Tản mạn về mối tương quan trong tập quán đón xuân Nhật – Việt

Khác với người Việt, người Nhật ăn tết theo phương Tây. Mùng Một năm mới của Nhật Bản chính là ngày 1/1 Dương lịch hàng năm. Tuy không giống nhau về thời điểm đón chào xuân mới nhưng Tết Nhật vẫn có khá nhiều phong tục, tập quán tương đồng với Tết Việt.

1. DỌN NHÀ CUỐI NĂM (OOSOUJI)

Dọn dẹp nhà cửa vốn là công việc quen thuộc thường ngày. Tuy nhiên, dọn nhà cuối năm lại mang ý nghĩa tinh thần đặc biệt. Theo quan niệm của cả người Việt lẫn người Nhật, hoạt động này giúp loại bỏ những điều xui xẻo, rủi ro của năm cũ để hân hoan đón chào một năm mới tốt lành, hạnh phúc. Nếu như người Việt tất bật lau chùi nhà cửa trước đêm Giao thừa Âm lịch thì người Nhật cũng có truyền thống tổng vệ sinh ngôi nhà – tống tiễn điềm gở của năm cũ (oosouji).

Người Nhật tin rằng Tết là dịp Lão thần (vị thần năm mới) ghé thăm từng nhà. Vì vậy, nhà cửa phải luôn sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng để tỏ rõ lòng thành với thần linh. Xưa kia, người dân xứ sở mặt trời mọc tổng vệ sinh nhà cửa vào ngày 13/12 (susuharai). Thế nhưng, vì dòng chảy hối hả của cuộc sống, họ ngày càng trở nên bận rộn và từ từ dời việc dọn dẹp vào ngày cuối cùng của năm cũ, tức ngày 31/12.

2. TRANG TRÍ TẾT (OSHOUGATSU KAZARI)

Khi trang hoàng nhà cửa đón Tết, người Nhật thường lựa chọn phong cách tối giản cùng gam màu thanh nhã, đồng thời chú trọng ý nghĩa biểu tượng của đồ vật trang trí hơn màu sắc hay kiểu dáng. Họ thường trưng bày:

  • kadomastu (loại đồ trang trí được đặt trước cửa nhà, làm từ cây thông hoặc cây tùng, tượng trưng cho sức mạnh và sự vững chãi)
  • shimenawa (vòng trang trí hình tròn treo trước nhà, được bện bằng dây thừng, tượng trưng cho lá bùa hộ mệnh của gia chủ và là biểu tượng nghênh đón thần linh)
  • kagami mochi (tổ hợp gồm 2 bánh dày hình tròn, một bánh lớn, một bánh nhỏ xếp chồng lên nhau; phía trên cùng là một trái cam, hiện thân của sự sung túc, đủ đầy và ước vọng về một năm mới mùa màng bội thu)

Trong khi đó, người Việt lại ưa chuộng phong cách trang trí sống động. Tết Việt luôn ấn tượng và thân thương với hai tông màu chủ đạo: đỏ thắm (câu đối, bao lì xì…) hay vàng rực (hộp mứt, bông mai…), cũng như điểm xuyết chút sắc hồng duyên dáng của những nhánh đào e ấp.

3. ĐI LỄ CHÙA ĐẦU NĂM (HATSUMOUDE)

Nếu như ở Việt Nam, trong những ngày đầu năm, nam thanh nữ tú thường đi lễ chùa, thắp nhang dâng cỗ cầu mong một năm mới suôn sẻ, bình an thì người Nhật cũng có phong tục xuất hành đầu năm ngay khi đồng hồ điểm đúng khoảnh khắc Giao thừa.

Trong không khí khôi nguyên của ngày Mùng Một, nam – phụ – lão – ấu vận kimono chỉnh tề để đi lễ Phật ở chùa (otera) hoặc lễ thần ở đền thờ Thần đạo (jinja). Tại những đền chùa nổi tiếng, dòng người đông đúc kéo dài tưởng như bất tận đã trở thành khung cảnh quen thuộc khi tiếng chuông báo hiệu năm mới ngân vang giữa không gian linh thiêng, u tịch.

4. MÓN ĂN NGÀY TẾT (OSECHI)

Theo quan niệm truyền thống tại xứ sở mặt trời mọc, từ mùng Một tới mùng Ba Tết, các vị thần linh sẽ ghé thăm nhà bạn, trong đó có căn bếp. Vì vậy, để duy trì không gian tôn kính, gọn gàng, người Nhật sẽ hạn chế nấu nướng trong những ngày này. Đây chính là nguồn gốc ra đời của osechi (mâm thức ăn hoành tráng, cầu kỳ, gói gọn trăm vạn vị ngon để bạn thỏa thích thưởng thức suốt ba ngày đầu năm).

Những loại cao lương mỹ vị tới từ nhiều vùng miền khác nhau sẽ được trân trọng bài trí trong một khay đựng lộng lẫy được làm bằng chất liệu sơn mài. Khay có nhiều ngăn nhỏ. Mỗi ngăn đựng một món ngon mang sắc màu tươi tắn. Ngoài ra, người ta thường xếp chồng nhiều osechi lên nhau để bảo quản được nhiều món ăn hơn.

Trước đây, các bà nội trợ Nhật Bản thường dành ra rất nhiều tâm sức để chế biến những phần osechi hoàn hảo vào đêm Giao thừa. Tuy nhiên, ngày nay, phụ nữ Nhật Bản đã tiết kiệm thời gian nấu nướng bằng cách đặt trước những khay osechi ưng ý từ các nhà hàng, khách sạn địa phương. Giá thành mỗi khay phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu, hương vị món ăn và danh tiếng thương hiệu, dao động trong khoảng dao động từ 10.000-100.000 yên (tương đương 2-20 triệu đồng).

Tương tự, mâm cỗ Tết ở Việt Nam cũng thịnh soạn và đầy đủ hơn hẳn ngày thường. Được các bà, các mẹ dày công chuẩn bị từ sớm, mâm đồ cúng gia tiên thường bao gồm bánh tét, canh khổ qua, thịt kho tàu (ở miền Nam) hay bánh chưng, canh bóng thả, thịt đông (ở miền Bắc).

5. LÌ XÌ (OTOSHIDAMA)

Lì xì đầu năm là một trong những phong tục phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á. Ở Nhật Bản lẫn Việt Nam, truyền thống tốt đẹp này vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho tới tận ngày nay. Trẻ con, người nhỏ tuổi hơn, nhân viên công ty sẽ được người lớn, họ hàng hoặc cấp trên lì xì mừng tuổi mỗi dịp Tết đến xuân về. Người được mừng tuổi sẽ nói lời cảm ơn, đồng thời chúc lại người mừng tuổi những điều may mắn, tốt lành nhất trong năm mới. Thông thường, tờ tiền sẽ được được gấp làm ba, theo chiều dọc, từ trái qua phải. Người Nhật tránh gấp thành bốn vì âm Hán của từ “bốn” là “shi”, đồng âm với từ “tử”.

6. KHAI BÚT ĐẦU XUÂN (KAKIZOME)

Cứ mỗi độ xuân về, hình ảnh ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ/ trên phố đông người qua” lại gợi lên biết bao kỷ niệm thân thương trong tâm khảm hàng triệu người con đất Việt. Khi sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, chúng ta sẽ không thể tìm thấy những ông đồ tỉ mỉ ngồi viết thư pháp theo yêu cầu của khách hàng trên con phố xuân nhộn nhịp. Người dân xứ sở mặt trời mọc khai bút tân niên bằng cách tự viết Hán tự hoặc vẽ ra hình ảnh yêu thích của bản thân vào ngày 2/1 hàng năm. Họ thường dùng giấy viết chuyên dụng của bộ môn thư pháp.

Bài: THANH QUỲNH – Hình: Google Images

Bài trước

Bài tiếp