Thành lập RD-SEAI, thúc đẩy cơ hội tiếp cận thị trường Nhật cho SV Bách khoa

RD-SEAI là trung tâm nghiên cứu phát triển phần mềm & trí tuệ nhân tạo do Công ty CP IVS hợp tác xây dựng và vận hành cùng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM). Buổi ký kết vừa diễn ra vào sáng 12/10/2023 tại Trường ĐH Bách khoa.

Trung tâm RD-SEAI sẽ là nơi kết hợp nghiên cứu và phát triển giữa doanh nghiệp và nhà trường, thực hiện dự báo nhu cầu thị trường, nhận sinh viên thực tập, đào tạo các kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Nhật Bản.

Tập thể đoàn đại biểu chụp hình tại lễ ký kết RD-SEAI
Quang cảnh buổi ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Bách khoa và Công ty CP IVS.

Dự án được triển khai từ năm 2023-2028, chia thành ba giai đoạn với các hoạch địch, sản phẩm đầu ra cụ thể như IBK-Job (hệ thống dịch vụ trọn gói đào tạo, định hướng và giới thiệu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp), IBK-Cyber (hệ thống bảo đảm an toàn thông tin cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 27001 và ISO 27002), IBK-EDX (bộ công cụ phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp), IBK-SocialListening (hệ thống theo dõi, lắng nghe, phân tích mạng xã hội nhằm cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp), IBK-LegalBot (phần mềm tự động giải đáp, cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp). Cùng với đó là các gói tài trợ nghiên cứu khoa học và học bổng từ IVS cho nhà trường và sinh viên trị giá từ 500 triệu – 1 tỷ đồng ứng với từng giai đoạn.

IVS là một trong những công ty có vốn đầu tư 100% từ Nhật Bản lớn nhất tại TP.HCM trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều lãnh đạo của công ty tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa và mong muốn thông qua dự án hợp tác này có thể đóng góp trở lại cho trường cũ. Ông Phạm Thanh Hữu – Tổng Giám đốc Điều hành IVS, kỳ vọng dự án RD-SEAI sớm đi vào hoạt động để hỗ trợ các thế hệ sinh viên phát triển nghề nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường.

Ông Asai Takashi – Tổng Giám đốc IVS, chia sẻ rằng từ những năm 2000, ông đã đồng hành cùng các sinh viên kỹ thuật, mở lớp dạy tiếng Nhật và sau đó gởi các sinh viên có năng lực Nhật ngữ tốt sang Nhật làm việc. Ngày nay, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam – đây là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam. Rất nhiều kỹ sư người Việt đã lựa chọn doanh nghiệp Nhật làm nơi để đầu quân cho sự nghiệp. Qua nhiều năm làm việc cùng các cộng sự người Việt, ông Asai đánh giá cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, thái độ và năng lực ngoại ngữ của các kỹ sư tốt nghiệp từ Bách khoa. Đó cũng là một trong số các lý do thúc đẩy IVS xúc tiến dự án RD-SEAI với Trường ĐH Bách khoa.

Gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là xu hướng chung của thế giới hiện nay. Trong đó, gắn kết thông qua hợp tác nghiên cứu là quan trọng nhất vì nó hướng tới lợi ích chung của hai bên: kết quả nghiên cứu của trường đại học được chuyển giao và đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.

Buổi gặp gỡ, ký kết thỏa thuận còn vinh dự đón tiếp ông Masuo Ono – Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cùng các vị khách quý khác. Phía Bách khoa có PGS. TS. Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng lãnh đạo một số đơn vị.

Trường ĐHBK & IVS ký kết hợp tác.
Đại diện Bách khoa và IVS ký kết hợp tác.

Tại buổi làm việc, PGS. TS. Phạm Trần Vũ – Trưởng Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính, bày tỏ niềm cảm kích trước sự quan tâm của doanh nghiệp và sẵn lòng hợp tác cùng các bên để tạo nên môi trường cho sinh viên thực tập. TS. Vũ nhấn mạnh về việc dự án cần được thực hiện theo các giai đoạn để đảm bảo tính chắc chắn, hiệu quả và đúng hạn.

Dịp này, đoàn khách tham dự cũng có cơ hội tham quan Trường ĐH Bách khoa, Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính và Văn phòng Đào tạo Quốc tế. Tại đây, đoàn ghé qua lớp học thực tế tại Phòng Thực hành An ninh mạng & Phòng Tính toán hiệu năng cao.

SV Bách khoa khối Nhật ngữ chụp hình cùng đoàn giao lưu tại lớp tiếng Nhật
và giao lưu, chụp hình lưu niệm cùng các sinh viên Bách khoa trong lớp tiếng Nhật N2.

Tin: TÚ TÚ – Hình: KHUYÊN TRẦN

Bài trước