Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Cùng Bách khoa du học an toàn thời COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu thì chương trình Chuyển tiếp Quốc tế của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) là sự lựa chọn tối ưu cho các thí sinh có dự tính du học nước ngoài.

CHƯƠNG TRÌNH UY TÍN LÂU ĐỜI

Phái đoàn Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) sang thăm sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế đang học tập tại ĐH đối tác – University of Illinois Springfield, Mỹ. Phái đoàn bao gồm: PGS. TS. Mai Thanh Phong (thứ ba từ phải qua) – Hiệu trưởng nhà trường, PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo (bìa phải) – Phó Hiệu trưởng, TS. Đặng Đăng Tùng (bìa trái) – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế.

Là một trong những chương trình bán du học được khai sinh sớm nhất, từ năm 1992, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (tiền thân là chương trình Liên kết Quốc tế) của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã chính thức vận hành trên cơ sở hợp tác cùng ĐH Tasmania (Úc).

Trải qua gần 30 năm phát triển, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế được nhà trường xem là một trong những hoạt động đào tạo trọng tâm trong chiến lược quốc tế hóa chương trình đào tạo, hội nhập quốc tế sâu rộng. Qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh của Trường ĐH Bách khoa, gia tăng kết nối học thuật với các ĐH hàng đầu thế giới.

Đến nay, Trường ĐH Bách khoa mở rộng hợp tác với nhiều ĐH danh tiếng trên thế giới như ĐH Queensland, ĐH Adelaide, ĐH Macquarie, ĐH Công nghệ Sydney, ĐH Griffith, ĐH Wollongong (Úc), ĐH Otago (New Zealand), ĐH Công nghệ Nagaoka (Nhật).

Ngành đào tạo vì thế cũng trở nên đa dạng: Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Dầu khí, Kỹ thuật Hóa học, Công nghệ Thực phẩm, Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Công nghiệp, v.v. Đây đều là những ngành đào tạo có thế mạnh của cả Trường ĐH Bách khoa và các ĐH đối tác.

Sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế có nhiều cơ hội học tập ở bậc Sau ĐH tại nước ngoài với nhiều học bổng và chương trình hỗ trợ từ trường đối tác. Đặc biệt, có một số dạng học bổng của các ĐH nước ngoài vốn chỉ dành cho sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế với giá trị có thể lên tới 25-30% học phí.

Nhiều thế hệ tốt nghiệp chương trình Chuyển tiếp Quốc tế đã gặt hái thành công trên con đường học tập sau đại học, nghiên cứu và làm việc tại Úc, Mỹ.

Điển hình có thể kể đến như: Trần Huỳnh Minh Tuấn – cựu sinh viên khóa 2014 ngành Kỹ thuật Dầu khí, tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Adelaide (Úc), đạt giải thưởng “Sinh viên quốc tế xuất sắc nhất Bang Nam Úc năm 2018”; Lê Khánh Nhân – cựu sinh viên khóa 2013 ngành Quản lý Công nghiệp, tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Illinois Springfield (Mỹ), hiện là chuyên gia phân tích ngân sách cho Văn phòng Quản lý & Ngân sách thành phố Springfield; Trịnh Trần Mai Kim Hoàng – cựu sinh viên khóa 2012 ngành Kỹ thuật Xây dựng, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa năm học 2013-2014, tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Griffith (Úc), hiện đang làm việc tại Úc.

Trần Huỳnh Minh Tuấn – cựu sinh viên khóa 2014 ngành Kỹ thuật Dầu khí, tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Adelaide (Úc), đạt giải thưởng “Sinh viên quốc tế xuất sắc nhất Bang Nam Úc năm 2018”. – Hình: OISP

PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN HIỆN ĐẠI, LINH HOẠT

Trước tình hình COVID-19 diễn tiến phức tạp, từ cuối năm 2020, Trường ĐH Bách khoa đã chủ động đổi mới phương thức xét tuyển dành riêng cho chương trình này. Theo đó, thí sinh dự tuyển chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sẽ xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn cùng kết quả học tập và thi tốt nghiệp THPT (còn được gọi là phương thức xét tuyển số 6).

Thông qua phỏng vấn, nhà trường thấy được tính sẵn sàng cũng như sự cam kết của thí sinh đối với việc du học; đồng thời mở rộng các phương thức xét tuyển nhằm đáp ứng tính đa dạng của người học cũng như gia tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh có năng lực.

Quá trình phỏng vấn diễn ra bằng song ngữ Việt – Anh. Trọng số điểm dành cho kết quả học tập và thi tốt nghiệp THPT là 70%, kết quả phỏng vấn là 30%. Chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển này chiếm khoảng 1-5% tổng chỉ tiêu.

TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế (Trường ĐH Bách khoa), đơn vị vận hành chương trình Chuyển tiếp Quốc tế – cho hay: “Mục tiêu lâu dài của nhà trường là dù COVID-19 không còn nữa thì chương trình Chuyển tiếp Quốc tế vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của những thí sinh muốn học chương trình quốc tế và có nguyện vọng du học”.

Thí sinh tham gia phỏng vấn (trực tuyến) xét tuyển đợt 1 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế vào ngáy 18/6/2021. – Hình: OISP

ĐỒNG HÀNH CÙNG SINH VIÊN TRONG MÙA DỊCH

Trên thực tế, sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế vẫn du học an toàn và hiệu quả nhờ những hỗ trợ từ Trường ĐH Bách khoa và các ĐH đối tác.

Mỗi năm, Trường ĐH Bách khoa hỗ trợ trung bình 50-60 sinh viên chuyển tiếp du học. Từ đầu năm 2021 tới nay đã có 16 sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế hoàn tất thủ tục chuyển tiếp và đang học trực tuyến chương trình ĐH đối tác tại Việt Nam.

“Trường ĐH Bách khoa và các ĐH đối tác luôn đồng hành cùng sinh viên trong giai đoạn du học để các em có thể an tâm học tập, đạt kết quả tốt nhất, đảm bảo kiến thức và tiến độ đào tạo sau khi các nước mở cửa trở lại” – ThS. Hoàng Lê Vân Anh, Phó Trưởng Bộ phận Chuyển tiếp, Văn phòng Đào tạo Quốc tế, chia sẻ.

Trong thời gian chưa sang ĐH đối tác, sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế học trực tuyến tại Việt Nam trên nền tảng học trực tuyến của từng trường. Các lớp học trực tuyến được thiết kế như lớp học trực tiếp, sinh viên học theo khung giờ địa phương của ĐH đối tác hoặc xem lại các video được quay trực tiếp tại lớp học. ĐH đối tác sẽ có những buổi học tăng cường (tutorial) và thực hành giả lập dựa trên các ứng dụng mô phỏng do trường đối tác cung cấp.

Thu hút phân khúc thí sinh dự kiến du học, giúp các em không bị gián đoạn việc học, tổ chức đào tạo chất lượng, xây dựng chính sách học chuyển tiếp dễ dàng, việc này không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn mà còn là cơ hội để các trường khẳng định uy tín, thương hiệu.

“Tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) luôn sẵn sàng hỗ trợ và bảo đảm chất lượng cho sinh viên du học trong giai đoạn “bình thường mới”, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để thí sinh có dự tính du học nước ngoài gửi trọn niềm tin và hành trang hội nhập quốc tế trong tương lai.

Sinh viên Bách khoa Quốc tế nhận bằng tốt nghiệp tại trường đối tác Nhật – ĐH Kanazawa. – Hình: OISP
Thí sinh có nguyện vọng dự tuyển chương trình Chuyển tiếp Quốc tế vui lòng nộp hồ sơ xét tuyển qua e-mail đến hết 15/7 để được sắp lịch phỏng vấn từ 20-23/7. Kết quả trúng tuyển sẽ được công bố trước 3/8. Thông tin chi tiết tại ĐÂY.

Liên hệ tư vấn
Văn phòng Đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

Bài trước

Bài tiếp