Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

SV BÁCH KHOA TỰ TIN THẢO LUẬN VÀ THUYẾT TRÌNH SÔI NỔI CÙNG ĐẠI BIỂU SSEAYP

Ngày 15/11/2024 vừa qua, trong khuôn khổ Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) lần thứ 48, hoạt động giao lưu, thảo luận nhóm chủ đề số 4 “Giảm nguy cơ và phục hồi hậu thiên tai” đã gắn kết đại biểu SSEAYP và các sinh viên của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM).

Ban Tổ chức chương trình và các đại biểu SSEAYP cùng chụp ảnh lưu niệm

Tham dự chương trình có đại diện Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, Bà Đỗ Phan Như Nguyệt – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức – Kiểm tra; ông Trần Đức Sự – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ Trẻ. Đại diện đoàn đại biểu SSEAYP có ông Rahmad Hamdi – Lãnh đạo quốc gia Indonesia và Bà Mai Kim Tuyền  – Lãnh đạo quốc gia Việt Nam.

Về phía Trường ĐHBK, PGS. TS. Huỳnh Kỳ Phương Hạ – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc, gửi lời chào tới đoàn đại biểu và hy vọng các đại biểu sẽ có một buổi giao lưu, khám phá thật ý nghĩa cùng các sinh viên của Trường ĐHBK.

PGS.TS. Huỳnh Kỳ Phương Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK phát biểu tại chương trình
Trao quà cho 2 đại diện đoàn đại biểu SSEAYP 2024: ông Rahmad Hamdi – Lãnh đạo quốc gia Indonesia và Bà Mai Kim Tuyền  – Lãnh đạo quốc gia Việt Nam

Tham quan Innovation Fablab: Không gian sáng tạo đột phá

Là không gian hội tụ của những ý tưởng đột phá, sáng tạo, Phòng thí nghiệm chế tạo sản phẩm mẫu – Innovation Fablab là điểm dừng chân đầu tiên trong chương trình. Tại đây, các đại biểu SSEAYP được truyền cảm hứng về hành trình nung nấu từ ý tưởng đổi mới sáng tạo, cho tới áp dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến qua các máy móc được trang bị hiện đại, để tạo ra các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật thực tiễn cho cuộc sống, giúp giải quyết các thách thức trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chú trọng phát triển bền vững. Các đại biểu đã được tham quan, trải nghiệm các mô hình, công nghệ tiên tiến:

  • Máy in 3D: Công nghệ in tiên tiến giúp hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế từ bản vẽ thành sản phẩm thực tế.
  • Máy cắt laser: Thiết bị tối ưu trong sản xuất mẫu vật liệu với độ chính xác cao.
  • Phòng thí nghiệm IoT: Nơi phát triển các giải pháp kết nối thông minh, từ cảm biến đến hệ thống quản lý.
  • Các dự án tiêu biểu: Những sản phẩm sáng tạo mang tính ứng dụng cao, như thiết bị hỗ trợ môi trường hay giải pháp phục hồi thiên tai.

Nội dung chính của buổi giao lưu là thảo luận sâu chuyên đề “Giảm nguy cơ và phục hồi hậu thiên tai” qua phần chia sẻ của TS. Võ Thanh Hằng – Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐHBK; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bách Khoa Green Innovation (BKGI) và TS. Phan Bảo Giang – Trưởng Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cùng phần thuyết trình của các nhóm đại biểu SSEAYP và sinh viên Trường ĐHBK. 

NÂNG CAO NHẬN THỨC, KỸ NĂNG VÀ TƯ DUY HÀNH ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Mô hình LogiOT – một giải pháp tối ưu hóa chuỗi logistics từ khâu thu gom đến xử lý rác thải hữu cơ, không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mở ra một hướng đi đột phá, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong số những đề tài hấp dẫn do TS. Võ Thanh Hằng và nhóm sinh viên nghiên cứu triển khai từ ý tưởng tới sản phẩm, đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ và nhận đầu tư từ dự án BUILD-IT: Giải Nhất eProjects Innovation Showcase 2023 (USAID), được vinh dự là đội thi tham dự vòng chung kết Tech Planter 2022 và Bach Khoa Innovation 2022.

TS. Võ Thanh Hằng chia sẻ tại chương trình

Với TS. Phan Bảo Giang, vai trò của kinh tế tuần hoàn trong việc xây dựng khả năng phục hồi cho cộng đồng là vô cùng cần thiết. Những chia sẻ của TS. Phan Bảo Giang đã làm nổi bật ý nghĩa của việc kết hợp các giải pháp sáng tạo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các khủng hoảng toàn cầu, đồng thời định hướng phát triển bền vững trong tương lai.

TS. Phan Bảo Giang chia sẻ thông tin hữu ích về phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn với các đại biểu SSEAYP 2024

Từ lý thuyết đến thực tiễn, các đại biểu SSEAYP và sinh viên BK đã chia thành bốn nhóm thảo luận xoay quanh các vấn đề trên. Đây là cơ hội để thanh niên từ các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản cùng làm việc nhóm hiệu quả trong thời gian ngắn để chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm thực tiễn đang áp dụng tại các quốc gia.

Qua từng phần trình bày, các nhóm đã đề xuất nhiều sáng kiến mang tính đột phá, góp phần nâng cao nhận thức và hành độing của cộng đồng về các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đại diện nhóm sinh viên Trường ĐHBK, bạn Lý Chiêu Quân (K2023, chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh, ngành Quản lý Công nghiệp) đã có màn thuyết trình bằng tiếng Anh vô cùng ấn tượng với SSEAYP 2024. Quân tâm sự:

“Trong thời gian ngắn ngủi, làm việc nhóm với các đại biểu SSEAYP 2024 là cơ hội tuyệt vời để học hỏi và kết nối. Sau sự kiện, mình không chỉ hiểu thêm về văn hóa mà còn được kết bạn với nhiều bạn trẻ tài năng đến từ các nước Đông Nam Á và Nhật Bản. Mỗi câu chuyện, mỗi trải nghiệm đều khiến mình trân trọng hơn tình hữu nghị khu vực.”

Chương trình đã mang đến ý nghĩa tích cực, giúp các đại biểu từ các quốc gia tiếp cận các kiến thức chuyên sâu và thực tiễn về kinh tế tuần hoàn, công nghệ tái chế, và các giải pháp phát triển bền vững. Qua đó, các đại biểu và sinh viên tình nguyện không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành tư duy bền vững và khả năng ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Chương trình tạo cơ hội để sinh viên Trường ĐHBK rèn luyện các kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, tư duy phản biện, và thuyết trình lưu loát bằng tiếng Anh – những yếu tố cốt lõi để phát triển toàn diện trong môi trường đa văn hóa.

Đặc biệt, các sáng kiến được đề xuất trong chương trình có tiềm năng áp dụng vào thực tế tại nhiều khu vực, góp phần biến kiến thức thành hành động cụ thể, xây dựng cộng đồng an toàn và bền vững hơn.

OMM THỰC HIỆN

Bài trước