Từ lời khuyên của bố mẹ, Nguyễn Đào Anh Nhật, với background chuyên Lý, đã lựa chọn chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Bách khoa, để rồi tìm thấy đam mê theo đuổi con đường học thuật của mình.
Bài viết liên quan
► Những kiểu đón Tết xa nhà của sinh viên Bách khoa Quốc tế
► Bách khoa Quốc tế – nơi cho Vy hành trang du học vững vàng
► Sinh viên chương trình Tăng cường Tiếng Nhật kể chuyện du học Nhật Bản
NGUYỄN ĐÀO ANH NHẬT
|
Những mùa vui chỉ có ở Bách khoa
Trước khi chuyển tiếp qua Úc thì mình còn là thành viên của OISP Student Ambassadors (CLB Đại sứ Sinh viên OISP aka. OSA), đảm nhận vị trí culi với nhiệm vụ chính là cơm bưng nước rót cho chủ nhiệm và mua vui cho các thành viên khác. À ngoài ra trong năm học cuối (năm thứ Hai) ở Bách khoa mình còn may mắn được làm trợ giảng (TA – teaching assistant) lớp IELTS của OISP. Tuy thực ra sĩ số lớp lúc đó cũng không có bao nhiêu nhưng điều vui nhất là học trò của mình không bạn nào rớt Pre (quá hai lần).
Cơ duyên đưa mình đến với Bách khoa nói chung, OISP nói riêng và sau này là Adelaide là một câu chuyện khá bi hài. Năm mình vào ĐH, 2015, là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đổi quy chế tuyển sinh, tức là học sinh giờ đây thi kỳ thi THPT Quốc gia trước, rồi nộp đơn vào các trường ĐH sau. Lúc đó, mình, một học sinh lớp 12, vẫn chưa thực sự biết chắc bản thân muốn làm gì trong tương lai và chưa từng có suy nghĩ sẽ theo con đường kỹ thuật. Mãi cho đến khi có kết quả thi và chuẩn bị làm hồ sơ thì mình mới quyết định nộp vào Bách khoa, thể theo rất nhiều giờ tư vấn, thuyết phục và có phần hơi “khủng bố tinh thần” của nhị vị phụ huynh. Còn quyết định chọn OISP (Bách khoa Quốc tế) thì nó đến sau khi mình tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh Bach khoa Open Day – nơi mà mình đã bị các anh chị tư vấn viên “mê hoặc” (aka. “bị dụ”) bởi chương trình đào tạo khá mới lạ và hấp dẫn của OISP như lớp Kỹ năng Mềm, lớp Nghệ thuật, OISP Camp ở Damb’ri, vân vân và mây mây.
Ban đầu lựa chọn của mình là chương trình Tiên tiến và mình thực sự cũng đã khá hài lòng với quyết định này. Chương trình giúp mình có cơ hội sớm tiếp xúc với doanh nghiệp thực tế qua các buổi field trip, các buổi talk show định hướng nghề nghiệp và quan trọng nhất là cơ hội tiếp xúc với chương trình giảng dạy và một số giảng viên của trường UIUC (University of Illinois at Urbana-Champaign, Hoa Kỳ). Chính những điều đó đã giúp mình định hướng rõ đam mê của bản thân hơn. Để rồi từ một đứa vào Bách khoa chỉ vì lời khuyên của bố mẹ và background chuyên Lý, mình nhận thức được mình thực sự muốn gì và phải làm gì để đạt được ham muốn ấy. Đó là lúc mình quyết định chuyển tiếp du học vì mình tin đây sẽ là một bước ngoặt lớn và cần thiết trong sự nghiệp tương lai sau này.
Mình còn nhớ, những tháng ngày đầu tiên ở BK-OISP khá là khó chịu đối với bản thân mình, vì thứ nhất, đây không hoàn toàn là quyết định tự nguyện của bản thân mình và thứ hai, vì mình phải học… Pre-Universiy! Tất nhiên học kỳ Pre là cần thiết nếu bạn chưa vững tiếng Anh. Tuy nhiên, cái cảm giác khi mà bạn bè cấp ba đều đã học đại cương trong khi bản thân vẫn còn “Hello teacher, how are you today?” rõ ràng là không vui vẻ mấy. Nhưng bây giờ nhìn lại, mình cảm thấy may mắn khi “phải” học Pre, vì đó là cơ hội để bản thân giao lưu, kết bạn với rất nhiều người, kể cả các bạn đến từ các khoa khác, bởi vì khi đã vào chuyên ngành rồi thì lớp nào đi với lớp đó thôi, làm gì còn thời gian giao lưu (chưa kể lớp Điện toàn nam nên học kỳ Pre là cơ hội hiếm hoi để kiếm bạn là nữ).
Người ta nói, bốn năm ĐH, nhất định phải một lần lấy được học bổng, rớt một môn, yêu một người, chia tay một lần thì mới hoàn chỉnh. Mình “may mắn” là trong quãng thời gian hai năm hơn ở OISP cũng vừa kịp làm được hết các điều trên, có cái thậm chí nhiều hơn một lần. Tuy rõ ràng không phải điều nào kể trên cũng vui vẻ nhưng điều quan trọng là mình rút ra được gì từ nó, để rồi cái nào vui thì tiếp tục phát huy, còn cái nào không vui lắm thì ráng không tái phạm. Một điều mình cảm thấy may mắn khác đó là từ đầu mình chọn hệ 4+0 (chương trình Tiên tiến, chương trình Chất lượng cao) vì nó cho mình “cơ hội” phải đi kiếm ngày công tác xã hội (CTXH) và học giáo dục quốc phòng (học quân sự). Đối với nhiều người thì hai thứ kể trên giống như cực hình vậy nhưng đối với mình thì không. Cả hai đã dạy cho mình rất nhiều điều về hoạt động cộng đồng, được đi nhiều nơi và làm những điều ý nghĩa. Quan trọng nhất là mình có được những ký ức vui vẻ và những trải nghiệm thực tiễn mà bạn sẽ không có được nếu chỉ ngồi mài quần trên ghế nhà trường (hay quán điện tử).
Và điều mình trân quý nhất trong quãng thời gian ở OISP đó là mình đã có cơ hội được trở thành một mảnh ghép của OISP Student Ambassadors. Thú thật mà nói, mục tiêu ban đầu của mình khi gia nhập OSA (chắc cũng như nhiều bạn khác khi tham gia CLB ở OISP) đó là kiếm ngày CTXH. Nhưng cuối cùng mình lại nhận được nhiều hơn những gì mình mong muốn. Đó là cơ hội được làm việc và học hỏi từ các anh chị mentor siêu giỏi, siêu cool ngầu, các anh chị trong Bộ phận Tuyển sinh của OISP, cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các bạn sinh viên từ Hàn Quốc, Nigeria, Đức và cả Úc – nơi mình chuyển tiếp đến sau này, cơ hội được học thêm về marketing, truyền thông sự kiện hay viết lách, những thứ mình không nghĩ sẽ học được khi vào một trường kỹ thuật như Bách khoa. Và quan trọng nhất, là được làm quen với những người bạn vô cùng tuyệt vời trong OSA, những người đối với mình ở thời điểm đó, như-một-gia-đình.
Tự tin khám phá khung trời nước Úc
Trăn trở lớn nhất của mình khi chuyển tiếp có lẽ là gap year, hay gap semester thì đúng hơn. Học kỳ ở Úc bắt đầu vào tháng Hai và tháng Bảy hằng năm, do mình quyết định chuyển tiếp trễ nên bị lỡ mất đợt chuyển tiếp tháng Hai và phải chờ đến tháng Bảy. Nói là trăn trở bởi vì trong nửa năm này mình không thể đăng ký học tiếp môn nào mới và việc học của mình sẽ lại bị hoãn thêm nửa năm. Mình là người vốn không thích ngồi không chờ đợi và việc ngắt quãng trong học tập. Tuy nhiên thời điểm đó quả thực không có cách nào khác và cuối cùng mình cũng phải chấp nhận đánh đổi. Các chị bên Bộ phận Chuyển tiếp của OISP cũng làm hết sức để đảm bảo mọi thủ tục được diễn ra nhanh chóng và có lợi nhất cho sinh viên.
Mình tận dụng quãng thời gian gap semester đó, trước hết là để tìm hiểu kỹ hơn về các lựa chọn chuyển tiếp, cân nhắc không chỉ giữa các trường mà còn là giữa các thành phố của ngôi trường đó. Đối với ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, OISP có nhiều trường ĐH đối tác ở Úc như ĐH Queensland, ĐH Adelaide, ĐH Macquarie, trải dài ở nhiều thành phố lớn khác nhau. Mỗi nơi đều có điểm mạnh và những lời mời hấp dẫn riêng. Sau khi chọn được trường rồi, mình tiếp tục tìm hiểu thêm về môi trường học tập, các môn học, điều kiện tốt nghiệp, và cả cuộc sống, chi phí sinh hoạt ở nơi chuyển tiếp. Quãng thời gian gap semester, tuy dài và có đôi lúc cảm thấy hơi chán nhưng đã cho mình cơ hội nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ cho tương lai.
ĐH là một trong tám trường ĐH hàng đầu nước Úc cũng như thuộc top 100 ĐH hàng đầu thế giới. Hai điều bản thân mình cảm thấy ấn tượng nhất về ngôi trường này đó là: cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, nhân viên nhà trường. Ngay từ khi quyết định đi chuyển tiếp là mình đã chọn Adelaide bởi vì… kiến trúc của trường quá đẹp! Ngôi trường này đã được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX và cho đến bây giờ vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính ấy với những giảng đường giống như những toà lâu đài ở Châu Âu. Xen vào đó là các khu tự học, phòng thí nghiệm, thư viện với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ tiện nghi và không ngừng mở rộng để giúp sinh viên có một môi trường học tập tốt nhất có thể. Trong khuôn viên trường cũng có rất nhiều cây xanh và cả cây jacaranda, hay còn gọi là phượng tím, mà mỗi khi Hè đến lại nở rực một góc trời. Mấy bạn thích sống ảo chắc chắn sẽ mê ngôi trường này vì đưa máy lên góc nào cũng selfie được.
Đội ngũ giảng viên và nhân viên của ĐH Adelaide vô cùng thân thiện và luôn sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần. Có rất nhiều hoạt động tổ chức hỗ trợ sinh viên mà chỉ cần bạn dám hỏi thì chắc chắn sẽ có câu trả lời. Các giảng viên ở Adelaide đa phần đều rất có-tâm, sáng-tạo trong công tác giảng dạy và luôn lắng-nghe phản hồi từ phía sinh viên để đảm bảo chất lượng giáo dục luôn ở mức cao nhất.
Adelaide nói riêng, và nước Úc nói chung, là một thành phố đa văn hóa và sắc tộc. Ở đây có mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới và cả những người bản địa. Sự đa dạng về văn hóa đó không chỉ giúp mình học được thêm nhiều điều mới mẻ mà còn khiến cho việc hòa nhập với mọi người trở nên dễ dàng hơn. Điều tuyệt vời nhất về con người nơi đây xuất phát từ những thói quen nhỏ nhặt nhất hằng ngày như cảm ơn người tài xế xe buýt khi xuống xe hay chào những người tập thể dục trong công viên vào buổi sáng. Tất nhiên đâu đó vẫn có một vài trường hợp cá biệt nhưng chung quy lại nếu có cơ hội đến với Adelaide, bạn sẽ hiểu vì sao đây là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới.
Chi phí sinh hoạt ở Adelaide rẻ hơn so với mặt bằng chung các thành phố lớn của nước Úc, dao động trong khoảng 800-1.200 AUD/tháng, tùy vào việc bạn ở đâu và thói quen ăn uống mua sắm như thế nào. Khi mới đến Adelaide, mình thuê lại phòng của một căn nhà bên ngoài trung tâm thành phố với mức giá khá phải chăng, còn hiện tại thì mình ở homeshare với hai bạn Bách khoa cùng khóa, tại khu trung tâm, tuy có đắt hơn nhưng tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Mình luôn cố gắng tiết kiệm chi tiêu bằng việc tự nấu nướng (dù rằng không dễ dàng gì và chắc mình nấu cũng chỉ cho bản thân ăn được) và tính toán thật kỹ khi cần mua sắm vật gì. Ngoài ra, việc nhận được học bổng hỗ trợ học phí nho nhỏ của ĐH Adelaide khi chuyển tiếp cũng giúp mình có thêm ít “vốn” để tiêu vặt.
Mình biết rất nhiều bạn khi đi du học thì cũng đồng thời tranh thủ đi làm thêm để có thêm tiền trang trải. Riêng mình thì không dám như vậy vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập, chỉ có đợi đến Hè mới xin làm nghiên cứu thêm trong trường để kiếm tiền “ăn Noel” thôi (vâng, ở Úc chúng mình đón lễ Noel và năm mới trong cái nóng bức của mùa Hè).
Adelaide là một thành phố khá nhỏ khi so với Sài Gòn và các hoạt động ăn chơi giải trí cũng gần như chỉ diễn ra vào cuối tuần. Cho nên thực sự chúng mình không có nhiều sự lựa chọn. Nhưng bù lại, Nam Úc có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp với nhiều bãi biển và cả núi đồi, di chuyển cũng dễ dàng và rẻ nên khi có thời gian rảnh là mình lại ra biển ngắm hoàng hôn hay đi tham quan các thị trấn trên núi. Adelaide cũng là thành phố với rất nhiều lễ hội diễn ra quanh năm và đầy màu sắc.
Có khá nhiều tổ chức sinh viên trong trường, đặc biệt là các tổ chức dành cho sinh viên quốc tế và cả Hội Sinh viên Việt Nam ở Adelaide (VISA). Các CLB thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu trao đổi văn hóa cũng như khám phá địa phương. Mình may mắn đã tham dự một vài sự kiện như là đêm giao lưu văn hóa các quốc gia và các city tour, mà nhờ đó đã giúp mình cũng như các bạn sinh viên quốc tế khác rất nhiều trong việc hòa nhập với văn hóa địa phương cũng như vơi đi nỗi nhớ nhà (híc híc). Trong bối cảnh mà OISP đang có nhiều bạn sinh viên tới từng những quốc gia khác theo học, mình nghĩ đây là điều mà các CLB đội nhóm ở OISP có thể tham khảo và làm theo.
Mình muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên Bách khoa nói chung cũng như OISP nói riêng, đặc biệt là những bạn sắp gia nhập OISP: ĐH là quãng thời thanh xuân ngắn nhưng đẹp đẽ, vì vậy ngoài việc cố gắng rèn luyện kiến thức chuyên môn, hãy năng động hơn và tham gia nhiều hoạt động sinh viên (như ứng tuyển vào OSA chẳng hạn) để bốn (hoặc sáu) năm ĐH của bạn không trôi qua nhàm chán.
Riêng đối với các bạn sắp đi du học hoặc có ý định muốn đi du học: du học là một cơ hội, một đặc cách lớn mà không phải ai cũng có được, cho nên điều quan trọng nhất là ngay từ bây giờ phải vạch ra được cho bản thân một kế hoạch, định hướng tương lai rõ ràng. Quãng thời gian chuyển tiếp của các bạn rất ngắn, chỉ từ hai tới ba năm thôi, chính vì vậy hãy xác định thật rõ mục tiêu của bản thân mình cũng như tìm hiểu những gì cần làm để đạt được mục tiêu đó, đừng để hai năm chuyển tiếp của các bạn trôi qua vô nghĩa. Những gì mà Bộ phận Chuyển tiếp của OISP cung cấp cho các bạn chỉ là những yếu tố căn bản, hãy tự mình tìm hiểu thêm về đất nước, thành phố, ngôi trường các bạn sắp đến. Và nếu được hãy tìm sự trợ giúp tư vấn của các anh chị đi trước, các bạn sẽ không biết điều đó có ích như thế nào cho đến khi các bạn ở đây đâu.
Bài: QUÝ MINH – Hình: ANH NHẬT