Chúng tôi gọi vui đây là chuyến dã ngoại, thay vì tham quan doanh nghiệp như bình thường, bởi môi trường làm việc ở đây ngập tràn sóng nước và cây xanh, mang lại cảm giác yên bình và thư thái.
Chúng tôi gọi vui đây là chuyến dã ngoại, thay vì tham quan doanh nghiệp như bình thường, bởi môi trường làm việc ở đây ngập tràn sóng nước và cây xanh, mang lại cảm giác yên bình và thư thái.
Trong hàng loạt chuỗi hội thảo và tham quan doanh nghiệp đầu năm dành cho tân sinh viên chương trình Liên kết Quốc tế, Tiên tiến và Chất lượng cao K2014 do Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – ĐH Bách Khoa TP.HCM tổ chức, có lẽ, chúng tôi thích nhất là buổi fieldtrip đến Nhà máy Nước Thủ Đức (2 Lê Văn Chí, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức).
>> Cười tẹt ga trong buổi sinh hoạt đầu khóa K2014
Khoảnh khắc lưu niệm của chúng tôi trước Nhà máy Nước Thủ Đức.
Nơi đây được ví von là nguồn sống của thành phố Hồ Chí Minh, bởi nhà máy khai thác, chế biến và xử lý hơn 750.000 m3 nước/ngày đêm từ nguồn sông Đồng Nai, đáp ứng hơn 80% nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố (tính luôn công suất 300.000 m3 nước/ngày đêm của Nhà máy Nước BOO Thủ Đức).
Cùng với Nhà máy Nước Tân Hiệp, Hóc Môn, Bình An và các nhà máy nước ngầm khác, mỗi ngày, Nhà máy nước Thủ Đức cung ứng hơn 1.538.000 m3 nước sạch theo đúng tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của TP.HCM.
Để trở thành nước sạch đến tay người dùng trực tiếp, nguồn nước sông Đồng Nai phải trải qua hàng chục công đoạn xử lý khác nhau. Có chứng kiến một phần công đoạn xử lý nước nghiêm ngặt, chúng tôi mới cảm thấy trân trọng nguồn sống này biết chừng nào.
Kỹ sư cấp thoát nước Nguyễn Thanh Vũ giới thiệu về quy trình xử lý nước của nhà máy.
Trong toàn bộ nước của thế giới, chỉ có 3% là sạch và chưa tới 1% trong số đó là nước ngọt có sẵn để con người sử dụng. Phần còn lại đông lạnh trong các sông băng, chỏm băng vùng cực hoặc nằm sâu bên trong lòng đất, vượt quá tầm tay của chúng ta. Nói cách khác, nếu lấy 100 lít nước đại diện cho toàn bộ trữ lượng nước của Trái Đất thì chỉ có khoảng nửa muỗng là nước ngọt có sẵn để chúng ta sử dụng.
Hiện nay, 1/3 dân số thế giới đã và đang đối mặt với các vấn đề do thiếu nước và nước sạch như dịch tả, suy dinh dưỡng, mất mùa… UNESCO dự đoán đến năm 2020, sự thiếu nước sẽ là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Tại buổi này, ngoài giới thiệu quy trình công nghệ xử lý nước, chúng tôi còn được đội ngũ kỹ sư ở đây hướng dẫn tham quan cũng như chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai của Nhà máy Nước Thủ Đức.
>> KỸ SƯ MÔI TRƯỜNG: LƯƠNG CAO, NHIỀU CƠ HỘI TU NGHIỆP NƯỚC NGOÀI
Quy trình công nghệ xử lý nước sạch.
Công trình bạt ngàn sóng nước và cây xanh này đã được đưa vào hoạt động từ năm 1968, hiện đang trong quá trình nâng cấp, mở rộng về diện tích, công suất và kỹ thuật.
Cụ thể, khi giai đoạn II Dự án Mở rộng Nhà máy Nước Thủ Đức (2015-2020) được hoàn thành, công suất nhà máy sẽ tăng thêm 300.000 m3/ngày đêm; Dự án Khu Xử lý bùn (2015-2020) giúp nâng công suất thêm 2.150.000 m3/ngày đêm.
Gần đây nhất, Dự án Nghiên cứu Trạm thu nước thô từ Hồ Trị An và Hồ Dầu Tiếng sắp hoàn thành (2011-2015) sẽ tăng công suất tiếp nhận nước thô của nhà máy lên 1.100.000 m3/ngày đêm.
Một số hình ảnh của buổi tham quan Nhà máy Nước Thủ Đức:
TS. Võ Thanh Hằng, giảng viên Khoa Môi trường, chương trình Chất lượng cao, ĐH Bách Khoa TP.HCM, hướng dẫn đoàn chúng tôi.
Các kỹ sư và công nhân nhà máy làm việc ở độ sâu 30 mét so với mặt đất.
Mô hình lọc nước và lắng cặn.
Tranh thủ selfie giữa miền sóng nước dạt dào ^^.
Bể xử lý nước.
Cô bạn người Singapore xinh xắn trong chương trình trao đổi với Khoa Môi trường. Bạn ấy học ngành Kỹ thuật Hóa học.
Trò chuyện rôm rả trong suốt chuyến tham quan. Cô bạn mặc áo khoác xanh đi trước là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, nhưng vẫn hăng hái tham gia chuyến tham quan Nhà máy nước Thủ Đức cùng sinh viên Môi trường chúng tôi.
Bài, ảnh: THI CA