Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Sinh viên Bách Khoa sáng chế máy trị liệu teo cơ

Đam mê sáng chế cộng với mong muốn giúp ích cho cộng đồng, Phạm Nhật Tân, sinh viên Khoa Cơ khí – ĐH Bách Khoa TP.HCM, cùng nhóm bạn đã nghiên cứu thành công thiết bị trị liệu dành cho trẻ bị teo cơ.

Đam mê sáng chế cộng với mong muốn giúp ích cho cộng đồng, Phạm Nhật Tân, sinh viên Khoa Cơ khí – ĐH Bách Khoa TP.HCM, cùng nhóm bạn đã nghiên cứu thành công thiết bị trị liệu dành cho trẻ bị teo cơ.

May tri lieu teo co Bach Khoa 01

Nhóm tác giả và mô hình thiết bị máy trị liệu cho trẻ bị teo cơ. Phạm Nhật Tân đứng ngoài cùng bên phải.

► SV Bách Khoa đoạt giải 1 SeoulTech Drone Competition 2016

Nói về lý do tìm đến với đối tượng trẻ teo cơ, Nhật Tân lý giải: “Nhóm của mình đã được tiếp xúc và làm việc với bé Liêu Hoài An (ở TP.HCM), bệnh nhân bại não dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển và cầm nắm. Vì vậy, nhóm quyết định tìm giải pháp để giúp bé có thể tự di chuyển và cầm nắm dễ dàng hơn”.

Sau một thời gian nghiên cứu và cho bé An thử nghiệm, nhóm thấy sản phẩm khá tiềm năng và tiến hành phát triển. Sản phẩm này không những giúp được bé An mà còn có thể giúp nhiều bệnh nhân bị khuyết tật thần kinh vận động. “Lúc đầu nhóm tiến hành sáng chế chiếc máy trị liệu cho đôi chân và khớp gối, nhưng khi được bác sĩ khuyên cũng như nhận thấy đôi tay cần thiết hơn trong sinh hoạt hằng ngày, vì thế nhóm quyết tâm phát triển để sản phẩm toàn diện hơn”, Nhật Tân chia sẻ.

Hiện nay, sản phẩm đã có thể giúp trị liệu được cho cả đôi chân, đôi tay và các khớp khác. Bên cạnh đó, còn có một khung xương rô bốt do nhóm tự sáng chế để hỗ trợ việc đi lại thuận tiện hơn.

Tân “bật mí” máy gồm 2 bộ phận chính: Phần cứng bao gồm các động cơ, tay cầm, bệ đỡ… để giúp bé cố định tay, chân; khi sử dụng thiết bị này, sẽ giúp bẻ cơ tay, chân bé lên xuống giúp các cơ mềm hơn. Còn phần mềm giúp tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ.

“Phần mềm của chiếc máy sẽ theo dõi được quá trình điều trị của người bệnh. Mỗi khi luyện tập, các chỉ số luyện tập sẽ hiện lên trên hệ thống. Thông qua phần mềm này, dù luyện tập ở nhà, nhưng bác sĩ vẫn theo dõi được tình trạng bệnh nhân và điều chỉnh thiết bị từ xa sao cho phù hợp với bệnh nhân nhất”, Tân cho biết thêm.

Mô hình máy trị liệu teo cơ.

Cũng theo Tân, máy được thiết kế để có thể điều chỉnh theo từng cấp độ nặng nhẹ của người bệnh. Phần này được nhóm lập trình ở chế độ bị động và chủ động. “Bởi vì lúc đầu các cơ khớp của bệnh nhân rất cứng, khó có thể tự sử dụng thiết bị, vì vậy bệnh nhân sẽ sử dụng theo chế độ bị động, tức là thiết bị sẽ hỗ trợ 100%. Sau một thời gian, khi các cơ khớp đã mềm ra, có thể chỉnh chế độ xuống còn 70%, 50%… Lúc này bệnh nhân sẽ tự sử dụng sức mình để điều khiển thiết bị, như vậy sẽ giúp điều trị bệnh được nhanh hơn”, Lê Thị Mỹ Trinh, thành viên nhóm, giải thích.

Không dừng lại ở đấy, với mong muốn thiết bị mang được nhiều tiện ích cho người bệnh, trong quá trình hoàn thiện và phát triển sản phẩm, nhóm luôn cố gắng sáng tạo để tích hợp nhiều chức năng cho thiết bị. Hiện nhóm đã phát triển thêm phần ứng dụng game. Bởi khi nghiên cứu nhóm nhận ra rằng game giúp tăng động lực trong quá trình luyện tập, tăng cường quá trình phục hồi liên kết thần kinh gây suy giảm chức năng vận động. “Game này do nhóm tự thiết kế riêng để phù hợp với luyện tập của người bệnh khó vận động. Những game đơn giản, chỉ cần cử động lên xuống hoặc qua lại, như điều khiển máy bay lên xuống để né vật cản”, Tân chia sẻ.

Sản phẩm này của nhóm đã nhận được sự đánh giá cao về triển vọng ứng dụng thực tế tại cuộc thi sáng chế sản phẩm dành cho người khuyết tật Tom Vietnam, do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Kinh tế Israel tại Việt Nam, Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc và tổ chức phi chính phủ Israel Reut Group tổ chức.

PGS. TS. Nguyễn Tấn Tiến, giảng viên Khoa Cơ khí – ĐH Bách Khoa, người đã trực tiếp chỉ dẫn nhóm trong suốt quá trình nghiên cứu, đánh giá rất cao sản phẩm và khẳng định “đây là một sản phẩm rất tiềm năng, nếu được phát triển trong tương lai sẽ mang lại nhiều ứng dụng tốt cho người bệnh”.

ĐƯỢC CHỌN DỰ THI KHỞI NGHIỆP THẾ GIỚI

Vượt qua nhiều đối thủ, nhóm bạn Phạm Nhật Tân được chọn là 1 trong 2 đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp quy mô toàn thế giới Social Innovation Camp 2016 do Hatch tổ chức tại Phần Lan.

Giữa tháng 11 vừa rồi, nhóm đã qua Hàn Quốc để tham gia sự kiện Capstone Project về những dự án sinh viên chất lượng tốt nhất, do Trường ĐH Khoa học & Công nghệ Quốc gia Seoul (Seoul National University of Science and Technology) tổ chức.

 

Bên cạnh chương trình giảng dạy truyền thống bằng tiếng Việt, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn triển khai chương trình đào tạo chính quy Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Cơ khíKỹ thuật Cơ Điện tử giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Chương trình được Bộ Giáo dục & Đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH đối tác Mỹ, Úc, Nhật công nhận về chất lượng.

Tham gia giảng dạy là các GS, PGS, TS, ThS của ĐH Bách Khoa có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh và nghiên cứu khoa học ít nhất 3 năm. Dự kiến có 4 đến 6 giảng viên từ các trường ĐH đối tác nước ngoài sang giảng dạy.

SV tốt nghiệp được cấp bằng ĐH chính quy Kỹ sư Kỹ thuật Cơ khí hoặc Kỹ sư Kỹ thuật Cơ Điện tử – chương trình Chất lượng cao do ĐH Bách Khoa cấp.

SV có thể chuyển tiếp học tập 2 năm cuối sang University of Technology Sydney hoặc Macquarie University (Úc) nếu thỏa điều kiện học tập, tiếng Anh và tài chính.

 

Bài, ảnh: NỮ VƯƠNG (Thanh Niên)

Bài trước

Bài tiếp