Áp lực và nhiều mục tiêu học tập cần thực hiện thường khiến SV do dự và trì hoãn, dẫn tới không đạt được kết quả như mong muốn. “Nguyên tắc năm giây” có thể giúp bạn cải thiện và xây dựng thói quen hành động.
“Nguyên tắc năm giây” do nữ tác giả, cựu luật sư Mel Robbins đúc kết từ quá trình làm nghề của mình. Mục đích sau cùng của nguyên tắc này là giúp người áp dụng đánh bại sự sợ hãi, phá vỡ thói quen nghi ngại bản thân, trở nên tự tin và mạnh dạn chia sẻ ý tưởng.
Ba lợi ích từ ”nguyên tắc năm giây”
- Đánh bại sự chần chừ bằng cách hành động lẹ làng trong vòng năm giây khi có ý tưởng, loại bỏ sự lo lắng bằng cách tập trung vào hành động thay vì trăn trở về kết quả. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đối diện với một quyết định quan trọng, dự án lớn hay kế hoạch học tập.
- Tạo ra thói quen hành động nhanh chóng và tích cực thay vì bạn để ý tưởng hoặc cơ hội trôi qua.
- Nâng cao kỹ năng quản lý thời gian và củng cố lòng quyết tâm thực hiện hành động.
Sáu bước áp dụng “nguyên tắc năm giây”
- Đầu tiên, bạn cần vạch ra, nắm bắt những ý tưởng, mục tiêu hoặc nhiệm vụ quan trọng trong học tập hay cuộc sống của mình. Những điều này có thể bao gồm việc hoàn thành bài tập, bắt đầu học tập sớm trong kỳ thi quan trọng hoặc tham gia vào dự án nghiên cứu…
- Mục tiêu phải có tính cụ thể, có thể đo lường được và khả thi. Ví dụ, thay vì “học nhiều hơn”, bạn nên đặt mục tiêu cụ thể như “học ít nhất 2 tiếng mỗi ngày.”
- Hành động ngay lập tức trong vòng 5 giây sau khi bạn nhận ra mục tiêu cụ thể, ví dụ như nếu bạn đang suy nghĩ về việc bắt đầu học tập, hãy đứng lên và bắt đầu học ngay.
- Điều quan trọng là duy trì hành động một cách liên tục và tập trung vào công việc, tránh gián đoạn hoặc mất tập trung trong quá trình học tập, lên ý tưởng.
- Sử dụng nguyên tắc này để ưu tiên nhiệm vụ quan trọng và quản lý thời gian một cách tốt hơn, giúp bạn tập trung vào việc quan trọng nhất và đạt được kết quả tốt hơn trong học tập.
- Không chỉ trong học tập, bạn có thể áp dụng “nguyên tắc năm giây” vào cuộc sống hàng ngày, từ quản lý công việc đến phát triển bản thân và quan hệ xã hội cho đến khi nó trở thành nề nếp, thói quen, kỹ năng thành thạo.