Bảo hiểm y tế du học (OSHC) là một phần không thể thiếu khi các du học sinh đặt chân đến Úc. Vậy OSHC là gì mà du học sinh Úc nào cũng cần phải có?
OSHC là gì?
OSHC (Overseas Student Health Cover) là loại hình bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của chính phủ Úc dành cho sinh viên quốc tế trước khi đến Úc.
OSHC giúp du học sinh trang trải những khoản chi phí chăm sóc y tế bao gồm viện phí, chi phí khám chữa bệnh, chi phí dược phẩm, dịch vụ xe cứu thương cùng nhiều dịch vụ cứu trợ khẩn cấp (khi cần thiết) trong thời gian sinh sống và học tập tại Úc.
Tại sao Chính phủ Úc lại yêu cầu du học sinh phải có OSHC?
- OSHC là một trong những điều kiện BẮT BUỘC để được cấp thị thực (visa) du học Úc. Thông thường, khi nhận giấy báo nhập học từ trường đại học tại Úc, sinh viên sẽ được gửi kèm yêu cầu mua OSHC cho đủ số năm mà sinh viên theo học.
- Theo điều kiện 8501 đối với visa du học, Bộ Nội vụ Úc yêu cầu sinh viên quốc tế phải duy trì OSHC trong suốt thời gian học tại Úc, bao gồm toàn bộ thời gian khóa học và khoảng thời gian duy trì hợp lý sau ngày kết thúc dự kiến của khóa học cuối cùng. Nếu không, sinh viên sẽ bị hủy visa.
- Tại Úc, vì du học sinh không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ Medicare (hệ thống bảo hiểm y tế cộng đồng cho công dân Úc) nên chi phí điều trị y tế (nếu có) sẽ rất tốn kém. Việc điều trị ở bệnh viện có thể tiêu tốn trên 1.500 AUD/ngày. Do đó, OSHC sẽ bảo đảm du học sinh được phép tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp mà không bị rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.
Du học sinh phải mua bảo hiểm OSHC ở đâu?
- Mua trực tiếp qua trường Đại học ở Úc
- Mua qua các trung tâm tư vấn du học
- Mua tại những công ty là nhà đại diện của các công ty bảo hiểm Úc ở Việt Nam: Annalink là đại diện chính thức và duy nhất của OSHC students (Australia) tại Việt Nam, chuyên cung cấp và hỗ trợ các dịch vụ dành cho du học sinh tại nước ngoài, trong đó có OSHC.
Đa phần các trường đại học Úc sẽ liên kết với một hãng bảo hiểm nhất định để dễ dàng hỗ trợ sinh viên quốc tế. Một số hãng bảo hiểm cũng có văn phòng đại diện ngay tại những trường đại học lớn. Allianz, AHM, Medibank, Bupa, Nib… là những công ty bảo hiểm được Chính phủ Liên bang Úc phê duyệt để cung cấp bảo hiểm OSHC cho các du học sinh khi học tập và sinh sống tại Úc.
Mua OSHC như thế nào để đảm bảo toàn bộ thời gian học tại Úc?
Thời gian OSHC có hiệu lực phải sớm hơn ngày nhập học ít nhất 7 ngày. Riêng ngày kết thúc mua theo quy định sau:
– Khóa học dưới 10 tháng: Thời gian bảo hiểm = thời gian khóa học + 1 tháng
– Khóa học trên 10 tháng:
- Nếu kết thúc từ tháng 1 đến tháng 10 hàng năm: Thời gian bảo hiểm = thời gian khóa học + 2 tháng.
- Nếu kết thúc từ tháng 11 đến tháng 12 hàng năm: Thời gian bảo hiểm tính đến ngày 15/3 năm sau.
Những dịch vụ nào được OSHC chi trả?
OSHC cam kết cung cấp cho du học sinh các quyền lợi bảo hiểm tương tự lợi ích mà công dân Úc nhận được từ Medicare, cụ thể:
- Các dịch vụ y tế trong và ngoài bệnh viện
- Thăm khám và điều trị tại các bệnh viện công và tư
- Các dịch vụ cứu thương
- Thuốc theo toa
- Bệnh lý học
- Chụp X quang
- Phẫu thuật cấy ghép bộ phận giả
Những dịch vụ nào không được OSHC chi trả?
Một số các dịch vụ không được OSHC chi trả, cụ thể như sau:
- Các chi phí điều trị nha khoa
- Chi phí nhãn khoa
- Những dịch vụ do bác sỹ vật lý trị liệu, chuyên gia nắn xương, chuyên gia nắn khớp, chuyên gia liệu pháp thiên nhiên cung cấp hoặc bất cứ dịch vụ đi kèm nào khác
- Các loại thuốc không được bác sĩ kê toa hoặc không nằm trong danh mục phí thuốc bác sĩ kê đơn (gọi là PBS – Pharmaceutical Benefits Scheme)
- Đồng thanh toán hoặc thanh toán phí chênh lệch so với danh mục phí khám chữa bệnh trong mỗi lần khám bệnh (gọi là MBS – Medicare Benefits Schedule)
- Các loại phí dịch vụ phát sinh do bác sĩ hoặc bệnh viện tính không bao gồm trong các quyền lợi mà chính sách bảo hiểm chi trả
Sử dụng OSHC như thế nào?
Hãy kiểm tra xem bạn đang dùng OSHC của hãng nào? Ví dụ, nếu dùng bảo hiểm Allianz, trước khi đi khám bạn nên tìm kiếm danh sách phòng khám, bệnh viện liên kết với Allianz. Nắm được số thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh (số thẻ thành viên hay còn gọi là policy number). Số này hiển thị trên OSHC của bạn. Ngoài ra, hãy tải ứng dụng trên điện thoại của OSHC mà bạn đang sử dụng để tận dụng mọi dịch vụ khám chữa bệnh hay đặt lịch hẹn… một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Tại Úc, du học sinh đi khám bệnh và điều trị bệnh tại phòng khám tư nhân, bệnh viên công hay bệnh viện tư đều có thể phải trả gap fees mặc dù có OSHC. Vậy phí này là gì? Làm thế nào để hạn chế tối đa gap fees?
Trongchuyên ngành của bảo hiểm, thuật ngữ gap fees là chi phí bạn phải trả bằng tiền túi của mình (gọi tắt là gap)”. Bạn phải trả phí gap khi phí khám chữa bệnh/ loại thuốc kê đơn cao hơn mức phí mà Chính phủ Úc quy định trong:
+ Danh mục phí khám chữa bệnh trong mỗi lần khám bệnh (gọi là MBS – Medicare Benefits Schedule)
+ Danh mục phí thuốc bác sĩ kê đơn (gọi là PBS – Pharmaceutical Benefits Scheme)
Để hạn chế tối đa việc chi trả gap fees, du học sinh nên hỏi GP (General Practitioner – bác sĩ đa khoa) trước khi thanh toán chi phí khám bệnh. Thông báo tình trạng, điều kiện của mình để bác sĩ đề ra phác đồ khám – chữa bệnh phù hợp.
Giải đáp thắc mắc về OSHC mùa Covid-19
1. Em đã có visa Úc nhưng chưa thể tới Úc do lệnh hạn chế du lịch và đang học trực tuyến tại Việt Nam. Nếu em chưa tới Úc thì OSHC của em sẽ có hiệu lực như thế nào?
Trường hợp này, em cứ yên tâm ở lại Việt Nam tiếp tục học theo chương trình giảng dạy trực tuyến của trường đại học Úc. Khi được chính thức sang Úc, em hãy thông báo với hãng bảo hiểm thời điểm em khởi hành để được hỗ trợ điều chỉnh ngày bắt đầu và ngày kết thúc bảo hiểm theo thời gian mới. OSHC chỉ có hiệu lực khi du học sinh có mặt tại Úc.
Ngoài ra, trường hợp em là du học sinh đã có visa nhưng chưa từng đến Úc, em có thể tiến hành thủ tục hoàn lại (refund) đối với khoảng thời gian em chưa sử dụng OSHC tại Việt Nam khi bảo hiểm của em đã được điều chỉnh theo thời gian mới. Nhưng thời điểm hiện tại vì COVID-19, em chưa xác định được lịch bay đồng nghĩa với việc chưa biết bảo hiểm của mình dư ra bao nhiêu tháng. Vì vậy, em sẽ làm refund sau khi em chính thức sang Úc.
2. Khi em tới Úc, nếu khoảng thời gian ở Úc ít hơn thời gian gói bảo hiểm đã mua, em có được hoàn lại (refund) khoảng thời gian chưa sử dụng không? Em có thể làm refund vào thời điểm nào?
Có. Em sẽ được hoàn lại khoảng thời gian chưa sử dụng. Hãy liên lạc với hãng bảo hiểm để được hướng dẫn xin refund.
3. Em về Việt Nam khi bảo hiểm còn hạn, nếu em bị ốm đi khám hoặc nằm viện, em có được OSHC chi trả không?
OSHC chỉ chi trả khi em đi khám ở Úc và không chi trả ở phạm vi ngoài nước Úc. Do đó, em sẽ không được chi trả ở Việt Nam.
4. OSHC có hỗ trợ chi trả các chi phí điều trị, thuốc men nếu em không may mắc COVID-19 khi đang ở Úc không?
Du học sinh có thể lên website của các hãng, tìm và đặt lịch khám với GP (General Practitioner – bác sĩ đa khoa) tại những phòng khám có liên kết với hãng để được hỗ trợ tư vấn.
Đây là chủng virus mới mang tính chất toàn cầu và biến động theo từng thời điểm nên các hãng bảo hiểm sẽ cập nhật thêm thông tin và đưa ra những chính sách riêng cho từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, các hãng bảo hiểm khuyến cáo khách hàng liên hệ trực tiếp hotline của hãng trước khi đi khám COVID-19.
Biên dịch: BÍCH HẰNG
Nguồn: Private Health