Đây là vừa là lễ nhập môn dành cho tân SV, vừa là buổi gặp mặt giữa “lính mới” K2023 với các anh chị khóa trước cùng Ban Chủ nhiệm chương trình, Khoa đào tạo, Ban Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) và đại diện doanh nghiệp Nhật.
2023-2024 là năm học thứ ba OISP cùng Khoa Khoa học Ứng dụng tổ chức đào tạo ngành Cơ Kỹ thuật, chương trình Định hướng Nhật Bản. Đến nay, ngành này đã và đang đào tạo nên các lứa sinh viên có thành tích học tập tốt, vững ngoại ngữ và tràn đầy nhiệt huyết đối với bộ môn mô phỏng.
Song song đó, ngày càng có nhiều thí sinh trúng tuyển vào ngành này ngay từ nguyện vọng một, có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành học từ cấp Ba và kiên định với mục tiêu đầu quân vào doanh nghiệp Nhật. Dù chưa có lứa tốt nghiệp đầu tiên nhưng ngành này luôn cho thấy triển vọng tương lai tươi sáng cũng như được Ban Chủ nhiệm gởi gắm nhiều kỳ vọng.
Đối với ngành Khoa học Máy tính, chương trình Định hướng Nhật Bản và Kỹ thuật Điện – Điện, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật), buổi nhập môn còn có sự góp mặt của đại diện Đại học Công nghệ Nagaoka (NUT) nhằm chia sẻ những thông tin về chuyển tiếp du học, thực tập tốt nghiệp hay các khóa giao lưu ngắn hạn tại Nhật do trường này hỗ trợ.
Ra đời vào năm 2020, ngành Khoa học Máy tính, chương trình Định hướng Nhật Bản năm nay tiếp tục chứng minh sức hút vượt trội khi có gần 145 tân SV trúng tuyển ngay từ nguyện vọng một, tổng sỹ số SV theo học các khóa lên tới gần 330 SV.
Năm vừa qua, có hai SV ngành này đậu chuyển tiếp du học sang NUT, 15 SV đậu phỏng vấn thực tập tại Nhật và công ty Nhật ở Việt Nam, năm SV tham gia chuyến giao lưu văn hóa ngắn hạn tại NUT, góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của ngành này.
Dự kiến trong năm nay, OISP tiếp tục đưa hơn 30 SV K2021 đến NUT trong khuôn khổ hợp tác kể trên, từng bước nâng cao uy tín của nhà trường trong việc đào tạo nhân tài IT thạo chuyên môn, am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Nhật.
Trong khi đó, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử vừa qua cũng ghi nhận mức kỷ lục với 28 “tân binh”. Đây cũng là xu thế tất yếu khi làn sóng đầu tư cho vi mạch bán dẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt là trước cơn khát nhân lực của ngành này tại Nhật trong những năm qua.
Cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật hay đầu quân cho doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam đã được chứng minh qua 15 lứa SV tốt nghiệp từ chương trình này và tạo dựng được chỗ đứng vững vàng cho mình trong lĩnh vực theo đuổi.
Tại buổi gặp gỡ, SV các ngành kể trên còn có cơ hội đặt câu hỏi trực tiếp cho Ban Chủ nhiệm về định hướng nghề nghiệp tương lai, cơ hội việc làm sau khi ra trường, cơ hội làm việc tại Nhật… cho thấy quyết tâm cao độ của SV ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, những SV năm Nhất cũng được Ban Chủ nhiệm động viên tinh thần, lan tỏa niềm đam mê đối với ngành học để các em có được trải nghiệm học tập trọn vẹn dưới mái trường Bách khoa.
Bài: NAKO – Hình: OISP