Cùng lắng nghe những chuyên gia đầu ngành đến từ Unilever, Samsung, Intel nói gì về nghề kỹ sư Hóa nhé.
Buổi hội thảo ngày 13/9 tại phòng 510 tòa nhà A4 do Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – ĐH Bách Khoa TP.HCM tổ chức là cầu nối để thỏa đáp thắc mắc về nghề nghiệp giữa các sinh viên chương trình liên kết Quốc tế và Chất lượng cao ngành Công nghệ Hóa, Hóa dược với các khách mời đến từ Unilever, Intel, Samsung, đồng thời cũng chính là những nhà tuyển dụng tương lai của các bạn.
“Tiếng Anh. Bắt buộc phải có tiếng Anh là điều quan trọng nhất nếu các bạn muốn vươn xa”. Không chỉ riêng anh Phạm Quang Vinh – trưởng bộ phận R & D ngành hàng Homecare của Unilever khẳng định điều này mà chị Huỳnh Thị Mỹ Linh – kỹ sư quản lý quy trình Intel Việt Nam và chị Nguyễn Việt Hà, kỹ sư công nghệ bán dẫn công ty Sam Sung tại Hàn Quốc đều nhắc nhở.
Bắt buộc phải có tiếng Anh là điều quan trọng nhất nếu các bạn muốn vươn xa. Anh Vinh chia sẻ.
Anh Vinh cho biết thêm: sách tiếng Việt sẽ không đủ cung cấp cho bạn kiến thức chuyên môn trong ngành Hóa vốn luôn cải tiến công nghệ hàng ngày mà bạn cần phải đọc thêm nhiều sách tiếng Anh để có thể cập nhật kiến thức chuyên môn mới cho bản thân. Kiến thức có được này sẽ giúp bạn thành công trong các công ty quốc tế, công ty đa quốc gia vốn luôn thu hút nguồn nhân lực từ các quốc gia trên thế giới như Unilever.
Thái độ và ý chí cũng là tiêu chí tuyển dụng của các tập đoàn lớn. Anh kể: Từng rớt Coca Cola ở vòng cuối vì khi được hỏi “bạn có nhắm đủ sức khỏe để làm việc được không?” (lúc trẻ anh hơi ốm yếu), anh đã thật thà trả lời “em cũng không biết nữa”. Rớt. Sau đó phỏng vấn Unilever cũng nhận được câu hỏi đó, khôn ngoan hơn anh trả lời: “em cũng không biết chắc, nhưng phải cho em một cơ hội để em chứng minh được hay không”. Lúc đó thì đậu. Tinh thần và ý chí của bạn dành cho công việc là điều công ty mong muốn từ nhân viên, anh cho hay.
>>Hóa dược: triển vọng nhiều mặt
>>Kỹ sư Công nghệ Hóa: kỹ sư đa năng
Kỹ sư Hóa ở Việt Nam, đối thủ cạnh tranh việc làm trực tiếp từ đâu?
Không phải từ trường khác, không phải từ bạn bè trong trường ĐH mà là nhân lực từ các quốc gia như Philippine, Malayxia, Trung Quốc, Singapore v..v.. Chị Mỹ Linh đến từ công ty Intel Việt Nam chia sẻ: Ở những công ty lớn, đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao, yêu cầu người kỹ sư phải có kiến thức nền tảng vững chắc và chuyên sâu để có thể đám trách dự án lớn. Nếu không đáp ứng được điều đó, họ sẽ mời những kỹ sư đến từ nước ngoài dù chi phí có cao để phụ trách công việc. Hiển nhiên, cơ hội việc làm cao cấp của kỹ sư Việt Nam chẳng còn lại bao nhiêu. “Do đó, cách duy nhất là phải luôn nâng cao chuyên môn của bản thân thôi.” Chị Linh cho biết.
Theo chị Linh, đối thủ cạnh tranh trực tiếp đến từ các quốc gia khác.
Học Đại học, bạn phải “chơi” nhiều
Chị Việt Hà đang làm việc cho công ty Samsung tại Hàn Quốc cho biết: Các sinh viên mới tốt nghiệp tại Việt Nam thường hiểu nhầm chủ đích của nhà tuyển dụng khi yêu cầu kinh nghiệm của các bạn. Kinh nghiệm ở đây không phải là chuyên môn vì nhà tuyển dụng thừa hiểu bạn chỉ vừa mới tốt nghiệp mà kinh nghiệm chính là những công tác xã hội hoạt động tổ chức mà bạn đã có được. Điều này thể hiện việc bạn có thể hòa nhập môi trường công ty cũng như đánh giá được khả năng tổ chức và làm việc của bạn. Do đó, “chơi” nhiều theo chị là yếu tố chị đánh giá cao đối với một sinh viên mới ra trường.
Theo chị Hà, hoạt động nhiều trong lúc học đại học rất quan trọng
Học Hóa và làm việc trong ngành Hóa có độc hại không?
Đây cũng là câu hỏi thường gặp nhất từ phụ huynh và sinh viên. Trả lời câu hỏi này, anh Vinh dí dỏm: ”Quan trọng là biết cách bảo vệ mình. Như bác sĩ là những người thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nguy hiểm cũng phải tự biết cách bảo vệ bản thân đấy thôi”. Anh cho biết, hiện nay các công ty lớn đều có tiêu chuẩn an toàn lao động cực kỳ cao nên các bạn sẽ không cần lo sợ về việc gặp nguy hiểm khi làm việc trong các lĩnh vực Hóa học này.
Tin: Minh Đạo – Ảnh: Chí Thành