“Chọn Cơ Kỹ thuật vì nhìn thấy triển vọng tương lai”

Đặng Ngọc Hoàng, SV có thành tích học tập xuất sắc nhất K2022 chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Cơ kỹ thuật, có những chia sẻ “truyền lửa” về con đường mình đã chọn. 

VỮNG TIN VÀO NGÀNH HỌC ĐÃ CHỌN

* Chào Đặng Ngọc Hoàng! Cơ duyên nào đưa bạn đến với ngành Cơ Kỹ thuật, chương trình Định hướng Nhật Bản?

Trong thời đại số hóa như hiện nay, mình đoán Cơ Kỹ thuật sẽ là một trong những ngành vô cùng hot khoảng 5-10 năm sắp tới. Ngay ở thời điểm hiện tại, các kỹ sư mô phỏng đã và đang được rất nhiều công ty trong và ngoài nước săn đón, nhất là các công ty Nhật. Mức đãi ngộ và phúc lợi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng rất hậu hĩnh. Mình tin rằng bản thân có thể tìm thấy con đường thăng tiến và xây dựng sự nghiệp vững chắc trong tương lai với ngành học này.

Hơn hết, mình cũng muốn tìm cơ hội làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là Nhật, vì đây là nước có nền kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới. Do đó mình chọn chương trình Định hướng Nhật Bản, nơi mình có thể vừa đào sâu chuyên ngành, vừa trau dồi ngôn ngữ Nhật.

* Trải nghiệm của Hoàng sau một năm học tập tại Bách khoa Quốc tế?

Trước hết, mình nhận ra bản thân đã chọn đúng ngành học yêu thích. Ngoài kho kiến thức phong phú mà ngành này mang lại, cơ sở vật chất của trường vô cùng hiện đại, không gian cây xanh tươi mát giúp mình giải tỏa căng thẳng sau những giờ học. Trên tất cả, mình đã gặp được những người bạn tuyệt vời và thầy chủ nhiệm rất dễ thương, tốt bụng, luôn sẵn lòng lắng nghe và tận tâm giúp đỡ mình.

Trong năm đầu tiên học tại Bách Khoa, mình đã tham gia kha khá hoạt động do Khoa Khoa học Ứng dụng tổ chức như Ngày hội Kỹ thuật, cuộc thi Đường đua Mô phỏng… Nhờ đó, mình mới có thể thân thiết hơn với thầy cô và các bạn đồng trang lứa, cũng như hiểu rõ hơn về ngành học của mình.

NHỮNG KỸ NĂNG CẦN CÓ CỦA NGƯỜI HỌC CƠ KỸ THUẬT

* Theo Hoàng, Cơ Kỹ thuật có gì thú vị và khác biệt so với những ngành học khác? 

Với mình, việc có thể mô phỏng những vật thể khổng lồ như tòa nhà, con tàu chỉ trên một chiếc máy tính là điều rất thú vị. Từ vật thể có sẵn trong thực tế, kỹ sư Cơ Kỹ thuật sẽ xây dựng mô hình 3D của chúng, sau đó tiến hành thử nghiệm độ bền, khả năng chống chọi với môi trường khắc nghiệt và các yếu tố ngoại cảnh khác để tính toán tuổi thọ của dự án. Công đoạn thử nghiệm này có thể diễn ra vô số lần mà không gây tiêu tốn chi phí, nguyên vật liệu như những phương pháp thực nghiệm truyền thống trước đây. Việc này đòi hỏi kỹ sư Cơ Kỹ thuật phải nắm vững các phần mềm tính toán trên máy tính, thậm chí là tự xây dựng phần mềm phù hợp với yêu cầu bài toán đặt ra. 

Ở khía cạnh này, nó cũng không khác mấy so với công việc của lập trình viên tốt nghiệp từ ngành Khoa học Máy tính, rồi từ đó rẽ sang một nhánh hoàn toàn khác. 

* Theo Hoàng, để học tốt Cơ Kỹ thuật thì sinh viên cần có những kỹ năng gì?

Theo mình, đó là có sự chăm chỉ, tỉ mỉ và cẩn thận, vì chỉ một chút sai sót nhỏ cũng có thể khiến mình phải quay lại từ vạch xuất phát ban đầu. 

Bên cạnh đó, xã hội hiện nay luôn đề cao kỹ năng làm việc nhóm, vì vậy người học còn cần có khả năng giao tiếp tốt với các thành viên trong nhóm.

Thêm nữa, dù học tiếng Nhật nhưng các bạn cũng đừng bỏ qua tiếng Anh nha, vì đây là thứ không thể thiếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. 

* Còn việc học ngôn ngữ và văn hóa Nhật thì sao?

Được học tiếng Nhật, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc và tiếp xúc với thầy cô người Nhật trên lớp là điều khiến mình vô cùng thích thú. Qua những hình ảnh sinh động về Nhật Bản hay cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người Nhật được lồng ghép vào các bài học, mình có cảm giác như bản thân đang thực sự sống ở Nhật vậy. Dần dần mình càng thêm yêu nước Nhật và quyết tâm đến Nhật trong tương lai để tận mắt khám phá những điều đó.

TIẾN BƯỚC KHÔNG NGỪNG ĐỂ KHÔNG TỤT HẬU

* Hoàng có thể chia sẻ thêm về những định hướng sắp tới của mình?

Hiện tại mình vẫn đang vừa học vừa đi tìm hướng nghiên cứu phù hợp với bản thân. Ở tương lai xa hơn là sau khi tốt nghiệp, mình muốn đến Nhật Bản làm việc vài năm, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn để trở về đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Trong ba năm còn lại ở Bách Khoa, mình muốn được học thêm thật nhiều điều nữa, hoàn thiện bản thân từng chút một để trở thành phiên bản hoàn hảo hơn.

Mình muốn bản thân không ngừng tiến về phía trước. Bởi xã hội này luôn luôn phát triển, và mình cũng phải phát triển từng ngày để bản thân không bị lạc hậu và tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội.

* Đâu là câu trích dẫn yêu thích của bạn?

“Đừng cố gắng làm một người thành công, mà hãy cố gắng làm một người giá trị” – đây là câu nói nổi tiếng của nhà vật lý học Albert Einstein mà mình luôn tâm niệm. Nó giúp mình nhận ra ý nghĩa của sự nỗ lực không chỉ nằm ở bản thân, mà còn ở việc ta có thể giúp ích cho những người xung quanh nữa.

* Sau cùng, lời khuyên của Hoàng dành cho các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa đại học là gì?

Với những bạn thí sinh học tốt Toán, Lý, Tiếng Anh, hay đơn giản là có niềm yêu thích đối với văn hóa và ngôn ngữ Nhật nhưng còn đang băn khoăn không biết nên học ngành nào, hãy thử tìm hiểu ngành Cơ Kỹ thuật của chương trình Định hướng Nhật Bản nghen! Đây là ngành học rất thú vị và đáng để theo đuổi đó.

Từ năm 2021, Trường ĐH Bách khoa chính thức vận hành chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Cơ Kỹ thuật nhằm đào tạo lực lượng kỹ sư Việt Nam giỏi chuyên môn, thông thạo nhiều ngôn ngữ (Nhật, Anh) và các kỹ năng nghề nghiệp hiện đại, tự tin hội nhập quốc tế.
– Mã trường: QSB, mã ngành: 268
– Chương trình chính quy, Trường Đại học Bách khoa cấp bằng
– Giảng dạy tăng cường ngôn ngữ Nhật (1.200 giờ) và văn hóa Nhật
– 20 tín chỉ môn học giảng dạy 100% bằng tiếng Anh
– Cơ hội thực tập và làm việc tại doanh nghiệp Nhật
– Chính sách học bổng phong phú, giá trị cao
– Xét tuyển bằng phương thức kết hợp nhiều tiêu chí, Ưu tiên xét tuyển, Xét tuyển thẳng

Thực hiện: INAKO Hình: Google, nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp