Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Thuyết trình sẽ hay hơn với mẹo 10-20-30

Bí kíp “nhỏ mà có võ”, giúp sinh viên thuyết trình hiệu quả, thu hút. 

Thuyết trình là một trong những kỹ năng được sử dụng thường xuyên nhất ở bậc Đại học. Hoạt động này đòi hỏi sinh viên phải kết hợp nhiều kỹ năng mềm khác như tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm, phản biện, thiết kế – trình bày slide, quản lý thời gian…

Để phần thuyết trình thêm sinh động, lôi cuốn người xem tới phút cuối, hãy thử ứng dụng quy tắc 10-20-30* sau đây.

  • Độ dài file thuyết trình: tối đa 10 slide
  • Thời lượng: tối đa 20 phút
  • Cỡ chữ: tối thiểu 30 pt

10 slide trình bày

Cô đọng ý chính của bài thuyết trình bằng 10 slide, bạn có thể dễ dàng quan sát người xem để biết họ có đang theo dõi hay không. Đồng thời, khán giả cũng nắm bắt ý chính tốt hơn mà không bị phân tâm, xao lãng.

20 phút thuyết trình

Việc đề ra thời lượng tối đa cho bài thuyết trình giúp bạn biết chọn lọc thông tin phù lợp, lược bớt chi tiết không quan trọng và tập trung vô đúng trọng tâm.

Ngay cả khi phiên trình bày của bạn được cho phép trình bày với thời lượng nhiều hơn, bạn cũng nên dành ít nhất 10 phút còn lại cho phần thảo luận hoặc giao lưu với khán giả. Đây cũng là kỹ năng quản lý thời gian mà bạn cần có cho một bài thuyết trình thành công.

Cỡ chữ 30 pt

Tùy thuộc vào diện tích căn phòng và kích thước màn hình, hầu hết người nghe dễ dàng nhìn thấy văn bản có phông chữ tối thiểu cỡ 30 pt. Hãy nhớ rằng bạn cần trình chiếu nội dung cho mọi người tham dự, đặc biệt là những người ở phía sau.

Hơn nữa, các slide ít chữ sẽ gọn gàng, đẹp mắt và dễ theo dõi hơn. Lúc đó, thay vì bận đọc chữ trên màn hình, họ sẽ chú tâm lắng nghe bài thuyết trình của bạn. Có một bài toán vui là thử tìm ra tuổi của người cao niên nhất trong danh sách người tham dự buổi thuyết trình của bạn và chia đôi. Đó chính là cỡ chữ tối ưu bạn nên dùng đó.

Ngoài ra, một mẹo nhỏ giúp bài thuyết trình thêm hiệu quả là dùng màu chữ tương phản với nền, ví dụ chữ trắng trên phông đen, chữ cam trên nền xanh nước biển thẫm. Nhờ đó, nội dung của bạn sẽ trở nên gây chú ý hơn. Tuy nhiên, chỉ nên xài hiệu ứng tương phản này một cách có chọn lọc, tại một số nội dung cần nhấn mạnh mà thôi.

Cuối cùng, hãy linh hoạt biến tấu, điều chỉnh nội dung trình bày sao cho phù hợp với tình huống thực tế. Cộng với việc áp dụng quy tắc dễ nhớ 10-20-30 nêu trên, chắc hẳn bài thuyết trình của bạn sẽ lôi cuốn và xịn sò hơn liền đó.

*Quy tắc 10-20-30 do ông Guy Kawasaki hiện đang là giám đốc tiếp thị cho Canva và là cố vấn cho mảng kinh doanh của Motorola (Google) sáng tạo. Ông cũng là tác giả của The Art of Social Media, The Art of the Start…

Tổng hợp: LINH LÊ – Hình: OISP

Bài trước

Bài tiếp