Tuy mới bắt tay thực hiện nghiên cứu được hơn hai năm nhưng nhóm MED TECH với sản phẩm trà assamica đã được hai công ty đặt hàng sản xuất đại trà.
Tại thời điểm OISP tìm gặp trưởng nhóm Nguyễn Long Hoàng – sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học – nhóm MED TECH của Hoàng cùng các cộng sự đã lọt vào top 10 cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ 2021 với sản phẩm trà túi lọc từ hạt của cây lục lạc lá ổi dài (tên thương phẩm: trà assamica) dùng để an thần và giải tỏa lo âu. Nhóm vừa tiếp tục lọt vào top 5 và đang hoàn thiện sản phẩm để tranh tài ở Vòng Chung kết.
Bài viết liên quan
► Tái chế rác thải nhựa tạo sợi 3D: sinh viên Bách khoa Quốc tế thắng giải cuộc thi Tech Planter 2021
► Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT của sinh viên Bách khoa
► 17 thành tích nổi bật của SV Bách khoa Quốc tế năm 2020-2021
ẤP Ủ Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP TỪ LOÀI DƯỢC LIỆU QUÊ NHÀ
* Thân chào Hoàng. Ý tưởng nghiên cứu và sản xuất trà giải lo âu của nhóm bắt nguồn từ đâu vậy?
Ý tưởng dự án xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất, tình trạng căng thẳng tinh thần đang trở nên ngày càng phổ biến trong khi những loại thuốc Tây và thực phẩm chức năng trên thị trường chưa thực sự hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến tác dụng phụ.
Thứ hai, vốn là người Lâm Đồng, mình cùng anh Võ Viết Tiến (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, K2016 ngành Dược học) sớm nhận thấy assamica là loài dược liệu quý. Thế nhưng, người dân quê mình chưa thực sự hiểu rõ tiềm năng của loại cây này, đồng thời chưa biết cách trồng trọt, thu hoạch, sản xuất phù hợp.
* Vì sao lại là assamica chứ không phải các cây thuốc quý khác?
Trong một lần tham quan vùng dược liệu ở tỉnh Lâm Đồng, nhóm mình nhận thấy cây assamica được người dân địa phương nấu uống để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, số lượng tài liệu khoa học về tác dụng của loài cây này vô cùng ít ỏi. Do đó, mình và anh Tiến đã đưa ra một quyết định táo bạo, đó là tiên phong nghiên cứu những tinh chất quý giá trong cây Assamica.
Thật ra, nhóm đã bào chế thành công nhiều dạng sản phẩm, trong đó có cả thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thị trường, tụi mình nhận thấy phân khúc khách hàng tiềm năng thuộc độ tuổi 28-45. Nhóm đối tượng này đặc biệt quan tâm tới hương vị cũng như tính tiện lợi của sản phẩm. Đây chính là lý do tụi mình chú trọng phát triển dòng trà thảo mộc.
* Được biết, nhóm MED TECH đã trồng thí điểm thành công 1.000m2 dược liệu tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Làm sao các bạn có thể làm được điều này trong bối cảnh giãn cách xã hội vừa qua?
Quê nhà anh Tiến ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng nên nhóm đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các phụ huynh, cô chú, anh chị trong quá trình trồng thí điểm cây assamica. Vốn là một dược sỹ Đông y, ba anh Tiến có rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây thuốc. Do đó, tụi mình đã được học hỏi rất nhiều (tất nhiên chỉ qua màn hình máy tính, cười).
HỌC HỎI KHÔNG NGỪNG TỪ MỖI KHÓ KHĂN
* Suốt quá trình thực hiện dự án, nhóm MED TECH chắc chắn đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Vậy các bạn vượt qua những trở ngại đó như thế nào?
Thực sự tụi mình đã đối mặt với hàng tá khó khăn. Vào khoảng tháng 5/2021, tình hình dịch bệnh bắt đầu phức tạp. Công tác nghiên cứu của nhóm tạm thời gián đoạn. Tụi mình chuyển qua họp nhóm online. Lúc đó, TS. Võ Thanh Hằng (giảng viên Khoa Môi trường & Tài nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Xanh Bách khoa – BKGI) và PGS. TS. Nguyễn Đình Quân (Trưởng Phòng Thí nghiệm Nhiên liệu sinh học & Biomass) đã liên tục động viên và khơi dậy tinh thần của nhóm.
Trước khối lượng công việc khổng lồ liên quan tới các loại giấy tờ về kiểm định chất lượng, đăng ký sở hữu trí tuệ, tụi mình phân chia công việc thành từng nhóm nhiệm vụ nhỏ cho từng thành viên.
Vì toàn là dân kỹ thuật nên cả nhóm vô cùng bối rối khi phải khảo sát thị trường, xây dựng chiến lược truyền thông hay thiết kế mô hình kinh doanh. May mắn là tụi mình đã kết nối thành công với nhiều mentor giàu kinh nghiệm như: thầy Phạm Tiến Minh (giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp), cô Nguyễn Phi Anh Đào (giám đốc ngành hàng kinh doanh tiêu dùng công ty 3M Việt Nam), anh Đỗ Trần Anh (nhà sáng lập kiêm CEO công ty Farmtech Vietnam), chị Mai Hoài Giang (giám đốc công ty RAROMA)…
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, nguồn kinh phí eo hẹp cũng là khó khăn đáng kể đối với tụi mình.
Lắm lúc, hàng loạt khó khăn bủa vây trước mắt khiến tất cả thành viên đều mệt mỏi, chán chường. Tuy nhiên, nếu bỏ cuộc giữa chừng thì mọi cố gắng trước đó bỗng trở nên vô nghĩa. Và trên hết, khi buông xuôi mọi thứ, tụi mình đã thất bại từ trong suy nghĩ. Sẽ rất khó để có thể chạm đến thành công.
* Vốn là những sinh viên khối ngành kỹ thuật, các bạn đã giải quyết bài toán dự trù kinh phí như thế nào khi tranh tài ở các cuộc thi khởi nghiệp?
Với sự chỉ bảo tận tình của thầy Tiến Minh và cô Anh Đào, nhóm đã hoàn thành bảng dự toán tài chính tương đối chi tiết. Hai thầy cô luôn kiên nhẫn chia sẻ với tụi mình từng kiến thức cơ bản. Nhờ đó, mình cùng các bạn học được rất nhiều bài học đắt giá về sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.
Vậy nên, tụi mình dần nhìn nhận mọi thứ một cách thấu đáo hơn. Bên cạnh đó, theo thời gian, cả nhóm cũng “mài bén” tư duy (mindset) theo hướng gắn liền với thực tế. Bởi xuất thân là dân kỹ thuật, đôi khi tụi mình nhìn đời có chút mộng mơ. Quả là chuyện nghiên cứu – sản xuất thành công một dòng sản phẩm đã khó. Việc tiếp thị và thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm còn khó gấp bội lần.
* Định hướng phát triển dự án của các bạn trong tương lai là gì?
Hiện đã có hai công ty mong muốn chuyển giao công nghệ sản xuất trà giải lo âu assamica. Tuy nhiên, tụi mình chưa vội thương mại hóa sản phẩm mà sẽ tiếp tục tranh tài ở các “đấu trường” sáng tạo và khởi nghiệp khác như StartUp Wheel, Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp… trước khi tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp và triển khai sản xuất đại trà.
* Cảm ơn bạn về buổi chia sẻ truyền cảm hứng này. Thân chúc dự án trà giải lo âu assamica của nhóm ngày càng phát triển trong tương lai nhé!
MED TECH – NHÓM BẠN ĐỐI NGHỊCH NHƯNG HỢP CẠ HẾT SỨC Ban đầu, nhóm nghiên cứu chỉ gồm hai thành viên là mình và anh Tiến. Anh Tiến là tiền bối của mình trong một CLB kỹ năng ở trường cấp Ba. Nhận ra cả hai cùng chia sẻ ước vọng tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng, tụi mình rủ nhau lập nhóm nghiên cứu khoa học để “chinh chiến” ở nhiều “đấu trường” cấp tỉnh và cấp quốc gia. Rồi mình lên đại học. Khi tham gia BKGI, mình đã gặp gỡ bốn bạn trẻ nhiệt huyết: Nguyễn Hoàng Phong (K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Công nghệ Thực phẩm), Phạm Thanh Thảo Nguyên, Trần Tường Vy (lần lượt K2019 và K2020 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học), Lâm Hiền Xương (K2020 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hàng không). MED TECH tập hợp sáu con người với những nét tính cách không giống nhau. Anh Tiến là chàng trai vừa điềm tĩnh, trầm tính vừa tích cực, lạc quan. Anh luôn nhìn xa trông rộng và có những hướng đi độc đáo. Còn mình là đứa hay “tấu hề” trong các buổi họp online. Hiện tại, mình và anh Tiến đang tập trung phát triển sản phẩm cũng như điều phối hoạt động chung của nhóm. Thảo Nguyên là cô nàng xinh xắn, quảng giao và có nội tâm sâu sắc. Tụi mình thường gọi bản là KOL của nhóm. Thảo Nguyên phụ trách “cai quản” fanpage, website và đối ngoại. Tường Vy và Hiền Xương là cặp đôi “tình bể bình” của nhóm, chuyên đảm nhận công việc thiết kế. Đặc biệt, Vy sở hữu tư duy thẩm mỹ rất lạ lùng. Khi chốt ấn phẩm truyền thông, nhóm mình thường xuyên “vùi dập” cô bé. Có khi em ấy phải làm lại từ đầu. Hoàng Phong là một “lạnh lùng boy” chánh hiệu. Ấy vậy mà tâm hồn của bản lại tương đối mong manh, dễ vỡ. Trong nhóm, vai trò của Phong là nghiên cứu thị trường và xây dựng mô hình kinh doanh. Chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học cùng sự đồng điệu về tầm nhìn tương lai đã kết nối các thành viên lại với nhau. Tất cả thành viên đều mong muốn tạo ra một sản phẩm made in Vietnam hiệu quả, chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, tụi mình cũng hy vọng có thể xây dựng một vùng nguyên liệu mới tại tỉnh Lâm Đồng. |
*** Tới thời điểm hiện tại, với dự án trà giải lo âu Assamica, nhóm MED TECH đã xuất sắc đạt:
- Giải Quán quân cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021
- Giải Á quân và giải Dự án được yêu thích nhất cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ 2021
- Giải Nhì Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPIC 5)
- Giải Khuyến khích cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 của Báo VnExpress
Mời bạn đọc thêm thông tin chi tiết về dự án tại đây và đây.
XUÂN MAI thực hiện