Kỹ năng lãnh đạo có thể giúp sinh viên trong mọi khía cạnh của sự nghiệp, từ việc học tập ở trường, xin việc làm đến tìm kiếm sự thăng tiến trong công việc. Đây cũng chính là một trong những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng đánh giá cao, khả năng lãnh đạo thường kết hợp một số đặc điểm tính cách và khả năng giao tiếp khác nhau hữu ích cho bất kỳ ai học và thực hành theo thời gian.
LÃNH ĐẠO LÀ GÌ?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về lãnh đạo, tuy nhiên theo cách hiểu thông thường thì lãnh đạo chính là người có khả năng dẫn dắt, định hướng, chỉ đạo và xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong một tập thể, hướng đến mục tiêu chung để hoàn thành các mục tiêu đề ra và phát triển tập thể đó.
Thực ra mỗi cá nhân chính là một nhà lãnh đạo, bạn có thể đã là trưởng nhóm, lớp trưởng, lớp phó học tập, bí thư chi hội… đó là tiền tố để phát triển kỹ năng lãnh đạo trong bạn rồi.
NHỮNG TỐ CHẤT NÀO LÀM NÊN MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG?
1. Kiến thức chuyên môn
Là một nhà lãnh đạo, bạn cần có kiến thức và trình độ nhất định. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, đòi hỏi một nhà lãnh đạo cần phải luôn luôn học hỏi, không ngừng trao dồi, nâng cao kiến thức và hoàn thiện bản thân. Ngoài các kiến thức trong sách vở, bạn cũng nên cập nhật tin tức, sự kiện thông qua các phương tiện truyền thông, tham gia các phong trào đoàn hội, các câu lạc bộ, các chuyến công tác tình nguyện xã hội sẽ giúp ích rất nhiều những kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống.
2. Định hướng chiến lược và tầm nhìn
Một trong những tố chất cần có của nhà lãnh đạo là có tầm nhìn sâu rộng, định hướng rõ ràng, từ đó có các chiến lược phù hợp để dẫn dắt tổ chức. Nhà lãnh đạo cần rèn luyện kỹ năng phân tích vấn đề, nhìn thấy được những thuận lợi và khó khăn, nhìn nhận sự việc ở mọi góc cạnh của vấn đề, và đưa ra phương hướng để đạt được mục tiêu. Để làm được điều đó, bạn có thể đặt ra các câu hỏi giả định như bạn đóng vai trò gì trong tập thể? Bạn sẽ làm gì để đội, nhóm của mình phát triển? Phuơng châm của tổ chức như thế nào?…
3. Giải quyết vấn đề
Nhà lãnh đạo giỏi là người có kỹ năng giải quyết vấn đề phát sinh trong công việc. Giải quyết vấn đề hiệu quả thường đòi hỏi người chỉ huy phải luôn giữ bình tĩnh trước mọi tình huống và đưa giải pháp giải quyết các tình huống xấu và đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng hạn, đúng tiến trình của công việc.
4. Tinh thần trách nhiệm
Là người lãnh đạo, bạn cần phải có trách nhiệm với tổ chức mà bạn đang dẫn dắt. Có trách nhiệm ở đây không có nghĩa là bạn phải ôm hết các công việc của những thành viên trong nhóm, mà nó thể hiện ở việc bạn có kế hoạch, phân công công việc rõ ràng cho từng thành viên. Theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các thành viên giúp nhóm hay tổ chức hoàn thành các mục tiêu đã đề ra với chất lượng cao nhất, đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Điều đó cũng là yếu tố giúp bạn có được thiện cảm của đồng đội.
5. Sự quyết đoán
Nhà lãnh đạo hiệu quả là người có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng với thông tin họ có được, đồng thời ra quyết định hiệu quả đi kèm với thời gian và kinh nghiệm. Sự quyết đoán được xem là một kỹ năng lãnh đạo có giá trị vì nó có thể giúp hoàn thành các dự án nhanh hơn và nâng cao hiệu quả công việc.
6. Chia sẻ với đồng đội
Để trở thành nhà lãnh đạo giỏi, bạn cần phải hiểu rõ từng thành viên trong tổ chức của mình. Lắng nghe và chia sẻ với đồng đội là việc cần thiết để duy trì và phát triển của một tổ chức. Khi có vấn đề phát sinh, cần đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể để từ đó có hướng giải quyết hợp tình hợp lý. Sự thấu hiểu sẽ giúp gắn kết đồng đội, có sự đoàn kết thì sẽ có được thành công.
Ngoài ra, để trở thành một nhà lãnh đạo cần bồi dưỡng các kỹ năng như giao tiếp, sự tự tin, bản lĩnh, sáng tạo, kỹ năng truyền đạt, chính trực và công bằng…
KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CÓ CẦN THIẾT ĐỐI VỚI SINH VIÊN?
Hãy đơn giản hóa danh từ “nhà lãnh đạo”, bởi vì rèn luyện kỹ năng lãnh đạo không nhất thiết bạn phải trở thành người chỉ huy, trở thành một quản lý, người đứng đầu để đưa ra quyết định trong một tập thể, tổ chức… mà trước mắt là lãnh đạo bản thân mình, quyết định cuộc sống của mình.
Ví dụ như bạn luôn có kế hoạch học tập cụ thể và cố gắng phấn đấu vì mục tiêu đó. Bạn có sự đam mê và quyết tâm theo đuổi ngành học mà mình chọn lựa, bạn tham gia các hội, nhóm, các công tác xã hội để nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… Đó chính là bạn đang lãnh đạo bản thân rồi.
KHI NÀO SINH VIÊN NÊN RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO?
Ngay lập tức! Bằng việc hiểu rõ bạn là ai? Sở trường sở đoản của bạn? Cách để phát huy ưu điểm và khắc phục những nhược điểm. Bạn cần gì? Bạn cần làm gì để đạt được những gì mình đặt ra và thực hiện bằng mọi cách
Quan sát và học theo những tấm gương từ những người lãnh đạo giỏi có thể là một doanh nhân hay một cán bộ đoàn trường, hay đơn giản chỉ là người bạn thân trong lớp học.
Quan tâm hơn đến những sự việc, sự kiện diễn ra xung quanh bạn, sẽ giúp cho bạn có được nhiều thông tin hơn, kiến thức tích lũy mỗi ngày sẽ giúp bạn tự tin hơn.
Tập nhận biết vấn đề và thử những cách để giải quyết vấn đề (có thể đó là vấn đề của bạn, của người thân, bạn bè hoặc của người khác) – nó sẽ giúp bạn trở nên nhạy cảm trong việc xử lý mọi tình huống.
HỌC KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO Ở ĐÂU?
Với sinh viên Bách khoa, việc tham gia các dự án cộng đồng trong học kỳ Pre, các cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên, các câu lạc bộ của trường, các hoạt động cộng đồng… chính là môi trường thuận lợi nhất để rèn giũa và nâng cao kỹ năng lãnh đạo.
Tổng hợp: LINH LÊ