Mô hình do hai sinh viên Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính Phạm Hữu Nhân và Trương Đình Quang nghiên cứu và phát triển, hứa hẹn tạo nhiều đột phá trong lĩnh vực quan sát, do thám, chụp không ảnh.
SÁNG TẠO BÁCH KHOA
Mô hình do hai sinh viên Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính Phạm Hữu Nhân và Trương Đình Quang nghiên cứu và phát triển, hứa hẹn tạo nhiều đột phá trong lĩnh vực quan sát, do thám, chụp không ảnh.
Thiết bị Quadrotor. – Ảnh: LÊ THANH
Thiết bị có tên Quadrotor, gồm hai thanh nhôm được âm ở giữa, kết nối thành hình chữ thập bằng đinh rive. Khung mô hình được lắp thêm một tấm phíp để mấu nối được bền, đồng thời là nơi gắn mạch điều khiển.
Bốn cánh quạt và motor được kết nối vào hai thanh nhôm, cách đầu thanh nhôm một khoảng để bảo vệ cánh quạt.
Để việc hạ cánh ít bị va đập, nhóm nghiên cứu đã gắn thêm bốn quả banh bằng nhựa ở dưới đế cánh quạt, vừa làm bộ phận tiếp đất cho mô hình, vừa giảm sốc.
Phần nguồn cho toàn bộ hệ thống Quadrotor gồm mạch điều khiển bay được phân bổ từ pin Li-Po 11.1 vol thông qua mạch Circle Power. Mạch này có nhiệm vụ nối song song các dây nguồn cấp cho các mạch, nguồn pin và được thiết kế để chịu dòng cao từ 50-80 Ampe, đảm bảo cấp đủ nguồn cho cả bốn động cơ cùng hoạt động.
Ưu điểm của thiết bị, theo Trương Đình Quang, đó là thiết kế đơn giản, nhỏ gọn hơn so với các thiết bị cùng loại, vì vậy dễ dàng hơn trong việc di chuyển.
“Nhờ sử dụng nhiều cánh quạt nên thiết bị có lực nâng lớn, cho phép tải nhiều hơn khối lượng bản thân. Hơn nữa, đây là một thiết bị hoạt động như một trực thăng thu nhỏ nên nên có thể dễ dàng cất-hạ cánh mà không cần đường băng, có thể giữ vị trí tại một điểm trong không trung với độ ổn định cao.”
Nếu được triển khai sản xuất thành công, Quadrotor có thể dùng để theo dõi an ninh tại nhiều khu vực khác nhau cùng lúc; hỗ trợ công tác cứu nạn, chữa cháy; chụp không ảnh hoặc những ngóc ngách mà con người không tới được…
>> Sinh viên Hóa học thỏa sức sáng tạo trong Ngày hội Kỹ thuật 2015
Trương Đình Quang (trái) và Phạm Hữu Nhân, thành viên nhóm BKIT4U, đồng tác giả của Quadrotor. – Ảnh: LÊ THANH
Nói về hướng phát triển của thiết bị này, Phạm Hữu Nhân chia sẻ: “Hiện nay, trong suốt quá trình hoạt động, thiết bị này phải có sự điều khiển của con người. Trong tương lai gần, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển mô hình này theo hướng bay hoàn toàn tự động, không cần người điều khiển.”
Ông Phan Đình Thế Duy – trưởng Phòng Thí nghiệm Renesas SuperH (Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), đánh giá: “Đây là một trong những đề tài xuất sắc nhất của phòng thí nghiệm trong những năm gần đây. Quadrotor được tích hợp nhiều cảm biến công nghệ cao và phức tạp do các sinh viên dày công nghiên cứu.”
Vì lẽ đó mà Quadrotor đã được Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM chọn để triển lãm và giới thiệu tại các liên hoan về thiết bị công nghệ cao. Thiết bị này còn đem về vinh dự cho nhóm nghiên cứu bằng giải Nhì cuộc thi Sáng tạo trẻ lần VI/2011 do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức.
Hiện nay, ở bậc đại học, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đang triển khai chương trình đào tạo Kỹ sư Khoa học Máy tính và Kỹ sư Kỹ thuật Máy tính theo mô hình Chất lượng cao 4+0. Chương trình học 4 năm tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, hoàn toàn bằng tiếng Anh, đã được ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đối tác của Mỹ, Úc, Nhật công nhận về chất lượng. Khung chương trình được thiết kế và xây dựng trên quan điểm lấy người học làm trung tâm, giúp sinh viên phát triển tối đa khả năng sáng tạo, giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ, vững kỹ năng mềm, thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng ĐH chính quy Kỹ sư Khoa học Máy tính hoặc Kỹ sư Kỹ thuật Máy tính chương trình Chất lượng cao do Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cấp. |
Tổng hợp từ Thanh Niên, VnExpress