Tốt nghiệp đầu ngành, “sắn lùi” Môi trường đã từng nhát tiếng Anh

“Khi mới nhập học, mình không tự tin lắm về vốn tiếng Anh của bản thân. Tuy nhiên, sau bốn năm chìm đắm trong môi trường 100% tiếng Anh, mình đã nắm vững tiếng Anh chuyên ngành và có thể giao tiếp tốt với sinh viên quốc tế. Giờ đây nhìn lại, quyết định ngày xưa thật là đúng đắn”.

Đặng Bích Phương - K2017 Kỹ thuật Môi trường Chất lượng cao

ĐẶNG BÍCH PHƯƠNGLÝ LỊCH TRÍCH “XÉO”

  • Cựu sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Môi trường
  • Đang học thạc sỹ ngành Kỹ thuật Môi trường tại ĐH Khoa học & Công nghệ Quốc gia Seoul
  • Tốt nghiệp đầu ngành, nhận Giấy khen của Hiệu trưởng trong đợt tốt nghiệp tháng 4/2022
  • Danh hiệu “Sinh viên năm Tốt” cấp Văn phòng Đào tạo Quốc tế (VPĐTQT) 2020, “Thanh niên Tiên tiến làm theo lời Bác” cấp VPĐTQT 2021
  • Tác giả chính hai bài báo được đăng trong Niên giám ISBN 2020 của Hội nghị Quốc gia về GIS, tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ ĐHQG-HCM 2021
  • Tham gia chương trình trao đổi văn hóa tại ĐH HELP (Malaysia) 2018, chương trình trao đổi khoa học SAKURA 2019
  • Học bổng Khuyến khích học tập của VPĐTQT nhiều học kỳ, học bổng KSYS-CUBE 2019 và 2021, học bổng Nữ sinh Kỹ thuật (AmCham) 2020
  • Top 50 cuộc thi Bach khoa Innovation 2018 và 2021
  • Giải Nhất cuộc thi OISP Presentation Contest 2017
  • “Gương mặt thân quen” trong các chiến dịch tình nguyện, cuộc thi sáng tạo – khởi nghiệp, hội nghị chuyên đề khác

Vui tươi, năng động, khoái vẽ vời, cuồng Kpop và từng “ẵm” nhiều học bổng, Đặng Bích Phương là một trong những bóng hồng nổi bật nhất lớp Kỹ thuật Môi trường Chất lượng cao K2017. Cùng OISP bước vô thế giới sinh động của cô bạn Bảo Bình duyên dáng qua đôi dòng tâm sự dưới đây.

CON GÁI BÁCH KHOA LIỆU CÓ KHÔ KHAN?

Mình là Đặng Bích Phương, cựu sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Môi trường. Mình tốt nghiệp Bách khoa đợt tháng Tư năm nay (2022) và đang học thạc sỹ ngành Kỹ thuật Môi trường tại ĐH Khoa học & Công nghệ Quốc gia Seoul

Mình là đứa thích nghi tốt, dễ hòa nhập, do đó hiếm khi cảm thấy khó khăn khi tới nơi xa lạ. Những lúc rảnh rỗi, mình thường vẽ vời tùy hứng và học thêm tiếng Nhật. Khi Sài Gòn nắng đẹp, mình hay xách xe dạo quanh thành phố, sau đó dừng lại ở một góc sân nhà thờ Công giáo hay quán cà phê yên tĩnh nào đó để ngắm nhìn bầu trời và dòng người qua lại. 

Trong khoảnh khắc ấy, được lắng nghe những bản nhạc yêu thích thì quá tuyệt vời. Với mình, điều kỳ diệu của âm nhạc nằm ở sự đa dạng trong giai điệu. Hai thể loại mình thích nhất khá trái ngược nhau, đó là pop-rock và ballad buồn. “Bật mí” thêm nè, mình là một MOA chân chính (fan bự chảng của nhóm Tomorrow X Together) đó!

Người ta thường nghĩ con gái Bách khoa khô khan. Tuy nhiên, điều này không đúng đâu nha. Hồi mới nhập học, mình cắt tóc tém ngắn cực luôn. Sau đó, mình đổi ý nuôi tóc dài. Bạn bè đều khen mình nữ tính ra. Tất nhiên, nhìn vẻ ngoài vậy thôi chứ mình vẫn kiên cường tốt nghiệp đúng hạn nghen ^^.

Đặng Bích Phương - K2017 Kỹ thuật Môi trường Chất lượng cao
Mình đi đu idol thành công (có mặt tại buổi biểu diễn của nhóm Tomorrow X Together) tại Hàn Quốc.

Bài viết liên quan
Huy chương Vàng tốt nghiệp Khoa Môi trường K2015: chúng tôi như những chú ong chăm chỉ
Thương Quốc Thịnh: bạn sẽ tiến rất xa trong ngành nếu có khả năng tự học
Ngành Môi trường: hiểu vạn vật qua lăng kính nhà khoa học
Trở thành chuyên gia môi trường với bí quyết từ người trong cuộc

quyết kHÔNG LÙI BƯỚC TRƯỚC “bão DEADLINE”

Hồi cấp Ba, mình đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực môi trường. Sau quá trình tìm hiểu, mình lựa chọn ngành Kỹ thuật Môi trường của Trường ĐH Bách khoa. Lúc đó, cậu Hai (một kỹ sư có lối tư duy độc lập, cởi mở, từng sinh sống và làm việc ở nước ngoài) khuyến khích mình trau dồi tiếng Anh từ sớm để mở rộng cơ hội hội nhập quốc tế. Vậy là mình quyết định xét tuyển vô chương trình Chất lượng cao.

Khi mới nhập học, mình không tự tin lắm về vốn tiếng Anh của bản thân. Tuy nhiên, sau bốn năm chìm đắm trong môi trường 100% tiếng Anh, mình đã nắm vững tiếng Anh chuyên ngành và có thể giao tiếp tốt với sinh viên quốc tế. Giờ đây nhìn lại, quyết định ngày xưa thật là đúng đắn.

Thời sinh viên, mình từng nhận nhiều học bổng Khuyến khích học tập từ Văn phòng Đào tạo Quốc tế, đạt giải Quán quân cuộc thi OISP Presentation Contest 2017, tham gia chương trình trao đổi Khoa học SAKURA 2019, lọt vô top 50 cuộc thi Bach khoa Innovation 2018 và 2021… 

Các giảng viên Khoa Môi trường & Tài nguyên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, có khả năng truyền tải kiến thức chuyên môn một cách dễ hiểu, từ đó khơi gợi lòng tò mò, hứng thú ở sinh viên. Mình cực mê các môn thực hành, thí nghiệm (như Vi sinh vật, Kỹ thuật xử lý nước/ khí/ chất thải) vì được trực tiếp quan sát, thu mẫu, kiểm tra, phân tích và vận hành thiết bị mô phỏng.

Chương trình đào tạo gồm những khối kiến thức đa dạng, với nhiều chuyến đi thực tế. Do đó, khi kiến tập, thực tập, mình cảm thấy rất đỗi quen thuộc, không hề bối rối hay bỡ ngỡ. 

Nhờ sự hỗ trợ tận tình từ thầy cô và bạn bè, cộng với nỗ lực của bản thân mà mình đã trở thành tác giả chính của hai bài báo khoa học được chọn đăng trong Niên giám ISBN 2020 của Hội nghị Quốc gia về GIS Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ ĐHQG 2021. Ngoài ra, mình cũng năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa của khoa, trường. Chỉ trong năm Nhất, mình đã kịp bỏ túi 15 ngày công tác xã hội ^^.

Tất nhiên, không ai có thể tránh khỏi deadline, deadline và deadline (đặc sản trứ danh của Bách khoa). Mỗi học kỳ kéo tới, mình lại quay cuồng trong cả đống deadline. Có lẽ những lần chạy đua hoàn thành bài tập lớn, đồ án, luận văn xuyên đêm chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Bách khoa. 

May mắn là đồng đội “cú đêm” luôn cùng mình “xả láng” với deadline. Cảm ơn bản thân và các bạn vì đã không bao giờ bỏ cuộc. Vậy nên, mới có mình ngày hôm nay, cựu sinh viên Bách khoa ra trường đúng hạn. 

TỰ TIN DU HỌC HÀN NHỜ VỐN TIẾNG ANH VỮNG VÀNG

Với mong muốn nghiên cứu chuyên sâu về những công nghệ môi trường tiên tiến nhất, mình lên kế hoạch du học từ lúc đang làm luận văn tốt nghiệp. 

Trước đây, mình từng chuẩn bị nhiều hồ sơ xin học bổng. Đôi lúc thành công, nhiều khi thất bại. Thế nhưng, còn biết bao cơ hội ngoài kia và mình vẫn tiếp tục thử sức. Cuối cùng, mọi công sức đã được đền đáp xứng đáng. Mình nhận được học bổng toàn phần chương trình thạc sỹ ngành Kỹ thuật Môi trường tại ĐH Khoa học & Công nghệ Quốc gia Seoul (SeoulTech).

Trong thời đại mới, tiếng Anh chính là chìa khóa vạn năng giúp người trẻ bay cao, vươn xa khắp thế giới. Từ lợi thế tiếng Anh chuyên ngành trau dồi được ở Bách khoa, mình có thể tự tin hòa nhập với cuộc sống mới. Các nghiên cứu sinh của ĐH Khoa học & Công nghệ Quốc gia Seoul tới từ nhiều quốc gia. Ngôn ngữ chung của nhóm là tiếng Anh. Lúc làm việc chung, mình và các tiền bối có thể dễ dàng hiểu ý và giải quyết vấn đề nhanh chóng. 

Giáo sư và bạn bè nơi đây cực kỳ nhiệt tình, thân thiện. Việc học ở Hàn không quá vất vả. Sau một chút khó khăn ban đầu, mình đã có thể vận hành các trang thiết bị hiện đại ở phòng thí nghiệm một cách thành thạo. Tháng Bảy vừa rồi, mình đã có dịp cùng các đồng môn tham dự Hội nghị lần thứ XIII của Hiệp hội màng Đông Nam Á tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore).

Trong tương lai, mình tiếp tục đào sâu về năng lượng sinh học (một trong những hướng nghiên cứu góp phần tìm ra giải pháp sản xuất năng lượng sạch tối ưu) và “đầu quân” vô các công ty nước ngoài, để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cũng như phát triển sự nghiệp kỹ sư.

Bài, hình: ĐẶNG BÍCH PHƯƠNG

Chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Môi trường (mã trường: QSB, mã ngành: 225) của Trường ĐH Bách khoa được giảng dạy bằng 100% tiếng Anh, tại cơ sở Q.10.

Chương trình đào tạo được thiết kế tương đương chương trình của những đại học uy tín như ĐH Griffith (Úc), Viện Công nghệ châu Á (Thái Lan), đồng thời điều chỉnh, cập nhật liên tục theo xu hướng phát triển của thế giới.

Song song đó, nhà trường cũng đang triển khai chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Môi trường với ĐH Griffith (Úc). Sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh. 2-2,5 năm đầu tại Trường ĐH Bách khoa. 2-2,5 năm cuối chuyển tiếp sang Úc. Bằng do trường đối tác cấp.

 

Bài trước

Bài tiếp