Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Huỳnh Việt Quang: Nếu đủ tin tưởng bản thân, sẽ không có ranh giới nào ngăn cản được bạn!

Đối với nhiều người, việc lựa chọn ngành học ở bậc đại học là một quyết định khó khăn và cần mất nhiều thời gian cân nhắc. Tuy nhiên, là một người năng động và yêu thích xê dịch, mình đã quyết định theo học ngành Khoan – Khai thác Dầu khí thuộc Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) một cách dễ dàng.

Bài viết liên quan
Bùi Nguyễn Bảo Trâm: Đậu Y, học Bách, thích thử thách tới cùng
Nguyễn Hoài Tân – Sinh viên ưu tú ngành Kỹ thuật Dầu khí, chương trình Chất lượng cao K2016

Mình là Huỳnh Việt Quang, cựu sinh viên K2005 ngành Khoan – Khai thác Dầu khí thuộc Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). Hiện tại, mình đang công tác ở công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Schlumberger tại thành phố Bergen (thành phố lớn thứ hai Na Uy).

Anh Huỳnh Việt Quang chụp hình tại thành phố Caleta Olivia, Argentina vào năm 2015.

Lần đầu tiên đặt chân vào Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí của Bách khoa, mình cảm thấy bản thân đã lựa chọn chính xác. Những buổi giới thiệu về ngành học và công việc sau khi tốt nghiệp cực kỳ bổ ích. Sự nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô và anh chị khóa trên tạo nên bầu không khí gần gũi, thân quen. Do đó, mình quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này đến cùng.

Học hăng, chơi cừ

Hai năm đầu học đại cương là khoảng thời gian dài khủng khiếp đối với một đứa siêng chơi và ghiền tham gia hoạt động xã hội như mình. Các môn đại cương khá nặng nề và đề thi thì thuộc dạng đầy thử thách với độ lắt léo cực cao. Nếu không cẩn thận thì bạn có thể làm sai ngay câu đầu tiên bởi tính lộn mã đề.

Một trong những điều thú vị nhất khi hòa nhập vào môi trường đại học chính là học nhóm. Trước đây, mình chưa từng trải nghiệm điều này ở bậc phổ thông. Người xưa có câu “Học thầy không tày học bạn”. Câu này rất đúng, ít nhất là đối với mình. Việc tiếp thu bài giảng của thầy cô trong khán phòng hơn 100 sinh viên một cách hiệu quả là chuyện khá khó khăn. Thế nhưng, nếu chúng ta lắng nghe cẩn thận, ghi chép đầy đủ, sau đó học nhóm thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tới giờ mình vẫn còn nhớ rõ khoảng thời gian cả đám lê la ở sảnh hội trường A5 để học bài, làm bài cùng nhau. Lúc đầu, nhóm chỉ có khoảng 3-4 bạn, sau đó đông dần theo thời gian, tới nỗi phải chia thành nhiều nhóm nhỏ (nhưng vẫn ngồi chung khu nha). Cái hay của việc học nhóm ở bậc đại học là bên cạnh việc chia sẻ, trao đổi kiến thức thì tình bạn của cả nhóm cũng trở nên khăng khít, gắn bó hơn nhiều so với thời trung học phổ thông.

Hai năm rưỡi học chuyên ngành là khoảng thời gian tươi đẹp khác mà mình muốn chia sẻ cùng các bạn. Bắt đầu từ việc lựa chọn ngành học yêu thích, mình đã dấn thân sâu hơn vào con đường học thuật và nghiên cứu. 

Huỳnh Việt Quang: Khả năng chịu đựng của con người là vô hạn
Anh Việt Quang lúc công tác tại Biển Bắc.

Mình tham gia nhiều chuyến kiến tập, học về địa chất cơ sở, địa chất kiến trúc và biết thêm về khoa học Trái đất. Các giảng viên dạy môn chuyên ngành thì khỏi phải bàn. Đa số thầy cô đều trẻ trung và gần gũi với sinh viên. Tất nhiên, thầy cô sẽ luôn nghiêm nghị suốt quá trình giảng dạy, nhưng trong các sự kiện bên lề, họ chính là những người bạn thực sự của tụi mình. 

Đặc biệt, khi vào chuyên ngành, mình và bạn bè có cơ hội tiếp cận với nhiều thể loại học bổng, chẳng hạn học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng khuyến khích nghiên cứu khoa học, học bổng sau đại học.

Ngoài việc học, mình cũng hăng hái thi đấu thể dục thể thao hoặc hòa mình trong hoạt động ngoại khóa. Năm 2006, mình cùng nhóm bạn thành lập đội bóng rổ của Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí. Ngay từ trận đấu đầu tiên ở giải bóng rổ cấp trường, đội mình đã bất ngờ đánh bại đương kim vô địch đến từ Khoa Cơ khí. Từ đó, đội bóng rổ khoa mình bắt đầu có tiếng nói nhất định trong trường Bách khoa. Ngoài ra, mình từng cùng đội bóng của Khoa đạt chức vô địch Giải bóng rổ Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí mở rộng, đồng thời cùng đội tuyển Bách khoa đạt Huy chương Đồng Giải bóng rổ sinh viên toàn quốc (tổ chức tại Hà Nội) vào năm 2007.

Không chỉ dừng lại ở các giải đấu thể thao cấp trường, mình còn tham gia chiến dịch Mùa Hè Xanh cùng những sự kiện lớn khác. Là Phó Bí thư Đoàn Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, mình cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho các bạn sinh viên. Rất may Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí là một trong những khoa khá mạnh về hoạt động Đoàn thể cũng như công tác xã hội.

Anh Việt Quang (trái) và đồng nghiệp đang đợi trực thăng để trở về nhà sau một ngày hăng say làm việc.

Nói về chuyện học tập, tuy không phải sinh viên giỏi như một số bạn bè cùng khóa nhưng mình luôn chủ động tích lũy vốn riêng. Vào năm 2010, mình may mắn được thầy chọn cho một đề tài nghiên cứu khá mới mẻ vào thời điểm ấy, đó là tình trạng nhiễm thủy ngân trong dầu và khí đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đến quá trình khai thác – xử lý. 

Sau một năm miệt mài nghiên cứu, mình đã gặt hái thành quả ngọt ngào. Đề tài của mình đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục – Đào tạo và được chọn đăng trên Tạp chí Dầu khí Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Vừa tốt nghiệp đại học, mình trúng tuyển vào công ty dầu khí JVPC, đồng thời nhận học bổng JICA cho chương trình thạc sỹ chuyên ngành Địa chất ở Indonesia. Đứng trước hai cơ hội lớn đầu đời, mình (một chàng sinh viên mới ra trường) đã đắn đo rất nhiều để lựa chọn hướng đi phía trước. Cuối cùng, mình tiếp tục theo đuổi con đường học tập sau khi được các thầy cô trong khoa động viên và hỗ trợ nhiệt tình. Tại xứ sở vạn đảo, tiếp nối truyền thống của sinh viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí Bách khoa, mình hoàn tất chương trình trong 1,5 năm với tấm bằng loại Giỏi.

Trở về từ Indonesia, một lần nữa mình phân vân giữa việc nên đi làm hay học lên bậc cao hơn. Và lần này, mình lựa chọn đi làm thay vì học tiếp tiến sỹ. Mình thi tuyển vào công ty dịch vụ dầu khí Schlumberger và trở thành kỹ sư đi giàn (Field Engineer). Kể từ đây, hành trình du mục của mình chính thức bắt đầu.

WORK HARD, PLAY HARDER

Môi trường làm việc ở một công ty nước ngoài quy mô lớn khá khắc nghiệt, đặc biệt là đối với các kỹ sư đi giàn. Công việc chính của mình là đo địa vật lý giếng khoan (Wireline Field Engineer) để thu thập thông số địa chất dựa trên các phương pháp vật lý, hóa học, âm học và cơ học. Hiện nay, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ngày càng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại.

Anh Việt Quang (phải) chụp cùng đồng nghiệp ở Na Uy.

Vì vậy, mình có thêm nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực thăm dò. Ngoài ra, nhờ kinh nghiệm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Myanmar, Nga, Argentina, Kuwait, Mỹ và hiện tại là Na Uy, mình đã học hỏi nhiều bài học quý giá về tác phong cũng như như văn hóa làm việc của mỗi đất nước. 

Môi trường làm việc quốc tế bắt buộc mình nỗ lực trau dồi ngoại ngữ để phục vụ công việc. Mình thường nói đùa với đồng nghiệp rằng mình chỉ có hai sự lựa chọn, đó là Do or Die. Điều này thể hiện quyết tâm chinh phục thử thách, tuyệt đối không có đường lùi. Ví dụ, trước đây, khi làm việc ở Argentina, mình phải tự học tiếng Tây Ban Nha vì tất cả đồng nghiệp và khách hàng đều chỉ sử dụng thứ tiếng này mà không hề nói tiếng Anh. 

Với phương châm “Work hard – play harder”, dù môi trường làm việc vô cùng áp lực nhưng mình vẫn dành thời gian đi du lịch nhiều nơi. Thêm nữa, vì tính chất công việc, mình đã khám phá những địa điểm độc đáo ít người đặt chân tới như:  Ushuaya ở Argentina (điểm cuối cùng của thế giới, nơi gần với Nam cực nhất), Trømso của Na Uy (thành phố cực quang) hay biển Chết tại Jordan.

Từng thử sức ở các môi trường khác nhau, trong những điều kiện làm việc thuộc dạng khắc nghiệt bậc nhất thế giới (từ miền sa mạc Kuwait nắng nóng trên 50 độ đến vùng đất băng giá -300C tại Siberia hay Na Uy), mình có thể tự tin khẳng định khả năng chịu đựng của con người là vô hạn. Nếu cố gắng hết mình, bạn ắt đủ sức vượt qua mọi thách thức.

Với phương châm “Work hard – play harder”, anh Việt Quang luôn tự hào về hành trình du mục của mình. Đây là hình anh nhảy dù ở Mỹ vào năm 2014.

Mình thường tự hỏi, năng lực của sinh viên Việt Nam đến đâu trên đấu trường thế giới, có thể làm việc và tương tác tốt với bạn bè quốc tế hay không. Và bây giờ, câu trả lời của mình chính là sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập sâu rộng, vươn ra biển lớn, không hề thua kém về cả mặt kiến thức lẫn kỹ năng. Điều mà chúng ta yếu kém hơn họ chính là chưa đủ tự tin trong giao tiếp và thiếu nhạy bén khi nắm bắt cơ hội. Một khi đủ tin tưởng bản thân, sẽ không có bất cứ ranh giới nào cản được bạn trong môi trường quốc tế.

(*) Chất lưu: Một chất có thể chịu đựng sự biến dạng liên tục khi bị lực tác động gây biến dạng trượt trên một mặt phẳng song song với hướng tác động của lực áp vào. Chất lưu là tập hợp trạng thái vật chất bao gồm: chất lỏng, chất khí, (có thể đúng với) chất rắn đàn hồi và plasma (trạng thái thứ tư của vật chất – ngoài ba thể thường gặp là rắn, lỏng và khí – trong đó các chất bị ion hóa mạnh).

Bài, hình: HUỲNH VIỆT QUANG

Bài trước

Bài tiếp