Du học trực tuyến thời COVID: Dễ hay khó?

Những dòng trải lòng dưới đây không hẳn là câu chuyện du học “tròn trịa” mà đơn thuần là đôi điều cảm nhận về khoảng thời gian đáng nhớ vừa qua của năm sinh viên Bách khoa – các “chiến binh” đang học tập trực tuyến tại Việt Nam trong mùa dịch COVID-19.

Hai mặt của vấn đề

Bạn Trần Minh Quânsinh viên K2017, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, đã chuyển tiếp sang Đại học Công nghệ Sydney (UTS, Úc), hiện đang học online tại Việt Nam – chia sẻ:

Như các bạn đều biết, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên du học sinh không thể sang Úc được. Đây là điều khá thiệt thòi đối với tụi mình. Thế nhưng, việc học online tại trường UTS đã mang đến cho mình một cách nhìn mới với nhiều trải nghiệm thú vị.

Đầu tiên, việc học online không chán kinh khủng như mình vẫn nghĩ. Mình cảm thấy đây hoàn toàn giống một tiết học bình thường tại Trường Đại học Bách khoa. Điểm thú vị ở chỗ, sinh viên có thể dễ dàng trao đổi 1-1 với giảng viên cũng như theo dõi nội dung bài học lẫn bài tập. Mình đánh giá rất cao điều này trong suốt quá trình học tập. Tiếp đó, học online vẫn có điểm danh đó nha! Giờ giấc tổ chức tiết học của UTS quy đổi ra thời gian ở Việt Nam rất hợp lý. Thông thường, các tiết học sẽ bắt đầu lúc 8 giờ sáng, 11 giờ trưa hay có khi là 5 giờ sáng.

Và tất nhiên, mình cũng gặp phải một vài khó khăn. Đối với mình, khó khăn lớn nhất chính là tiếng Anh. Bạn bè cùng lớp nói tiếng Anh siêu, siêu, siêu tốt và thảo luận với nhau vô cùng thoải mái. Đôi lúc, mình bị đơ ra vì không thể theo kịp. Nắm bắt điều này, trường UTS đã thành lập CLB HELPS với mục đích giúp sinh viên vượt qua trở ngại ngôn ngữ. Bật mí là CLB hoạt động hoàn toàn miễn phí. Và để đỡ bỡ ngỡ như mình, bạn nên cố gắng trau dồi tiếng Anh khi còn học ở Việt Nam nhé!

Không sinh viên nào bị bỏ lại

Bạn Đinh Thế Hùng sinh viên K2018, chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, đã chuyển tiếp sang Đại học Queensland (UQ, Úc), hiện đang học online tại Việt Nam tâm sự:

Hành trình “du học” ở Đại học Queensland qua hình thức online đã đem lại cho mình những trải nghiệm mới mẻ. Thấu hiểu khó khăn của sinh viên quốc tế trong giai đoạn này, nhà trường đã thường xuyên cập nhật thông tin cần thiết cùng thời gian dự kiến của từng sự kiện thông qua email.

Trong suốt quá trình học tập, các giáo sư và trợ giảng luôn tích cực hỗ trợ sinh viên tụi mình thông qua những buổi học TA online. Các thầy nhiệt tình trao đổi 1-1 với từng sinh viên hoặc hướng dẫn theo nhóm trên các diễn đàn khoa học.

Tuy vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế ở các môn yêu cầu thực hành/ triển khai dự án nhưng nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người học thực hành giả lập trên máy tính, học qua các video hướng dẫn và hoàn thành nhiều bài tập lớn. Mình đã học hỏi nhiều kiến thức bổ ích cũng như tích lũy thêm một số kỹ năng mới mẻ nhờ vào việc học tập và làm việc online ở Đại học Queensland.

Thích nghi với sự thay đổi

Bạn Nguyễn Gia Hưng – sinh viên K2018, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Hóa học, đã chuyển tiếp sang Đại học Adelaide (UoA, Úc), hiện đang học online tại Việt Nam – bộc bạch:

Qua 4 tháng học online, mình nghĩ rằng đây là một trải nghiệm khá thú vị. Tuy không được học tập trực tiếp tại Đại học Adelaide nhưng hình thức học tập và tương tác trực tuyến, mình đã rèn luyện đức tính chủ động trong mọi việc, từ việc lên kế hoạch, sắp xếp các chương trình học, gửi email cho giảng viên để hỏi bài đến tự tìm hiểu quyền lợi của bản thân khi theo học ở trường. Ngoài ra, mình còn học được cách giải quyết vấn đề và hợp tác với bạn bè cùng lớp khi làm việc nhóm online.

Luôn có ánh sáng ở cuối con đường

Bạn Võ Hoàng Thắng – sinh viên K2017, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, đã chuyển tiếp sang Đại học Macquarie (MQ, Úc), hiện đang học online tại Việt Nam – bày tỏ:

Vì dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường nên tụi mình phải ở học và thi trực tuyến tại nhà. Mình cảm thấy điều này đem lại rất nhiều lợi ích. Mình có thêm nhiều thời gian để học, có thể học mọi lúc mọi nơi cũng như coi lại bài giảng của thầy cô bất cứ lúc nào. Hơn nữa, việc học trực tuyến rất phù hợp với mình vì không gian học tập thoải mái, đồng thời, mình có thể dễ dàng trao đổi với giảng viên và bạn bè mà không cần ngần ngại như lúc đi học trên lớp.

Học online không khó

Bạn Trịnh Ngọc Minh Anh – sinh viên K2017, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế, ngành Kỹ thuật Hóa dược, đã chuyển tiếp sang Đại học Adelaide (UoA, Úc), hiện đang học online tại Việt Nam – nhận định:

Sau một học kỳ học online ở Việt Nam, mình cảm thấy việc học online không quá khó khăn như mình vẫn tưởng. Giảng viên bên Úc rất vui vẻ và thân thiện. Họ luôn cố gắng trả lời email của mình một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, mình gặp phải một số trở ngại khi phải tự học và thi online. Mình hy vọng nhà trường sẽ tổ chức nhiều buổi thảo luận online nhằm tăng cường sự tương tác giữa sinh viên với giảng viên cũng như giữa sinh viên và bạn bè cùng lớp.

Trong thời gian vừa qua, Bộ phận Chuyển tiếp của Văn phòng Đào tạo Quốc tế đã liên tục nhận được những phản hồi/ chia sẻ chân thực của các du học sinh về tình hình học tập trực tuyến ở Việt Nam. Cho dù bạn quyết định như thế nào, Bộ phận Chuyển tiếp vẫn luôn là hậu phương vững chắc, sẵn sàng kề vai sát cánh bên mọi sinh viên, giúp bạn kết nối với phía trường đối tác, cung cấp thông tin quan trọng cũng như sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ tư vấn
Bộ phận Chuyển tiếp – Văn phòng Đào tạo Quốc tế
Địa chỉ: P. 306, Nhà A4, Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 7300.4183 (gặp Ms. Vân Anh/ Ms. Bích Hằng)
Email: stu.transfer@oisp.edu.vn
Website: https://oisp.hcmut.edu.vn/du-hoc

Bài: BÍCH HẰNG

Bài trước

Bài tiếp