Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt

Thiếu hụt lao động trình độ cao trong lĩnh vực kỹ thuật, Nhật Bản dành nhiều đãi ngộ hấp dẫn để thu hút kỹ sư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Bài viết liên quan
Chất lượng cao Tăng cường Tiếng nhật: Một mũi tên trúng hai đích
Hiện thực hóa giấc mơ làm việc tại Nhật với chương trình Tăng cường Tiếng nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử
Thực tế mức lương ngành Cơ Kỹ thuật tại doanh nghiệp Nhật

HIỆN TRẠNG NGÀNH KỸ THUẬT TẠI NHẬT BẢN: “KHÁT” NHÂN LỰC CHUYÊN MÔN CAO

ky su viet nam tai doanh nghiep nhat
Các kỹ sư nước ngoài sẽ được hưởng đãi ngộ tương đương với kỹ sư Nhật. Hình: freepik

Những năm qua, vấn đề thiếu nhân lực tuy không mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự tại thị trường lao động Nhật. Mặc cho những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu bổ sung nhân sự ngành kỹ thuật ở nước này vẫn không ngừng tăng qua mỗi năm. 

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, tính tới cuối năm 2021, số lượng người nước ngoài làm việc tại Nhật với tư cách lưu trú “Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” (bao gồm visa diện kỹ sư) là 274.740 người, tăng gấp 1,45 lần trong vòng năm năm qua. Trong đó những quốc gia có lực lượng kỹ sư chiếm đa số là Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nepal và Philippines.

Các vị trí công việc tuyển dụng kỹ sư nước ngoài trải rộng ở nhiều lĩnh vực như cơ khí, công nghệ thông tin, điện – điện tử, kiến trúc – xây dựng – thiết kế công trình dân dụng, thiết bị bán dẫn, thiết kế điện, thiết kế máy/ kết cấu, thiết kế khuôn, quản lý chất lượng/ sản xuất, kỹ thuật sản xuất, an toàn thiết bị, bảo dưỡng ô tô…

Dự báo làn sóng kỹ sư nước ngoài tham gia vào thị trường Nhật Bản vẫn chưa dừng lại. Từ góc nhìn của các doanh nghiệp nước sở tại, việc bổ sung nguồn nhân lực nước ngoài không chỉ mang tính tái thiết tiềm lực vốn có của công ty mà còn góp phần tạo ra sự mới mẻ, sáng tạo và đa văn hóa ở môi trường làm việc. Điều đó sẽ càng có giá trị hơn đối với những doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư để khai phá thêm các thị trường nước ngoài.

NHỮNG ĐÃI NGỘ HẤP DẪN DÀNH CHO KỸ SƯ NƯỚC NGOÀI

Khác với người lao động đến Nhật theo diện “Thực tập kỹ năng” hay “Kỹ năng đặc định”, Nhật Bản quy định kỹ sư là những người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên. Họ sẽ được cấp tư cách lưu trú “Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” và được hưởng những đãi ngộ hấp dẫn trong đặc quyền của mình.

Dưới đây là một số điểm nhấn trong chế độ tuyển dụng kỹ sư nước ngoài tại Nhật Bản:

  • Thời gian lưu trú: Không giới hạn
  • Trình độ tiếng Nhật: Tương đương N5-N3
  • Đơn vị ký hợp đồng: Có thể ký kết trực tiếp với chủ doanh nghiệp hoặc thông qua nghiệp đoàn (nghiệp đoàn là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động ở Nhật Bản, họ sẽ đứng ra bảo hộ các quyền lợi chính đáng cho người lao động theo đúng như hợp đồng và luật lao động Nhật Bản)
  • Hình thức hợp đồng: Nhân viên chính thức, nhân viên hợp đồng hoặc nhân viên thời vụ
  • Thời hạn hợp đồng: Không thời hạn (dành cho nhân viên chính thức) hoặc có kỳ hạn (dành cho nhân viên hợp đồng và thời vụ)
  • Chuyển việc: Có thể (tương đương với kỹ sư người Nhật). Bạn hoàn toàn có quyền chuyển việc nếu tìm được công việc phù hợp hơn
sv chuong trinh tang cuong tieng nhat tai nhat ban
SV chương trình Tăng cường Tiếng Nhật khóa 12, 2017 tốt nghiệp cử nhân tại Nagaoka University of Technology (Nhật Bản). Hình: OISP

Hiện nay mức lương cơ bản dành cho những kỹ sư có năng lực tiếng Nhật tương đương N4 dao động trong khoảng 32,4 triệu – 45 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao hơn đối với những ứng viên ưu tú có trình độ chuyên môn và Nhật ngữ trên mức yêu cầu. Ví dụ, những kỹ sư có năng lực tiếng Nhật N3 trở lên có thể nhận mức lương lên đến 45 triệu – 54 triệu đồng/tháng (tính theo tỷ giá bình quân ở thời điểm tháng 5/2022).

DOANH NGHIỆP NHẬT “BẮT CẦU” TÌM KIẾM KỸ SƯ VIỆT

Việt Nam hiện là nước có đội ngũ kỹ sư đông đảo thứ hai tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc. Doanh nghiệp Nhật Bản thường tiếp cận nguồn nhân tài Việt Nam thông qua ba “nhịp cầu” sau.

1. Triển khai những dự án liên kết với trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Là hình thức tương đối mới mẻ ở Việt Nam, những dự án này thường do các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản liên kết với các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam thực hiện. Mục đích của họ là đào tạo chuyên ngành, ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cho sinh viên, kèm với đó là những hội chợ việc làm để sinh viên có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn với nhà tuyển dụng và “Nhật tiến”. 

japan create trien khai chuong trinh ky su viet nhat
Quang cảnh lễ ký kết triển khai chương trình Kỹ sư Việt – Nhật giữa Japan Create và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM). – Hình: OISP

2. Liên kết với các công ty môi giới lao động Nhật Bản và Việt Nam

Để tuyển dụng kỹ sư người Việt, phần lớn doanh nghiệp hiện nay sẽ tìm đến các công ty săn đầu người trong nước để liên hệ với công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam. Các ứng viên sẽ ứng tuyển những vị trí công việc phù hợp tại công ty môi giới Việt Nam và đợi lịch phỏng vấn với nhà tuyển dụng nếu như hồ sơ được duyệt. 

Sau khi đậu phỏng vấn, những kỹ sư có trình độ Nhật ngữ đúng quy định sẽ được hỗ trợ hoàn tất thủ tục xuất cảnh trong vòng ba đến bốn tháng. Còn những kỹ sư chưa có năng lực Nhật ngữ buộc phải tham gia những khóa học tiếng Nhật cấp tốc để đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ tối thiểu.

3. Khai thác nguồn du học sinh từ các trường đại học, cao đẳng

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản vào tháng 3/2022, số lượng du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước này trong năm qua là 49.468 người, chiếm 20,4% tổng số du học sinh ngoại quốc. Trong đó một lượng lớn sinh viên có mong muốn tìm kiếm công việc ở nước sở tại từ lúc còn trên ghế nhà trường. Các doanh nghiệp có thể tìm cách thu hút du học sinh Việt Nam đang theo học chuyên ngành kỹ thuật với chế độ đãi ngộ tương đương với kỹ sư Nhật.

Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) (mã trường: QSB) tuyển sinh các chương trình đại học chính quy tăng cường đào tạo ngôn ngữ Nhật Bản cho những bạn trẻ yêu thích khối ngành kỹ thuật và có định hướng phát triển sự nghiệp tại xứ mặt trời mọc.

Chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật: Là chương trình đào tạo chính quy kết hợp giữa giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Việt với đào tạo ngôn ngữ Nhật Bản (1.200 giờ) và văn hóa Nhật. Vào năm thứ Ba và Tư sẽ có 4-6 môn học do các giáo sư đại học đối tác Nhật sang giảng dạy bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, sinh viên sẽ có ít nhất một chuyến sang Nhật thực tập ngắn hạn. Chuẩn đầu ra tiếng Nhật tương đương JLPT N3. Chương trình đang tuyển sinh cho hai ngành Khoa học Máy tính (mã ngành: 266) và Cơ Kỹ thuật (mã ngành: 268).

Chương trình Tăng cường Tiếng Nhật: Được triển khai cho duy nhất ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử với thời lượng đào tạo theo kế hoạch trong 4,5 năm theo hình thức bán du học. Trong 2,5 năm đầu học tập tại Trường Đại học Bách khoa, sinh viên sẽ học theo chuyên môn theo chương trình Đại trà, đồng thời được đào tạo ngôn ngữ Nhật để đạt chuẩn tương đương JLPT N2. 2 năm cuối sinh viên sẽ chuyển tiếp học sang Nagaoka University of Technology với chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Bằng tốt nghiệp do Nagaoka University of Technology cấp, tạo nền tảng để sinh viên có thể tìm kiếm công việc phù hợp tại Nhật khi ra trường.

INAKO

Bài trước

Bài tiếp