Cơ Kỹ thuật: nhờ liên ngành mà ứng dụng vạn năng

Là một ngành “lạ” không chỉ ở cái tên, Cơ Kỹ thuật còn độc đáo nhờ nền tảng học thuật liên ngành, có tính ứng dụng đa lĩnh vực: cơ khí, xây dựng, quân sự, y tế, khoa học sự sống, v.v.

Cơ Kỹ thuật: Nhờ tính liên ngành mà ứng dụng vạn năng
Kỹ sư Cơ Kỹ thuật đang tính toán mô phỏng kết cấu cơ học trên máy tính. – Hình: Google Images

LIÊN NGÀNH, XUYÊN NGÀNH: XU HƯỚNG MỚI CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trước đây, câu chuyện ngành và nghề được nhắc đến trong mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ: sinh viên tốt nghiệp ngành nào thì làm việc ở lĩnh vực nghề nghiệp đó. Vài năm trở lại đây, ranh giới “ngành – nghề” ngày càng mờ nhạt, xu hướng học ngành này, làm nghề khác ngày càng phổ biến.

Thực tế, việc đào tạo ngành hẹp và sâu vẫn có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự vươn lên của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI) và internet vạn vật (internet of things – IoT), các ngành đào tạo liên lĩnh vực và xuyên ngành nghề ngày càng phát huy thế mạnh. Thực tiễn công việc mới yêu cầu người lao động trình độ cao phải biết rộng và sở hữu kỹ năng đa dạng, hơn là kiến thức đơn ngành chuyên biệt.

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các công ty hoạt động ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ – có nhu cầu thực nghiệm mô phỏng trước khi tiến hành sản xuất thực tiễn, nhằm tối ưu hóa thành phẩm, hạn chế sản phẩm lỗi, giảm thiểu rủi ro cho người dùng.

CƠ KỸ THUẬT: HƯỚNG ĐI TIÊN PHONG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

Đón đầu xu thế này, từ rất sớm, vào năm 2002, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã cho ra đời ngành Cơ Kỹ thuật, trực thuộc Khoa Khoa học Ứng dụng. 

Ngành học này vận dụng các phương pháp toán học, nguyên lý vật lý – cơ học, kỹ thuật lập trình để đo lường, phân tích, tính toán mô phỏng và tối ưu hóa các kết cấu cơ học như công trình xây dựng, máy móc cơ khí, thiết bị công nghiệp, quân sự, y tế…

Khối kiến thức chuyên môn tập trung chủ yếu vào cơ học vật rắn, cơ học kỹ thuật, kỹ thuật lập trình, toán học ứng dụng, xử lý số liệu, thiết kế kỹ thuật, điều khiển động lực…

Với nền tảng kiến thức bao quát về toán học – tin học – cơ học – kỹ thuật, kỹ sư Cơ Kỹ thuật vừa có thể giải quyết một cách độc lập những vấn đề cơ học thuộc nhiều lĩnh vực (hàng hải, quân sự, y học, môi trường, giao thông, cơ khí, nhiệt lạnh, xây dựng, hàng không, dầu khí, kỹ thuật âm thanh, khoa học sự sống, v.v.), vừa là cầu nối gắn kết các kỹ sư đơn ngành nhiều lĩnh vực lại với nhau.

Mô phỏng hiện tượng va chạm xe hơi, một trong những bài toán mà kỹ sư Cơ Kỹ thuật có thể giải quyết nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dùng. – Hình: Google Images.

Lấy ví dụ, kỹ sư Cơ Kỹ thuật có khả năng giải quyết bài toán liên ngành cơ học và y tế – hai lĩnh vực tưởng chừng như không liên quan tới nhau. 

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của nền y học hiện đại, các chuyên gia có thể chỉnh sửa hoặc thay thế một số bộ phận trên cơ thể bệnh nhân, giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, những bộ phận này cần được chế tác riêng biệt để phù hợp với cơ địa và thể trạng của từng cá nhân, không thích hợp để sản xuất đại trà. 

Lúc này, kỹ sư Cơ Kỹ thuật sẽ giữ vai trò mô phỏng các cơ chế điều kiện làm việc của bộ phận cơ thể thuộc từng người bệnh cụ thể, theo yêu cầu từ chuyên gia y tế. Sau đó, kỹ sư Cơ Kỹ thuật tiến hành tối ưu hóa thiết kế, lựa chọn vật liệu chế tạo (phối hợp cùng kỹ sư vật liệu, kỹ sư sinh học – nếu cần), cuối cùng chuyển giao bản thiết kế cho nhà sản xuất. Kết quả là, chúng ta thu được những bộ phận nhân tạo mới mang đậm tính cá nhân và phù hợp nhất với mỗi bệnh nhân.

Hay một số ví dụ khác: kỹ sư Cơ Kỹ thuật có thể đo lường chất lượng không khí trong phòng mổ (lĩnh vực khoa học sự sống), đo lường độ lưu chuyển của âm thanh và độ lưu thông của gió trong các tòa nhà (lĩnh vực xây dựng). Các hiện tượng khoa học này diễn ra không đơn lẻ mà có sự giao thoa từ nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý, cơ học, hóa học, sinh học.

Nói như PGS. TS. Trương Tích Thiện – Trưởng Khoa Khoa học Ứng dụng, Trường Đại học Bách khoa, “bất cứ bài toán nào liên quan đến cơ học đều cần có kỹ sư Cơ Kỹ thuật tham gia giải quyết”.

Mô phỏng chức năng bộ phận cơ thể người nhân tạo trên máy tính, nhằm nghiên cứu cải tiến chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP PHONG PHÚ CỦA KỸ SƯ CƠ KỸ THUẬT

Nhờ khả năng làm việc liên ngành, xuyên lĩnh vực nên sinh viên tốt nghiệp ngành Cơ Kỹ thuật – Trường Đại học Bách khoa có thể phụ trách nhiều công việc chuyên môn như:

  • Tính toán và mô phỏng ứng xử cơ học kết cấu công nghệ cao 
  • Đo lường cơ học 
  • Dự đoán độ bền/ tuổi thọ kết cấu
  • Thiết kế, phân tích, tối ưu, mô phỏng, kiểm định kết cấu
  • Thiết kế, lập trình điều khiển máy (CNC) 
  • Lập trình phát triển phương pháp số
  • Xây dựng phòng thí nghiệm ảo phục vụ lĩnh vực cơ học tính toán

Cùng với đó là các vị trí nghề nghiệp đa dạng mà sinh viên Cơ Kỹ thuật Bách khoa có thể đảm nhiệm như:

  • Kỹ sư tính toán (CAE Engineer)
  • Kỹ sư mô phỏng (Simulation Engineer)
  • Kỹ sư phân tích (Structural Analysis Engineer)
  • Kỹ sư thiết kế (Design Engineer)
  • Kỹ sư ứng dụng (Application Engineer)

Bên cạnh các công ty uy tín trong nước như FPT Software, Vintech, Vinfast, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài/ tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thường xuyên tuyển dụng sinh viên ngành Cơ Kỹ thuật của Bách khoa, chẳng hạn: Intel, Samsung, TechnoStar, Tachi-S, Asahi Kasei, Mitsuba, Nidec, HZV (Hitachi Zosen Vietnam), Mitutoyo, Akselos, Robert Bosch (Robert Bosch Engineering & Business Solutions, Bosch Automotive R&D Center)…

Từ năm 2021, Trường Đại học Bách khoa tuyển sinh chương trình Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật ngành Cơ Kỹ thuật.
  • Mã trường: QSB, mã ngành: 268
  • Chương trình chính quy, Trường Đại học Bách khoa cấp bằng
  • Giảng dạy tăng cường ngôn ngữ Nhật (1.200 giờ) và văn hóa Nhật
  • 20 tín chỉ môn học giảng dạy 100% bằng tiếng Anh
  • Cơ hội thực tập và làm việc tại doanh nghiệp Nhật
  • Chính sách học bổng phong phú, giá trị cao
  • Xét tuyển bằng kết quả thi Tốt nghiệp THPT, Đánh giá năng lực, Ưu tiên xét tuyển, Xét tuyển thẳng
Nếu bạn say mê thế giới diệu kỳ của lĩnh vực lập trình, cơ học, chế tạo máy, toán ứng dụng, yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, hãy tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chuyên ngành thú vị này tại đây nhé!

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp