Đậu Bách khoa suýt soát, vào trường thành SV tiêu biểu, tài năng

Năm 2021, giữa đỉnh dịch COVID-19, Võ Hoàng Nhật Khang đậu Bách khoa với số điểm suýt soát. Anh bạn đến từ miền đất sen hồng Đồng Tháp càng tin rằng: Bách khoa chính là cái duyên của mình.

Chào các bạn, mình là Võ Hoàng Nhật Khang, sinh viên khóa 2021 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh, ngành Khoa học Máy tính, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Mình đậu Bách khoa vào giai đoạn khốc liệt nhất của “cuộc chiến chống COVID-19” và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập ở lớp 12, từ việc thi cử cho đến xét tuyển đại học lẫn xác nhận nhập học.

Năm đó, học sinh khối 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Sa Đéc, được miễn thi tốt nghiệp nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tụi mình tuy được đặc cách tốt nghiệp nhưng đồng thời cũng mất đi một phương thức xét tuyển đại học quan trọng dựa trên điểm thi tốt nghiệp cấp Ba. Với điểm số Đánh giá năng lực là 973 điểm, so với điểm chuẩn là 972, mình chỉ dư có một điểm. Việc đạt mức điểm mấp mé ngưỡng chuẩn càng khiến bản thân tin rằng: Bách khoa chính là “duyên nợ”, và đây sẽ là nơi ghi lại những năm tháng đại học của mình.

Võ Hoàng Nhật Khang: Từ chối du học New Zealand để chọn học Bách khoa
Nhật Khang hồi học lớp 12 ở Đồng Tháp.

Trở ngược lại thời gian một chút, năm 2020, mình từng đạt học bổng 50% của Tập đoàn Soshi Global để sang học ngành Kinh doanh tại trường IPU New Zealand. Kế hoạch đào tạo rất thuận lợi khi mình được học thẳng lên bậc Đại học sau khi hoàn tất chương trình lớp 11 ở Việt Nam. Song mình cũng khá phân vân vì Kinh doanh không phải là ngành học mà mình thực sự thích.

Trong khi đó, ba và mẹ lại định hướng mình theo hai ngả rẽ khác nhau. Ba tạo điều kiện cho mình tiếp cận công nghệ thông tin – tìm hiểu cách thức hoạt động của các chương trình, thuật toán, các ngôn ngữ lập trình, đồ họa máy tính… từ khi mình còn học lớp Ba. Lên bậc THPT, mình tham gia vào đội tuyển toán của trường, tham gia các cuộc thi vòng tỉnh cũng như các khu vực lân cận và may mắn có giải. Trong thời gian này, mình có điều kiện tìm hiểu một số khái niệm liên quan tới Giải tích, Đại số Tuyến tính ở bậc Đại học, vốn là những kiến thức nền tảng của khối ngành kỹ thuật tại Bách khoa.

Còn mẹ thì khuyên mình theo học Y Đa khoa vì có triển vọng trong tương lai, và nó cũng phù hợp với tính cách mà đa phần mọi người nhận xét mình lúc đó là khá trầm.

Nhưng sau tất cả, mình đã quyết định không du học New Zealand để theo đuổi niềm yêu thích với ngành Khoa học Máy tính của Bách khoa và cố gắng học tốt để thi đậu.

Võ Hoàng Nhật Khang: Từ chối du học New Zealand để chọn học Bách khoa
Sau tất cả, mình đã chọn Bách khoa“.

Có một sự thật là tại Bách khoa, bạn sẽ khó lòng học tốt nếu thiếu vắng những người bạn học cùng chí hướng. Bạn bè vừa giúp nhau học tốt, vừa tạo động lực cạnh tranh lành mạnh, đỡ đần nhau lúc khó khăn và cùng chia sẻ niềm vui lúc gặt hái được thành quả. Trường Bách khoa đã cho mình những người bạn tuyệt vời.

Ngoài ra, mình cũng thật may mắn khi được học tập cùng các thầy cô, các vị giáo sư đầy nhiệt huyết và giàu kinh nghiệm ở Bách khoa. Các thầy cô là những người lái đò thật tuyệt vời, luôn truyền đạt nhiều kiến thức hay, bổ ích, kinh nghiệm quý báu để các bạn sinh viên càng thêm bản lĩnh, đáp ứng những nhu cầu của xã hội, cũng như các thử thách trong tương lai.

Đến nay, mình cảm thấy hài lòng với quyết định chọn học chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh của trường Bách khoa. Đây là môi trường học tập quốc tế đáng tin tưởng cho những ai muốn học đại học khối ngành kỹ thuật tại Việt Nam. Chất lượng giảng dạy tốt, đa số các thầy cô giảng viên ở khoa mình đều học tập từ các trường nổi tiếng trên thế giới về, truyền đạt cho tụi mình những kiến thức mới nhất và có tính ứng dụng cao. Cơ sở vật chất của Bách khoa không ngừng được xây mới, trang thiết bị có thể nói là đầy đủ cho sinh viên.

Trường Đại học Bách khoa nói chung và Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) nói riêng thường xuyên tổ chức các hoạt động học thuật, hội thảo du học, các cuộc thi khoa học công nghệ, các hoạt động xã hội, sinh viên tụi mình thỏa sức tham gia để mở rộng kiến thức sang nhiều lĩnh vực, nâng cao các kỹ năng mềm, mở rộng kết nối với những người có cùng mối quan tâm. Đặc biệt, các hội thảo du học, các cuộc thi khoa học công nghệ được tổ chức thực tế, đúng thời điểm và theo xu thế hiện hành.

Bản thân mình là một người thích tiếp cận với những cái mới của thế giới, và cách tốt nhất để làm điều đó là tham dự các buổi nói chuyện, hội thảo, tọa đàm. Tại đó, thông qua quan sát các diễn giả, mình còn học được cách thuyết trình, tương tác với người xem, cách xử lý tình huống.

Võ Hoàng Nhật Khang: Từ chối du học New Zealand để chọn học Bách khoa
Võ Hoàng Nhật Khang (thứ ba từ phải qua) nhận giải thưởng “Sinh viên Tiêu biểu Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính năm học 2022-2023”.

Đầu tiên, đó chính là học có kỷ luật. Thường mình học liên tục từ hai tới ba tiếng, có khi bốn tiếng nếu cảm thấy kiến thức thú vị. Mình biết là nghe khá ngược vì bình thường các bạn học 45-60 phút rồi nghỉ một lát, sau đó học tiếp. Nhưng mình lại luyện cho bản thân khả năng tập trung cao trong một thời gian dài để nâng cao năng lực “chạy task” hay “chạy deadline”.

Bên cạnh thời gian học, hãy dành thời gian tham gia nghiên cứu khoa học. Điều này mình rút ra được sau học kỳ đầu tiên ở năm Nhất. Giai đoạn này trường dạy trực tuyến do dịch COVID-19, mình đã dành thời gian tìm hiểu thêm các cách quản lý thời gian, kỹ năng quản lý công việc, làm sao để giải tỏa áp lực… nhằm tăng thêm hiểu biết của bản thân, cũng như không để thời gian trôi qua lãng phí. Cho đến hiện tại, mình vẫn như thế. Tích lũy kinh nghiệm thông qua việc làm các dự án nhỏ và lớn cũng là một cách để khơi dậy niềm đam mê tự học của bản thân.

Gần đây, mình cũng đã tham gia nghiên cứu mô hình ngôn ngữ lớn ứng dụng vào xây dựng hệ thống chatbot cho Phòng Đào tạo để giúp các bạn sinh viên tự tra cứu và tìm được câu trả lời nhanh chóng về các vấn đề học vụ thường gặp.

Võ Hoàng Nhật Khang: Từ chối du học New Zealand để chọn học Bách khoa
Khang (thứ hai từ phải qua) cùng nhóm nghiên cứu URA-LlaMa chatbot tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp Báo Tuổi Trẻ năm 2024.

Bên cạnh đó, mình cũng đang tìm hiểu chuyên sâu về các mô hình đa thể thức (multimodal models) nhằm cải thiện chất lượng đầu ra của việc sinh ảnh bằng trí tuệ nhân tạo; hoặc các mô hình có khả năng chuyển đổi từ văn bản thành giọng nói (Text-to-Speech) và ngược lại (Speech-to-Text). Một số dự án nghiên cứu khác mà mình đã tham gia phát triển có thể kể đến như: các mô hình học sâu dịch thuật tiếng Việt sang tiếng Bahnar; nghiên cứu mô hình ngôn ngữ lớn cho máy dịch…

Mới đây, vào tháng 2/2024, mình cùng các bạn trong nhóm nghiên cứu cùng PGS. TS. Quản Thành Thơ – Phó Trưởng Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính có bài báo nghiên cứu khoa học được Hội nghị chuyên đề về những Tiến bộ trong giáo dục lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo lần thứ 14 – năm 2024 (EAAI: The Symposium on Educational Advances in Artificial Intelligence) diễn ra tại Vancouver, Canada, đồng ý xuất bản. Tựa đề của bài báo là “Revitalizing Bahnaric Language through Neural Machine Translation: Challenges, Strategies, and Promising Outcomes” nhằm hỗ trợ việc giao tiếp giữa người Việt và người Bahnar ở ba khu vực chính: Bình Định, Gia Lai và Kon Tum.

Sau khi tham gia kha khá các dự án của trường cũng như làm trưởng nhóm một số nhóm học tập thì mình rút ra được rằng, kỹ năng thuyết trình có tầm quan trọng không kém gì kỹ năng lãnh đạo, không chỉ trong học tập ở bậc Đại học mà còn trong công việc và mọi mặt cuộc sống. Ngoài ra tinh thần chủ động cũng vô cùng quan trọng và là yếu tố quyết định sự thành công của bản thân. Vì nếu không chủ động thì chúng ta sẽ lỡ đi nhiều cơ hội phát triển các mối quan hệ, con đường sự nghiệp cũng như định hướng cho tương lai sau này. Bên cạnh đó, bản thân cần luôn trao dồi kiến thức chuyên môn vững vàng để có thể thích nghi với các biến đổi của môi trường xung quanh, môi trường học tập, môi trường nghiên cứu, môi trường làm việc…

Sau cùng, mình vẫn đang nỗ lực từng ngày để trở thành một kỹ sư giỏi ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, với mong muốn làm ra nhiều ứng dụng hữu ích để phục vụ cho cộng đồng cũng như cải thiện cuộc sống của con người. Hành trình của mình tuy còn dài, nhiều thứ phải làm, nhiều thử thách phải vượt qua, nhưng mình tin rằng: Tinh thần xông pha mà mình được tôi luyện ở Bách khoa sẽ là một kỹ năng cũng như vũ khí tuyệt vời để mình chinh phục những thử thách khác trong tương lai.

THI CA thực hiện
Hình do nhân vật cung cấp

Bài trước