Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Học cách tiết kiệm bằng phương pháp Kakeibo

Khi còn tập trung cho việc học và chưa thể kiếm (nhiều) tiền thì sinh viên rất cần bỏ túi bí quyết này để quản lý chi tiêu tốt hơn.

Kakeibo nghĩa là “sổ cái tài chính gia đình, nhật ký chi tiêu”, do nữ nhà báo người Nhật Hani Motoko sáng chế ra vào năm 1904. Phương pháp quản lý tài chính này thực sự đơn giản và đã được hàng triệu người trên thế giới áp dụng thành công.

Hẳn đã có không ít lần sinh viên đứng trước nhiều lời mời chào mua sắm hấp dẫn “đại tiệc sale”, “săn sale nửa đêm”, “dọn kho đón Tết”, “trà sữa full topping, mua 1 tặng 1”… Không mua thì lỡ dịp sắm đồ giá rẻ, mà mua rồi thì không biết để đâu hay xài sao cho hết, hoặc nếu mua lúc này thì phải chấp nhận phải ăn mì gói vào cuối tháng vì lủng túi, v.v.

Nếu đã từng tự đặt cho mình những câu hỏi như vậy trước khi định mua sắm thứ gì thì bạn đã ít nhiều chạm được tới phương phức Kakeibo rồi đó. Bài viết sau đây sẽ cắt nghĩa chi tiết hơn về phương pháp này và giúp sinh viên nâng cao nhận thức về quản lý chi tiêu.

1. Xác định số tiền đang có bằng cách liệt kê và cộng các khoản bạn nhận được hàng tháng như tiền ba mẹ cho, tiền đi làm thêm, học bổng hoặc đứa bạn thân trả nợ mấy chầu bánh tráng trộn mua thiếu… Sau đó trừ đi khoản chi phí cố định mà tháng nào cũng phải trả như tiền nhà, điện, nước, internet, học phí, ăn uống, đi lại (xăng cộ, xe buýt)…

2. Xác định số tiền bạn sẽ chi. Lúc này bạn tiếp tục liệt kê bốn khoản chi cho các nhu cầu chính sau:

  • Sinh hoạt phí cố định hoặc không cố định nhưng cần thiết như cắt tóc, thuốc men, tập thể thao ở trung tâm…
  • Những thứ bạn muốn nhưng chưa cấp thiết: quần áo, mỹ phẩm, thiết bị công nghệ…
  • Dành cho giải trí như mua sách, du lịch, xem phim, cà phê cùng bạn bè…
  • Phát sinh ngoài dự tính, tình huống bất ngờ như khám bệnh, sửa xe, quyên góp từ thiện, dự đám cưới…

Ở bước này, có một mẹo nhỏ giúp bạn quyết định có nên chi tiền cho món đồ đó hay không, bằng cách tự đặt cho mình các câu hỏi sau:

  • Mình có thể sống mà không có vật này không?
  • Với túi tiền hiện có, mình có đủ khả năng chi trả không?
  • Mình có thiệt sự xài nó không
  • Nhà/ phòng mình có đủ không gian để chứa nó không?
  • Lần đầu tiên mình nhìn thấy nó như thế nào ta? Có phải mình đã thấy nó trên một trang mạng hay lướt qua nó sau khi lang thang trên trang mua sắm trực tuyến?
  • Trạng thái cảm xúc tổng quan ngày hôm nay của mình là gì? (Bình tĩnh? Căng thẳng? Vui mừng? Thiệt tệ?)
  • Mình sẽ cảm thấy thế nào khi mua món đồ đó? (Vui vẻ? Thú vị? Không có gì khác biệt? Và cảm xúc này liệu sẽ kéo dài bao lâu?)

3. Xác định số tiền tiết kiệm mong muốn. Tùy vô mục đích sử dụng tiền trong tương lai, bạn lên kế hoạch sẽ giữ lại bao nhiêu tiền để dành trong một tháng và sẽ có thể duy trì được bao lâu? Lưu ý, bạn phải cố gắng không sử dụng số tiền tiết kiệm này cho bất kỳ mục đích nào khác ngoại trừ mục đích ban đầu. Số tiền tiết kiệm ít hay nhiều tùy thuộc vào bạn theo số tiền bạn có ở bước một.

Tất cả những khoản tiền hiện có, tiền sẽ và đã chi tiêu, tiền để dành, bạn hãy ghi chép thiệt chi tiết hàng ngày vô tập/ sổ tay nha. Tới cuối tháng, bạn hãy xem lại sổ ghi chép, kiểm kê lại các mục thu chi để tìm ra những khoản chi tiêu vượt so với dự tính. Sau đó, tìm cách điều chỉnh, cân đối lại các khoản chi sao cho hợp lý hơn trong những tháng tiếp theo. Nếu thường xuyên bị lủng túi, hãy thay đổi liền thói quen chi tiêu của bạn và cam kết sẽ thực hiện tới cùng. Bạn có thể cắt giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết cho quần áo theo xu hướng, trà sữa mỗi ngày, tiền điện phát sinh cho các thiết bị điện luôn bật nhưng không xài, các cuộc hẹn ăn uống/ cà phê đột xuất.

Đừng lo lắng hay chùn bước nếu thấy mình bị “vỡ kế hoạch” sau lần thử nghiệm đầu tiên, hãy tiếp tục kiên trì áp dụng phương pháp Kakeibo cho các tháng kế, từ từ bạn sẽ hình thành thói quen tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu tốt hơn thôi.

MẸO NHỎ GIÚP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHI TIÊU TỐT HƠN
* Khoan hẵng mua liền món đồ mà bạn nghĩ là “cần phải sắm”. Hãy để nó lại trong giỏ hàng (trực tuyến) sau một ngày để xem hôm sau bạn có còn cảm thấy muốn mua nó không.
* Đừng để những cuộc “đại hạ giá” làm mờ mắt
* Thường xuyên kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng
* Xài tiền mặt thay vì thẻ. Bạn có thể thử bằng cách lấy ra một lượng tiền mặt nhất định để xài trong một tuần và chỉ sử dụng trong chừng đó mà thôi.
* Rời khỏi môi trường khiến bạn phải xài tiền: ngừng theo dõi (unfollow) các trang bán quần áo thời trang trên facebook, ngừng đăng ký (unsubscribe) các e-mail tiếp thị

Linh Lê tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp