Motivation Letter hay còn gọi là thư động lực là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá độ thuyết phục của hồ sơ du học. Do đó, bạn không chỉ phải viết đúng, viết đủ mà còn phải viết hay nữa.
Thư động lực là một bài luận dài khoảng một trang A4 mà ứng viên du học (học sinh, sinh viên) nhằm bày tỏ nguyện vọng tham gia khóa học, chương trình đào tạo, học bổng trao đổi (văn hóa, tín chỉ…) tại ngôi trường muốn sang học. Thông qua đó, hội đồng tuyển sinh của nhà trường hiểu được lý do tại sao bạn nộp đơn dự tuyển, đánh giá được trình độ, năng lực cũng như mục tiêu, động lực thúc đẩy bạn lựa chọn theo học tại trường.
Cấu trúc của một bức thư động lực bao gồm ba phần: mở đầu, nội dung chính và kết luận. Nên chú ý viết phần mở đầu và kết luận sao cho thu hút vì chúng sẽ giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu đúng đắn và đọng lại trong trí nhớ của người đọc. Để bức thư của bạn trở nên lôi cuốn và giàu thông tin, nó nên trả lời được cho những câu hỏi như:
- Sao bạn lại quan tâm đến khóa học/ chương trình đào tạo/ học bổng này?
- Bạn biết gì về ngôi trường của chúng tôi?
- Mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của bạn?
- Chia sẻ những phẩm chất và kỹ năng cá nhân mà bạn cho là phù hợp với việc theo đuổi khóa học/ chương trình đào tạo/ học bổng này?
- Những kinh nghiệm và thành tựu mà bạn đạt được và giúp ích cho bạn trong việc theo học tại trường chúng tôi?
- Làm cách thế nào để bạn thể hiện được thế mạnh về tính cách của mình trong cuộc sống?
Dưới đây là năm quy tắc giúp bạn viết một bức thư động lực vừa đủ ý, vừa thuyết phục:
- Giới thiệu khái quát về bản thân
Phần này bao gồm các thông tin cá nhân cơ bản được trình bày một cách súc tích như bạn đến từ đâu, bằng cấp/ ngành học hiện tại của bạn, khóa học/ chương trình đào tạo/ học bổng mà bạn muốn tham gia và động cơ nào để bạn đăng ký.
- Chứng minh trình độ của bạn
Đây là phần giải thích chi tiết rằng bạn đã sẵn sàng thế nào cho việc đón nhận những thử thách khi học tập ở một quốc gia khác. Bạn đã tham gia lớp học ngôn ngữ và văn hóa nào? Tại sao chương trình bạn chọn lại phù hợp với bạn? Nếu được yêu cầu nộp bảng điểm và sơ yếu lý lịch, bạn đừng quên nhấn mạnh các bằng cấp không có trong các tài liệu đó nghen. Ngoài ra, bạn cần thể hiện sự hiểu biết của bạn về chương trình bạn sẽ theo học: mục tiêu, nội dung và cấu trúc chương trình .
- Đề cập đến những trải nghiệm quốc tế trước đây của bạn
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm học tập, hoạt động ngoại khóa (câu lạc bộ, xã hội, thiện nguyện…), làm việc ngoài giờ, bạn cũng nên kể thêm các kinh nghiệm quốc tế mà bạn đã có. Ví dụ như trao đổi ngắn hạn tại nước ngoài, thực tập tại các công ty đa quốc gia, kinh nghiệm làm việc cùng người nước ngoài, thậm chí là trải nghiệm du lịch quốc tế cùng gia đình, bạn bè. Hãy tận dụng cơ hội này để chứng minh thế mạnh về trải nghiệm quốc tế trước đây của mình nha!
- Mô tả tính cách của bạn
Tiếp theo, có thể hữu ích nếu bạn mô tả ngắn gọn tính cách của bạn trong lá thư động lực mà bạn cho rằng sẽ phù hợp với việc học tập ở nước ngoài. Hãy liệt kê chắt lọc và giải thích súc tích một số nét tính cách giúp bạn thích nghi tốt với bối cảnh quốc tế như: tính linh hoạt, mềm dẻo giúp bạn dễ dàng hòa nhập với môi trường sống mới; tính thân thiện, cởi mở giúp bạn sớm làm quen với nhiều bạn bè mới, người dân bản địa; tính hợp tác, biết lắng nghe giúp bạn làm việc nhóm hiệu quả. Và tất nhiên, cũng đừng ngại chỉ ra một số điểm yếu mà bạn. mong muốn – thông qua việc du học – sớm được cải thiện.
- Giải thích việc du học sẽ giúp bạn phát triển như thế nào
Cuối cùng và có thể là quan trọng nhất, bất kỳ bức thư động lực nào cũng cần nêu được những gì bạn mong muốn đạt được sau chương trình. Bạn phải cho hội đồng tuyển sinh thấy được khóa học/ chương trình đào tạo/ học bổng mà bạn lựa chọn phù hợp ra sao với những kế hoạch, mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong tương lai: mong muốn hoàn thiện khả năng ngoại ngữ, thụ đắc nền giáo dục – tri thức của nền văn hóa khác, trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống của người bản địa, v.v.
Chúc bạn biên được cho mình một bức thư động lực đạt hiệu quả như mong muốn!
TỔNG HỢP: LINH LÊ – Hình: OISP