sau khi được “ra lò” trong phòng thí nghiệm Kỹ thuật Hóa học đã được chuyển qua các Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật Xây dựng để kiểm tra khả năng chịu lực, độ cứng. Sản phẩm được đánh giá là đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và có thể đưa vào sử dụng trong thực tiễn.

“Gạch nhẹ có thể dùng để lát sân, lát nhà trên biển hay ốp tường cách âm ở phòng thu, khách sạn… Tùy vào từng ứng dụng và đặc tính mà sản phẩm có nhiều hình dạng khác nhau (vuông, tròn, lục giác…) cũng như có các tỉ lệ trộn tương ứng.” – Phương nói.

Octoplastic - Gạch nhẹ từ nhựa phế thải - Kỹ thuật Hóa học Chất lượng cao - Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa
Gạch nhẹ có thể dùng làm gạch lát sân, lát sàn, ốp tường cách âm… – Hình: OCTOPLASTIC

Hiện tại một viên gạch hoàn thiện của nhóm đang sử dụng 40-50% chất liệu nhựa, còn lại là xi-măng và các vật liệu khác. Sở dĩ, sản phẩm có cái tên gạch nhẹ là vì chất liệu nhựa khiến viên gạch nhẹ hơn thông thường.

“Thời gian đầu, bọn em gặp nhiều khó khăn, ví dụ như trộn tỉ lệ các nguyên liệu không đạt chuẩn. Sau khi điều chỉnh, viên gạch đã đạt được độ cứng, độ chịu lực phù hợp.” – Dân Hy thông tin thêm.

Các thành viên của nhóm chia sẻ, với quy trình sản xuất đơn giản, nhiều hộ gia đình cũng có thể tự làm gạch nhẹ để xây dựng các công trình nhỏ mà không cần thiết bị phức tạp. Các nhà máy có thể đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp với chi phí thuê nhân công thấp do không yêu cầu nguồn lực lớn.

Nhóm cũng cho biết, giá thành sản xuất của một viên gạch nhẹ là khá cạnh tranh so với giá thành của các loại gạch phổ thông khác trên thị trường. Tuy nhiên, để có thể sản xuất với số lượng lớn, nhóm cần thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, nhóm cũng sẽ phát triển thêm một số ứng dụng khác của gạch nhựa phế liệu như làm vật dụng sinh hoạt, đồ lưu niệm…

Octoplastic - Gạch nhẹ từ nhựa phế thải - Kỹ thuật Hóa học Chất lượng cao - Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa
“Méc nhỏ”, Nguyên Phương (trái) còn là một cây ca hát “xịn sò” của CLB Văn nghệ Bách khoa Quốc tế (BOMB) nữa đó nhen ^^! – Hình: NGUYỄN THẢO
Clip ghi nhanh quá trình “chế tác” gạch nhẹ từ nhựa phế thải của nhóm. – Clip: OCTOPLASTIC
Cuộc thi Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa được UNESCO phát động từ tháng 7/2020 nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Thanh niên và đổi mới sáng tạo vì đại dương xanh”, phản ánh cam kết mạnh mẽ của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì một môi trường đại dương trong lành và bền vững. Sau hai tháng phát động, cuộc thi nhận được 25 hồ sơ ý tưởng. 6 ý tưởng sáng tạo nhất trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã được chọn vào Vòng Chung kết. Tại đây, Ban Giám khảo trao 3 Giải Xuất sắc và 3 Giải Triển vọng dựa trên tính khả thi và hiệu quả của các ý tưởng sáng tạo trong việc thâu gom, phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa.

THI CA tổng hợp từ Vietnamnet, Tài nguyên & Môi trường

Bài trước

Bài tiếp