Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Năm nguyên tắc giúp phát triển kỹ năng lắng nghe

Lắng nghe được coi là một trong những kỹ năng quan trọng trong việc giúp sinh viên học tập tốt ở trường lớp, tiếp thu và phát triển trong công việc. Vậy làm thế nào để rèn luyện được kỹ năng này một cách hiệu quả? Dưới đây là một số nguyên tắc giúp các bạn cải thiện được kỹ năng lắng nghe.

Lắng nghe là một trong những kỹ năng cân thiết đối với sinh viên – Hình: OISP

LẮNG NGHE LÀ GÌ?

Lắng nghe là một quá trình chủ động tiếp nhận thông tin, người nghe chủ ý mong muốn được tập trung lắng nghe để lĩnh hội thông tin và có thể hiểu được điều người nói mong muốn truyền đạt.

Để lắng nghe trở thành một kỹ năng thì người nghe không chỉ tiếp thu thông tin thụ động mà còn cần thể hiện sự đồng cảm, tán thành hay ủng hộ, thậm chí là đưa thêm lời khuyến cho người nói. 

TẦM QUAN TRỌNG CỦA KỸ NĂNG LẮNG NGHE

Đối với sinh viên, biết lắng nghe và tiếp thu những kiến thức mà thầy cô truyền đạt chính là một phần giúp cho quá trình học tập trở nên dễ dàng hơn và đạt được điểm số cao trong các kỳ thi. Bên cạnh đó, sự lắng nghe chính là chìa khóa để kết nối giữa các thành viên trong một nhóm hoặc trong một tập thể lớn. Mọi người biết lắng nghe và thấu hiểu cho nhau sẽ góp phần dễ đưa ra các giải pháp thích đáng để tránh các xung đột không đáng có.

Hơn thế nữa, kỹ năng lắng nghe còn giúp bạn tạo dựng được các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Thông qua việc vận dụng kỹ năng lắng nghe vào các mối quan hệ như bạn bè, gia đình chúng ta có thể hiểu nhau hơn, gắn bó hơn và giúp đỡ nhau.

CÁC NGUYÊN TẮC QUAN TRỌNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NGHE TRONG GIAO TIẾP

1. Tập trung vào cuộc trò chuyện

Trong hầu hết các cuộc giao tiếp, ánh mắt được coi là một thành phần cơ bản của giao tiếp hiệu quả. Điều đó, cho thấy bạn đang tập trung và tôn trọng người nói. Đừng đảo mắt sang hướng khác hoặc có những hành động như xem đồng hồ, khoanh tay trước ngực, hướng ra xa người nói, quay mặt đi chỗ khác, nhìn vào những thứ xung quanh, liếc nhìn màn hình máy tính hay đọc sách báo điều đó sẽ thể hiện rằng bạn không thật sự lắng nghe.

Chú ý lắng nghe để tiếp thu tốt nhất thông tin được truyền đạt – Hình: OISP

2. Lắng nghe chủ động

Trong quá trình lắng nghe thầy cô hoặc một ai đó đang muốn truyền đạt thông tin, bạn nên hướng sự chú ý và tập trung vào người nói. Điều này sẽ làm cho đối phương thấy rằng bạn đang thích thú và sẵn sàng tiếp thu nội dung mà đối phương muốn truyền đạt. Đồng thời, ở thời điểm thích hợp, bạn hãy đưa ra những câu hỏi để xác nhận lại thông tin, cũng là một cách để bạn bày tỏ sự quan tâm đến quá trình diễn thuyết của họ.

3. Tuyệt đối không ngắt lời

Khi thầy cô hoặc các bạn đang phát biểu về một vấn đề, trước hết bạn hãy lắng nghe hết câu chuyện của họ và đừng ngắt lời trong lúc họ đang nói. Hầu hết mọi người đều có những ý kiến hoặc giải pháp của riêng mình. Tuy nhiên, nếu muốn đưa ra ý kiến của bản thân, ít nhất bạn hãy xin phép thầy cô hoặc bạn bè bằng cách giơ tay hoặc hỏi đối phương rằng “Bạn có muốn nghe ý kiến của tôi?”. Điều đó thể hiện sự tôn trọng đối với người đối diện khi bạn muốn trình bày một ý tưởng hay giải pháp của bạn.

4. Khuyến khích người nói

Trong quá trình lắng nghe, bạn có thể bày tỏ thái độ, cảm xúc của mình đối với thông tin người nói mang đến như: ngạc nhiên, gật đầu, vui vẻ, tiếc nuối, hạnh phúc, lo lắng. Bạn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể để đáp lại người nói như: xích lại gần, nhìn vào ánh mắt, lắc lư, gật đầu, bắt tay. Ngoài ra, bạn có thể biểu thị sự đồng tình bằng những câu cảm thán: “vâng”, “thế à”, “bạn nói tiếp đi”, “sau đó thì sao”, “tôi hiểu rồi”. Những câu nói hay biểu lộ cảm xúc của bạn chính là sự khuyến khích cho người nói, sự tập trung lắng nghe sẽ là động lực duy trì cuộc nói chuyện.

Lắng nghe chủ động và khuyến khích đúng lúc tạo động lực cho người nói – Hình: OISP

5. Ngôn ngữ hình thể

Đôi khi kỹ năng lắng nghe thành công không chỉ dừng lại ở việc bạn chú tâm lắng nghe hay thấu hiểu mà đối phương mong muốn nhận được một số cử chỉ từ bạn. Chẳng hạn, khi người bạn thân của bạn kể về một câu chuyện buồn và bạn ý khóc rất thảm thương, lúc ý tốt nhất là bạn hãy vỗ lưng hay có những cử chỉ thông cảm và thấu hiểu. 

Với năm nguyên tắc trên, OISP hy vọng các bạn sinh viên sẽ hiểu hơn về kỹ năng lắng nghe và cách để rèn luyện kỹ năng lắng nghe thật tốt vào học tập và làm việc sau này.

Bài: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp