Dự án màng bọc thực phẩm ăn được từ chitosan và lá ổi đã xuất sắc giành chiến thắng cuộc thi Bach khoa Innovation 2023 sau hơn bốn tháng tranh tài.
Sản phẩm này được các chuyên gia đánh giá cao bởi tính thiết thực, có khả năng ứng dụng cao và góp phần giảm thiểu lượng bao bì nhựa khó phân hủy ra môi trường. Bên cạnh đó, với khả năng kháng khuẩn và kháng oxy hóa, giúp bảo quản được thực phẩm lâu hơn, tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình bảo quản. Đặc biệt hơn nữa, dự án này cũng vừa được xuất bản bài báo trên tạp chí Progress in Organic Coatings thuộc danh mục SCIE, Q1[1]* với IF 6.206[2].
Vòng Chung kết cuộc thi Bach khoa Innovation được tổ chức vào sáng ngày 09/07 tại Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG HCM. Năm nay, cuộc thi thu hút gần 300 sinh viên, học sinh tham gia với 126 sinh viên đến từ các chương trình chính quy quốc tế của Trường ĐH Bách khoa. Trong đó, có 60 dự án, gồm 53 dự án khối Đại học và bảy dự án khối Trung học Phổ thông với đề tài ở nhiều lĩnh vực như bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, mỹ phẩm…
KẾT QUẢ CUỘC THI BACH KHOA INNOVATION 2023, KHỐI ĐẠI HỌC – Giải Nhất: “Màng bọc thực phẩm ăn được từ chitosan và lá ổi”, nhóm F.I.M – Giải Nhì: “Bọt biển làm sạch dầu trong nước”, nhóm Syncot – Giải Nhì: “Chuyển đổi năng lượng sóng biển thành năng lượng sạch và giải quyết rác thải nhựa”, nhóm BKTENG – Giải Ba: “Màn lọc than hoạt tính aerogel được tổng hợp từ cellulose”, nhóm CYNOSURE – Giải Ba: “Băng vệ sinh sợi chuối”, nhóm The Minions Giải “Video ấn tượng nhất” – “Băng vệ sinh sợi chuối”, nhóm The Minions – “Hệ thống phát hiện, cảnh báo và gây nhiễu máy bay không người lái”, nhóm Tech Titans Giải “Dự án được yêu thích nhất” – “Chuyển đổi năng lượng sóng biển thành năng lượng sạch và giải quyết rác thải nhựa”, nhóm BKTENG – “Bọt biển làm sạch dầu trong nước”, nhóm SYNCO – “Nền tảng kết nối nông sản bền vững”, nhóm SARI |
Ngoài ra, cuộc thi còn có nhiều sản phẩm được Ban Giám khảo đánh giá cao vì tính độc đáo, áp dụng được kiến thức đa ngành để lên ý tưởng phát triển dự án như máy lọc nước thông minh với IoT, đèn oxygen sử dụng vi tảo, nước hoa nano, máy định vị drone, bọt biển làm sạch dầu trong nước, khớp thông minh nhân tạo… Ban Tổ chức cũng tổ chức không gian triển lãm dành cho dự án, mô hình tiêu biểu thuộc Top 50 của cuộc thi.
Đặc biệt, Bach khoa Innovation năm nay thu hút nhiều nhà tài trợ và lực lượng Ban Giám khảo hùng hậu, trải dài ở nhiều lĩnh vực. Điều đó chức tỏ sức hút của cuộc thi cũng như giá trị mà Bach khoa Innovation đem lại. Ban Giám khảo bao gồm:
- Shark Lê Đăng Khoa
- Ông Masahito Yano – Trưởng nhóm dự án cao cấp phát triển kinh doanh mới của Công ty Mitsui Chemicals
- Bà Nguyễn Kim Phượng – Tổng Giám đốc điều hành Dow Việt Nam
- Ông Denis Descour – Tổng Giám đốc công ty TOPAM
- Ông Michael Saram – Giám đốc công ty TNHH WinSolutions Việt Nam
- Bà Thảo Phạm – Quản lý tuyển sinh vùng Việt Nam, Campuchia, Đại học Adelaide
- Ông Hugo Nguyen – Đại diện vùng của Đại học Công nghệ Sydney
- Ông Đinh Vũ Quốc Trung – Giám đốc Học viện FPT Software miền Nam
- Bà Selena Lê – Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của WSAFE – IMPACT VENTURE BUILDER.
- PGS. TS. Lý Hùng Anh – Phó Trưởng Phòng Quản trị Thương hiệu và Truyền thông – Trường ĐH Bách khoa
- TS. Trần Tấn Việt – Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học – Trường ĐH Bách khoa
- TS. Lê Thanh Long – Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp & Đổi mới Sáng tạo Bách khoa – Trường ĐH Bách khoa
Khi tham gia cuộc thi Bach khoa Innovation, các đội thi không những tranh tài qua các dự án mà còn có nhiều cơ hội gặp gỡ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như tham quan, học hỏi trải nghiệm trực tiếp tại doanh nghiệp. Trong khuôn khổ cuộc thi, sinh viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng về lập kế hoạch kinh doanh, quản lý dự án, phân tích tài chính, thuyết trình gọi vốn… thông qua chuỗi workshop do các cố vấn chuyên môn trong và ngoài nước đứng lớp. Điều này giúp sinh viên nhanh chóng biến các dự án trên giấy thành sản phẩm thực tế có thể thương mại hóa được.
Bên cạnh các đội thi từ khối Đại học, Ban Giám khảo cũng đánh giá cao các dự áo từ khối THPT. Việc tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sản phẩm để tranh tài trong cuộc thi này là một tín hiệu tốt, cho thấy sự quan tâm của học sinh ngay từ khi còn là học sinh THPT. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chủ trường và định hướng phát triển sớm, giúp học sinh định hình đam mê, sở thích và tạo cơ hội kết nối sâu với các trường đại học và doanh nghiệp. Từ những cuộc thi này, học sinh THPT biết được mình thích gì và chọn được môi trường học tập đại học đúng đắn cũng như nghề nghiệp trong tương lai.
KẾT QUẢ CUỘC THI BACH KHOA INNOVATION 2023, KHỐI THPT – Giải Nhất: “Sản phẩm làm lành da và đuổi côn trùng tự nhiên từ hoa sa kê”, nhóm SAKARE, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Hồng Phong và Phổ thông Năng khiếu – Giải Nhì: “Máy trao đổi sách”, nhóm TOPAZ, Trường PT Năng khiếu và THPT Lê Quý Đôn – Giải Ba: “Sản xuất nuciferin tinh khiết từ lá sen”, nhóm NAK, Trường THPT Gia Định |
Trong khuôn khổ vòng Chung kết, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ – Trường ĐH Bách khoa đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam – Nhật Bản (E-Future) nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam gắn liền với thị trường Nhật Bản. Hai bên sẽ hợp tác kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm tại Nhật Bản đầu tư vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo khả thi tại Việt Nam, cùng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hai chiều cũng như phối hợp huấn luyện đào tạo, ươm tạo, tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. E-Future sẽ đồng hành cùng Nhà trường phát triển nâng tầm quốc tế cuộc thi Bach Khoa Innovation trong tương lai.
* Q1: phân hạng cao nhất dành cho tạp chí khoa học tự nhiên – kỹ thuật dựa trên hệ số tác động, tiếp sau đó là Q2, Q3, Q4
* * IF: impact factor – hệ số tác động
Bài: GIA NGHI tổng hợp & Hình: BTC BACH KHOA INNOVATION
[1] : phân hạng cao nhất dành cho tạp chí khoa học tự nhiên – kỹ thuật dựa trên hệ số tác động, tiếp sau đó là Q2, Q3, Q4
[2] : impact factor – hệ số tác động