Statement of Purpose (SoP), bài luận cá nhân, là một trong những chiếc chìa khóa thần kỳ giúp bạn mở ra cánh cổng du học mơ ước. Chính vì thế, đừng vì những lỗi sai không đáng mà đánh mất cơ hội quý giá nhé!
STATEMENT OF PURPOSE (SOP) LÀ GÌ?
SoP (Statement of Purpose) là bài luận thể hiện mục đích học tập bạn. Nó thường được yêu cầu gửi kèm hồ sơ nhập học vào các trường nước ngoài.
Nói cách khác, SoP là một bài tiểu luận ngắn giúp bạn giới thiệu bản thân trước Hội đồng tuyển sinh của nhà trường, thể hiện những điểm mạnh, thành tựu, mục tiêu hay nguyện vọng tương lai, từ đó thuyết phục họ rằng bạn xứng đáng học tập tại đó.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SOP?
SoP là phần duy nhất trong hồ sơ tuyển sinh mà bạn được toàn quyền quyết định. Người xét duyệt hồ sơ chưa bao giờ gặp bạn hay nghe bạn trình bày. Do đó, SoP nhằm giải thích lý do tại sao Hội đồng xét duyệt nên chọn bạn. Nhà trường muốn hiểu rõ về sinh viên, chứ không chỉ quyết định thông qua bằng cấp và bảng điểm của bạn.
Bài SoP mạch lạc, hoàn chỉnh giúp bạn gia tăng cơ hội được nhận vào ngôi trường mơ ước và thậm chí có khả năng bù lại một số điểm yếu trong hồ sơ dự tuyển (chẳng hạn điểm số chưa cao).
GỢI Ý NHỮNG NỘI DUNG CẦN TRÌNH BÀY TRONG SOP
Nếu chưa biết nên triển khai bài luận SoP như thế nào, bạn có thể tham khảo sườn bài sáu đoạn văn dưới đây:
- Đoạn thứ nhất: Giới thiệu ngắn gọn về bản thân (VD: tên, trường và ngành bạn đang theo đuổi, bạn là sinh viên năm thứ mấy…) và mục đích bạn viết SoP là gì (VD: xin nhập học vào trường đại học và ngành học nào đó…)
- Đoạn thứ hai: Nêu bật điểm thi đầu vào đại học của bạn hoặc điểm số trong quá trình học tập hiện tại của bạn (trong trường hợp bạn đạt điểm cao; nếu điểm thấp thì bạn hãy bỏ qua bước này). Viết về một môn học/ lĩnh vực hướng bạn tới khoá học tại quốc gia/ trường đại học mà bạn chọn, đồng thời giải thích sở thích cá nhân đã thôi thúc quyết định đó như thế nào
- Đoạn thứ ba: Viết về những dự án bạn đã thực hiện hoặc các cuộc thi bạn đã tham gia (nếu có) và giải thích rằng bạn học được gì từ những dự án/ cuộc thi đó
- Đoạn thứ tư (PHẦN QUAN TRỌNG NHẤT): Tại sao bạn lại chọn quốc gia đó và dự định của bạn sau khi tốt nghiệp là gì, tại sao bạn đăng ký khoá học/ trường đại học này. Hãy thể hiện niềm đam mê đối với ngành học, nêu rõ lý do bạn quan tâm đến ngành học mà bạn muốn apply. Chứng minh mức độ hứng thú với trường đại học mà bạn chọn qua các khía cạnh như: hoạt động nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, ưu điểm nổi bật của khoa/ bộ môn, chất lượng giảng dạy, uy tín của đội ngũ giảng viên, các dự án nhà trường đang triển khai…
- Đoạn thứ năm: Trình bày mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn. Bạn tưởng tượng bản thân mình sẽ ra sao trong những năm tới, kế hoạch học tập và định hướng nghề nghiệp của bạn như thế nào. Hãy cố gắng giải thích mạch lạc đoạn này. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét liệu bạn có được nhận hay không.
- Đoạn thứ sáu: Kết thúc bài luận bằng hai đến ba dòng thể hiện khả năng thích nghi và học tập tại trường đại học bạn chọn
>> Nguồn tham khảo: Essay Edge, Petersons, WES, Hotcourses
ĐỊNH DẠNG CHUẨN CỦA SOP
Khi viết SoP, nếu không nhận được yêu cầu đặc biệt nào từ Hội đồng tuyển sinh, bạn nên tuân thủ định dạng như sau:
- Font chữ Times New Roman
- Kích cỡ chữ 12
- Canh lề 1 inch cho 4 lề giấy
- Cách dòng 1.5
- Độ dài lý tưởng của SoP là 1 trang giấy A4, tối đa là 1 trang rưỡi, không hơn. Vì Hội đồng tuyển sinh các trường thường đọc rất nhiều bài luận trong mỗi đợt xét duyệt hồ sơ nên một bài SoP có độ dài vừa phải sẽ để lại ấn tượng tốt hơn.
7 “ĐỪNG” KHI VIẾT SOP
1. Đừng mở đầu bài luận một cách lan man
- Hạn chế kể về ước mơ thuở bé của mình (nếu bạn viết không khéo, bài viết có thể lan man, dài dòng)
- Không nên trích dẫn câu nói nổi tiếng (bạn chỉ nên trích dẫn những câu châm ngôn, câu nói nổi tiếng nếu nó thực sự truyền cảm hứng cho bạn)
2. Đừng viết về những thứ mà bạn nghĩ Hội đồng tuyển sinh muốn nghe
- Hãy xem bài luận là một cơ hội để bạn thể hiện giá trị sẵn có cũng như cái tôi độc đáo của chính mình. Đó là những điều giúp bạn trở nên khác biệt.
3. Đừng cố gắng viết văn hoa mỹ hay sử dụng quá nhiều từ ngữ học thuật
- Dùng ngôn ngữ cô đọng, chuyên nghiệp, đảm bảo giọng văn trang trọng, lịch sự
- Kiểm tra ngữ pháp và từ vựng kỹ càng
- Hành văn dễ hiểu, súc tích
- Kể lại câu chuyện và trải nghiệm của bản thân một cách đơn giản
- Trình bày rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn
- Tránh sử dụng tiếng lóng, từ viết tắt hoặc từ ngữ không đúng mực
4. Đừng quá “tâng bốc” thành tựu bạn đạt được, đặc biệt là điểm số
- Hãy lồng ghép thành tích của mình vào bài viết thật tế nhị, khéo léo
- Đừng quên giải thích rằng những thành tựu này đã thúc đẩy bạn tiến lên phía trước như thế nào
5. Đừng đưa ra những lý do và luận điểm chung chung
- Tìm hiểu thật kỹ về quốc gia, ngôi trường cũng như chuyên ngành mà bạn dự định học, qua đó khẳng định nguyên nhân/ mục đích khiến bạn cảm thấy đây là sự lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất của mình
- Thể hiện niềm đam mê mãnh liệt với ngành học
- Nêu bật lý do bạn quan tâm đến ngành học này
- Nhấn mạnh kế hoạch trong tương lai
- Tránh đề cập đến dự định làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia nào đó hay kiếm thật nhiều tiền sau khi tốt nghiệp
- Chú trọng mục tiêu cá nhân cũng như tập trung vào mức độ hứng thú đối với khoá học và trường đại học mà bạn lựa chọn
6. Đừng vượt quá giới hạn từ cho phép
- Hãy tuân thủ số từ quy định của trường (nếu có)
- Nếu nhà trường không đưa ra quy định cụ thể, hãy giới hạn bài luận của mình trong khoảng từ 500-1.000 từ, khoảng 1-1,5 trang A4 (bài luận quá dài sẽ không thu hút nhiều sự chú ý của người đọc)
7. Đừng làm bài luận một cách cẩu thả, vội vàng
- Để viết được bài luận đạt yêu cầu, bạn nên chủ động tìm kiếm thông tin, tham khảo cách viết và trau chuốt từng ý tưởng, câu chữ
- Thông thường, bạn cần ít nhất 1 tháng để hoàn thiện bài luận của mình
Tóm lại, bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để viết được một bài SoP chất lượng. Hãy kiểm tra bài viết nhiều lần trước khi nộp hồ sơ nhằm hạn chế tối đa những lỗi sai không đáng có nhé! Chúc các bạn thành công!
Liên hệ tư vấn Bộ phận Chuyển tiếp – Văn phòng Đào tạo Quốc tế Địa chỉ: P. 306, Nhà A4, Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM Điện thoại: (028) 7300.4183 (gặp Ms. Vân Anh/ Ms. Bích Hằng) Email: stu.transfer@oisp.edu.vn Website: https://oisp.hcmut.edu.vn/du-hoc |
Bài: BÍCH HẰNG