Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Du học sinh vừa học vừa làm: lợi và hại

Công việc làm thêm giúp du học sinh tích lũy kinh nghiệm, tự trang trải cuộc sống, song cũng sẽ ảnh hưởng tới việc học nếu bạn không biết cách quản lý thời gian, cân bằng giữa học và làm.

Việc làm thêm sẽ phát huy lợi ích hay tác động tiêu cực tùy thuộc vào kỹ năng cân bằng giữa học và làm của du học sinh.

Một trong những lợi thế lớn nhất của việc vừa học vừa làm là giúp du học sinh có thêm nguồn thu nhập. Ngay cả khi bạn có học bổng thì việc đi làm thêm có thể giúp bạn cải thiện mức sống, hỗ trợ cho một số kế hoạch nhỏ hay tích lũy tài chính cho những dự định tương lai. Bên cạnh đó, du học sinh có thêm một khoản để dành cho việc đi du lịch, khám phá thêm nhiều vùng đất mới, tăng vốn sống và trải nghiệm văn hóa ở nước sở tại.

Kinh nghiệm có được từ việc làm thêm sẽ là điểm cộng trong hồ sơ ứng tuyển việc làm của bạn sau này. Thông qua đó, nhà tuyển dụng thấy được bạn là người có khả năng thích ứng tốt, có kinh nghiệm làm việc, có khả năng quản lý thời gian tốt để cân bằng giữa học và làm.

Công việc bán thời gian cũng là một cách để sinh viên có thể gặp gỡ những người mới, mở rộng kết nối và tầm nhìn. Nếu bạn đang học một ngôn ngữ mới khi đi du học thì việc đi làm thêm còn là một cách tốt để thực hành ngôn ngữ, tìm hiểu và hòa nhập nhanh vào môi trường bản xứ.

Nhờ đi làm thêm mà bạn có cơ hội khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân hoặc những điểm còn thiếu sót để tự điều chỉnh, học hỏi và hoàn thiện bản thân.

Một khi đã đi làm, bạn sẽ thực sự hiểu được giá trị và biết quý trọng đồng tiền mà ba mẹ đã phải vất vả làm ra để lo cho mình ăn học. Nhờ đó, bạn biết lên kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý hơn.

Song song với những ưu điểm nêu trên, việc vừa học vừa làm cũng có thể đem tới một số trở ngại sau đây nếu du học sinh chưa biết cách quản lý thời gian hiệu quả hoặc chưa thể chịu được cường độ công việc cao.

  • Một khi dành quá nhiều thời gian cho việc đi làm thêm thì du học sinh sẽ phải đánh đổi bằng thời lượng ít hơn cho việc học tập cũng như nghỉ ngơi. Mệt mỏi, thiếu sự chuẩn bị cho các hoạt động học tập có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập ở trường.
  • Một số công việc chưa phù hợp với trình độ học vấn của du học sinh có thể gây ra sự căng thẳng, thậm chí dẫn đến chán nản, suy nghĩ tiêu cực trong việc học hoặc tìm kiếm công việc sau khi ra trường.
  • Nguy cơ mắc vào cạm bẫy lừa đảo của các cơ sở môi giới việc làm không đàng hoàng.
  • Bên cạnh đó, sự thiếu sự tìm hiểu về quy định làm việc dành cho du học sinh ở nước sở tại có thể dẫn tới vi phạm luật lao động và ảnh hưởng đến thời hạn visa cũng như việc học của du học sinh.
  • Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, sinh viên làm việc nhiều hơn 20 tiếng/tuần có điểm trung bình học tập tích lũy (GPA) thấp hơn (2,95/4,0) so với nhóm sinh viên làm việc ít hơn 20 tiếng/tuần (3,13).

Tóm lại, nếu bạn có kỹ năng quản lý thời gian tốt thì công việc bán thời gian sẽ giúp bạn tích góp kinh nghiệm cho công việc tương lai. Và hãy luôn nhớ rằng sức khỏe của bạn là trên hết và việc học là quan trọng nhất đối với bạn lúc này nhé.

LINH LÊ tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp