Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Sáu kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên thế hệ Z

Với thế hệ Z – đội ngũ tiên phong trong thời đại công nghệ, bên cạnh chuyên môn thì các bạn cần nâng cao kỹ năng mềm để phát triển trong học tập và công việc trong tương lai.

Nâng cấp sáu kỹ năng cần thiết cho Gen-Z-1
Sinh viên BK sử dụng công nghệ phục vụ cho việc học – Hình: OISP

THẾ HỆ Z LÀ AI?

Thế hệ Z (gọi tắt là Gen Z) là nhóm nhân khẩu học kế tiếp sau thế hệ Millennials và trước Thế hệ Alpha sinh từ 1995 đến 2019. Các thành viên thuộc thế hệ Z được sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nên hầu hết các bạn đều sử dụng công nghệ kỹ thuật từ nhỏ, cảm thấy thoải mái với internet và các phương tiện truyền thông xã hội. Ngày nay, thế hệ Z đã và đang từng bước trở thành nhóm định hình xu hướng mới đối với nền kinh tế thế giới, nắm trong tay chiếc chìa khóa mở ra tương lai hội nhập toàn cầu.

Theo báo cáo của Forbes, ở Việt Nam, thế hệ Z có số lượng hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 1/7 dân số cả nước). Trong đó, 42% các bạn trẻ muốn tạo dấu ấn cá nhân trong học tập cũng như trong công việc, 31% muốn tự khởi nghiệp kinh doanh và 37% còn lại muốn biến sở thích của bản thân thành một công việc toàn thời gian. Để phát triển bản thân, các bạn cần trau dồi những kỹ năng sống thật tốt. Sau đây là sáu kỹ năng mềm cần thiết đối với sinh viên thế hệ Z.

Gen-Z-2
Phát triển kỹ năng mềm rất cần thiết đối với thế hệ Z – Hình: roselawgroupreporter.com

1. Kỹ năng làm việc nhóm

Kỹ năng làm việc nhóm có thể hiểu một cách đơn giản là nhiều người cùng nhau kết hợp các ưu điểm của mình để thực tốt một nhiệm vụ, cùng hướng tới một mục tiêu chung. Cách làm việc này sẽ giúp các cá nhân bổ sung những thiếu sót cho nhau và hoàn thiện bản thân mình. Ngoài ra, làm việc nhóm còn giúp cho mỗi cá nhân đề cao tinh thần tập thể, nâng cao hiệu quả công việc và sự gắn bó.

2. Kỹ năng giao tiếp

Việc sử dụng thành thạo kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp bạn dễ dàng đạt được điều bạn mong muốn trong công việc mà còn trong các mối quan hệ trong cuộc sống. Sự lưu loát, thái độ thiện chí và biết lắng nghe sẽ giúp bạn thành công. Giao tiếp là một kỹ năng quan trong mà chúng ta luôn phải trau dồi và rèn luyện hằng ngày.

3. Kỹ năng tư duy phản biện

Đối với sinh viên, kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp phát triển nhận thức, nhìn nhận sự việc khách quan, đa chiều và phát triển tư duy, ngôn ngữ trong phản biện. Từ đó, sinh viên có thể điều khiển được cảm xúc và sử dụng thông tin để định hướng các hành động. Ngoài ra, tư duy phản biện tốt là nền tảng thiết yếu tạo điều kiện cho sự sáng tạo phát triển.

Gen-Z-6.png
Sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm phản biện trong buổi trình bày luận văn – Hình: OISP

4. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng rất cần thiết trong học tập và làm việc, bởi cuộc sống là một chuỗi những vấn đề đòi hỏi sinh viên phải biết giải quyết một cách hợp lý. Những vấn đề ấy luôn khác nhau và cũng không có một công thức chung nào để giải quyết chúng. Điều quan trọng là sinh viên phải tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết để khi vấn đề nảy sinh thì có thể vận dụng những kỹ năng này để giải quyết một cách hiệu quả.

5. Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian hợp lý

Giống như bất kỳ kỹ năng mềm khác, kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian hợp lý cũng rất cần thiết. Một chút thay đổi trong thói quen học tập cũng như trong công việc sẽ giúp việc quản lý thời gian từ một khái niệm mơ hồ thành thói quen tốt và giúp cải thiện việc tổ chức học tập, làm việc hiệu quả hơn. Hãy viết ra kế hoạch cụ thể, lên lịch trình chi tiết và cố gắng tuân thủ thời gian thực hiện, nếu bạn trễ hạn của một mục nào đó thì hãy bỏ qua và tiếp tục ngay vào công việc kế tiếp để tránh bị đùng việc.

6. Kỹ năng sử dụng công nghệ

Ngoài các kỹ năng mềm, kỹ năng ứng dụng công nghệ trong học tập, trong công việc cũng cần được lưu tâm. Trong công nghệ, các bạn cần lưu ý đến các kỹ năng trong nghiên cứu như Blockchain, Google Cloud Platform (nền tảng đám mây của Google), Volusion (nền tảng thương mại điện tử), Risk management (quản trị rủi ro), Product photography (chụp hình sản phẩm), Rapid prototyping (làm mẫu thử nhanh), Google App Engine API, SCORM (các tiêu chuẩn dành cho sản phẩm e-learning)… Khi làm chủ được công nghệ, sinh viên sẽ thành công hơn trong giải quyết công việc, phát triển bản thân trong tương lai.

Gen-Z-4
Sinh viên khoa Kỹ thuật Xây dựng đang thử ứng dụng mô hình AR kết nối smart device- Hình ảnh: OISP

Đứng trước sự thay đổi, thế hệ Z cần chủ động hơn trong việc trang bị những hiểu biết sâu rộng, tư duy mởi và kỹ năng mềm để thích nghi với sự thay đổi đó.

Bài: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp