Bạn có thể đăng ký một khóa học ngắn hạn hoặc học lên thạc sỹ, tiến sỹ để gia hạn thị thực du học Úc sau khi kết thúc khóa học hiện tại.
5 bước gia hạn thị thực du học Úc
Việc tiếp tục theo đuổi chương trình Sau Đại học ở Úc có thể mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, nâng cao trình độ tiếng Anh cũng như tô điểm CV của bạn. Không chỉ dừng lại ở đó, điều này còn cho phép sinh viên quốc tế có thêm nhiều thời gian để học tập, sinh sống, du lịch và kết bạn ở xứ sở chuột túi.
Muốn ở lại Úc một cách hợp pháp, bạn cần gia hạn thị thực du học Úc ngay khi bắt đầu một khóa học mới. Hãy đảm bảo rằng bạn đã lên kế hoạch chuẩn bị và nộp hồ sơ gia hạn khoảng bốn tháng trước khi thị thực hiện tại hết hạn.
1. xác định khóa học mong muốn
Trước khi theo đuổi lĩnh vực nào đó, bạn cần tìm hiểu về các tổ chức nghiên cứu/ trường đại học đào tạo ngành này và lợi ích của mỗi khóa học. Thử cân nhắc xem bạn có muốn đổi trường, thậm chí học tập ở một thành phố khác của Úc không?
Nếu dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, bạn có thể thử sức với một khóa học ngắn hạn. Hoặc nếu chắc chắn bổ sung một chuyên môn mới, bạn có thể lấy bằng đại học thứ hai. Khi quyết định bắt đầu một khóa học ngắn hạn, hãy chắc chắn rằng khóa học đó đến từ một nhà cung cấp đã đăng ký CRICOS để tuân thủ các điều kiện thị thực.
Đa số trường đại học ở Úc đều cung cấp cho người học nhiều lựa chọn để hoàn thành năm Danh dự (Honours). Cụ thể, nếu đang theo học chương trình Cử nhân ba năm, bạn cần thêm một năm để thực hiện dự án nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Nếu theo học chương trình Cử nhân bốn năm, bạn phải duy trì thành tích học tập thật tốt.
Là bằng cấp được đánh giá cao, bằng thạc sỹ đòi hỏi người học nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đã chọn thông qua các khóa học tương ứng hoặc những dự án nghiên cứu nhất định. Bên cạnh đó, một số ngành có khả năng học lên tiến sỹ sau khi tốt nghiệp với Bằng Danh dự (Honours) và Thạc sĩ nghiên cứu, hoặc kết hợp cả bằng cấp lẫn kinh nghiệm làm việc liên quan.
Nhìn chung, các chương trình Sau Đại học hầu như rất khác nhau tùy theo từng đơn vị đào tạo. Mỗi khóa học sở hữu một số ưu và nhược điểm riêng. Bạn cần nghiên cứu thông tin kỹ lưỡng để tìm ra được khóa học và ngôi trường phù hợp nhất với mục tiêu tương lai cũng như nhu cầu hiện tại của bạn.
2. Chuẩn bị Tài liệu
Trước khi nộp đơn gia hạn thị thực du học Úc, bạn hãy thu thập tất cả tài liệu liên quan. Đối với phần lớn sinh viên, hồ sơ bao gồm thư:
- Xác nhận nhập học (CoE) mới từ cơ sở giáo dục nơi bạn sẽ hoàn thành chương trình tiếp theo
- Bảo hiểm Y tế Du học sinh (OSHC) đảm bảo chi trả chi phí khám chữa bệnh cho đến khi hết hạn thị thực sinh viên mới
- Hộ chiếu
- Thư trình bày mục đích du học chính đáng (Genuine Temporary Entrant statement)
- Minh chứng về nguồn tài chính để hỗ trợ việc học tập và sinh hoạt tại Úc
Công cụ Danh sách Kiểm tra Tài liệu của Chính phủ Úc (Document Checklist Tool) sẽ giúp bạn kiểm tra những loại giấy tờ cần đính kèm trong đơn xin gia hạn thị thực.
3. Hỏi xin ý kiến từ những người có kinh nghiệm
Nếu gặp phải khó khăn trong quá trình gia hạn thị thực du học Úc, bạn có thể nhờ những người đi trước (anh chị khóa trên, người/ dịch vụ trước đây đã giúp bạn xin thị thực lần đầu) hướng dẫn và hỗ trợ.
4. Nộp đơn trực tuyến
Khi đã chuẩn bị xong mọi tài liệu được yêu cầu, bạn sẽ khai báo và gửi đơn trực tuyến đến Bộ Nội vụ. Bạn có thể tự gửi hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm. Nếu nộp đơn ở Úc, bạn sẽ được cấp thị thực Bridging Visa A (BVA). Loại thị thực này có hiệu lực khi thị thực sinh viên hiện tại của bạn hết hạn (nghĩa là nó cho phép bạn ở lại Úc cho đến khi thị thực gia hạn mới của bạn được cấp).
5. Nhận thị thực du học Úc mới
Bộ Nội vụ sẽ gửi một thư xác nhận cùng bản sao thị thực Bridging Visa A qua email ngay sau khi bạn nộp đơn. Bạn cần kiểm tra mục Health Assessment trong ImmiAccount và địa chỉ email của mình thường xuyên để cập nhật đầy đủ thông báo từ Bộ Nội vụ về việc bạn có cần kiểm tra sức khỏe hoặc cung cấp tài liệu bổ sung trong thời gian thị thực của bạn đang được xem xét hay không.
Bộ Nội vụ sẽ gửi thị thực du học Úc mới qua email nếu yêu cầu của bạn được chấp thuận. Giờ đây, bạn đã sẵn sàng bắt đầu chuyến du học tiếp theo của mình tại xứ sở chuột túi rồi đấy!
Biên dịch: BÍCH HẰNG – Nguồn: Insider Guides