Ngành bán dẫn vực dậy, Nhật đẩy mạnh tìm kiếm kỹ sư điện – điện tử

Tăng trưởng mạnh mẽ nhờ làn sóng chuyển đổi số [1] và chuyển đổi xanh [2], ngành bán dẫn Nhật Bản khát nhân lực trình độ cao, am hiểu đa ngành.

Bài viết liên quan
Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt
Giải mã sức hút của nghề kỹ sư điện – điện tử tại Nhật Bản
Hiện thực hóa giấc mơ làm việc tại Nhật với chương trình Tăng cường Tiếng Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử

PHÂN KHÚC THIẾT BỊ IOT, XE ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG XANH SẼ DẪN ĐẦU TĂNG TRƯỞNG TRONG GIAI ĐOẠN 2020-2030

thi truong ban dan nganh dien dien tu nhat ban
Thị trường bán dẫn Nhật trở nên sôi động giữa làn sóng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Hình: freepik

Nhật Bản là thị trường bán dẫn lớn của thế giới với quy mô năm 2021 là 35,65 tỷ USD, chiếm 15,8% toàn cầu [3]. Thống kê của IC Insights (Mỹ) cho thấy, thị trường này trong ba năm qua (2020-2022) có sự chuyển mình mạnh mẽ với mức tăng trưởng so với năm trước lần lượt là 11%, 25% và 11% (dự kiến), đánh dấu ba năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng hai chữ số kể từ sau giai đoạn 1993-1995. Dự đoán tỷ lệ tăng trưởng bình quân của ngành này trong giai đoạn 2021-2026 sẽ là 7,1% [4].

Trong những năm tới, phân khúc chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bán dẫn Nhật vẫn là các thiết bị IoT như PC, smartphone 5G và siêu máy tính (trung tâm dữ liệu)… Phân khúc này hiện chỉ chiếm tỷ trọng 25% nhưng dự kiến sẽ lên tới 60% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, phân khúc thiết bị công nghiệp và xe hơi được dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội. Đặc biệt trong bối cảnh xe điện có xu hướng soán ngôi những phương tiện chạy bằng xăng, trung bình chi phí chất bán dẫn trên mỗi xe sẽ tăng gấp 3,2 lần – riêng với dòng xe điện Tesla tăng gấp 5 lần – góp phần nâng cao sức cạnh tranh của phân khúc này trong cuộc đua tăng trưởng.

Năng lượng xanh (pin mặt trời, điện gió…) từng chỉ chiếm khoảng 5% thị phần bán dẫn tại Nhật trong giai đoạn 2015-2020 nhưng bắt đầu khởi sắc rõ nét từ năm 2021. Dự đoán khi tỷ trọng nguồn điện đến từ năng lượng xanh tại Nhật đạt mức 22-24% vào năm 2030, nhu cầu sản xuất các thiết bị bán dẫn tương ứng như analog, vi điều khiển… cũng ngày càng tăng, giúp phân khúc này nâng thị phần lên khoảng 9%.

Những định hướng trên nằm trong kế hoạch phát triển ngành bán dẫn trong giai đoạn 2020-2030 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Kế hoạch gồm ba giai đoạn: (1) tăng cường viện trợ từ chính phủ nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho phân khúc IoT; (2) đẩy mạnh hợp tác Nhật – Mỹ để học hỏi kỹ thuật tiên tiến và phát triển ngành bán dẫn trong nước; (3) xúc tiến hợp tác quốc tế nhằm khai phá các kỹ thuật mới như lượng tử và quang điện… Mục tiêu của chính phủ Nhật là khẳng định vai trò cường quốc của mình trên thị trường bán dẫn thế giới.

LAO ĐỘNG CHUYÊN MÔN CAO VÀ AM HIỂU ĐA NGÀNH ĐÓNG VAI TRÒ CHỦ ĐẠO

nhat ban can nhieu ky su ban dan nganh dien dien tu
Dự kiến đến năm 2030, Nhật Bản cần nhiều kỹ sư bán dẫn am hiểu đa ngành. Hình: Google Images

Mặc dù triển vọng phát triển của ngành bán dẫn Nhật là không thể phủ nhận, song đến nay, bài toán về nguồn cung ứng lao động của nước này vẫn rất nan giải. Thêm vào đó, sau một thời gian dài ngưng trệ do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Nhật sở hữu chuỗi nhà máy tại nước ngoài đang có xu hướng thu gọn quy mô để “hồi hương”. Làn sóng này dẫn tới một hệ quả khác là nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước trở nên sục sôi hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, sau bước thụt lùi năm 2020-2021, chế độ tuyển dụng và làm việc tại các doanh nghiệp Nhật cũng có biến chuyển lớn. Thay vì duy trì hình thức tuyển dụng định kỳ vào đầu mỗi năm tài khóa và làm việc trọn đời, các doanh nghiệp bắt đầu linh động hơn qua việc tìm kiếm nhân sự có năng lực chuyên môn cao và đáp ứng được yêu cầu công việc đa dạng. Ví dụ trong lĩnh vực thiết kế điện – điện tử, ngoài những công việc cố định như thiết kế – nghiên cứu mạch điện hay thiết kế bảng điều khiển điện, sẽ có một phần công việc mang tính liên ngành để thích ứng với cơ chế sản xuất mới. “Một nghề chín hơn chín nghề” không còn phù hợp nữa mà ứng viên kỹ sư thiết kế phải “đánh bóng” CV của mình bằng các kỹ năng bổ trợ về IoT, robot, xe tự động hay thiết bị dân dụng [5]

Ở lĩnh vực bán dẫn, các vị trí kỹ sư quy trình (process engineer), kỹ sư thiết bị (facility engineer) và kỹ sư hiện trường (field engineer) có thể tuyển những ứng viên trẻ trái ngành nhưng cần có kinh nghiệm làm việc khoảng hai – ba năm. Mảng sản xuất – nghiên cứu chủ yếu sẽ tuyển dụng những kỹ sư có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành.

HỌC NGÀNH KỸ THUẬT ĐIỆN – ĐIỆN TỬ THEO MÔ HÌNH BÁN DU HỌC NHẬT: BÁM SÁT NHU CẦU THỊ TRƯỜNG

Chương trình Tăng cường Tiếng Nhật (TCTN) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) ra đời vào năm 2007 đóng vai trò tiên phong về đào tạo ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử theo mô hình bán du học Nhật. Điểm nổi bật của chương trình là sau 2,5 năm đầu học các môn chuyên ngành, ngôn ngữ và văn hóa Nhật tại Trường ĐH Bách khoa, sinh viên có cơ hội sang Nagaoka University of Technology (NUT) học 2 năm cuối. Nội dung đào tạo tại NUT được thiết kế sát với nhu cầu thị trường bao gồm ba chuyên ngành sau:

  • Thiết bị Quang sóng Điện tử: bán dẫn, thiết bị siêu dẫn, MEMS thông minh, quang điện tử, ứng dụng laser, màn hình tinh thể lỏng, điện tử ceramic
  • Công nghệ Thông tin: mạng lưới thông tin, hệ thống máy tính, hệ thống tìm kiếm, xử lý tín hiệu, xử lý hình ảnh, xử lý tín hiệu thần kinh, ngôn ngữ tự nhiên
  • Năng lượng: điều khiển năng lượng, điều khiển tự động, điện tử năng lượng, năng lượng điện từ, lực học plasma

Với những bạn quan tâm đến bán dẫn, chương trình học tại NUT không chỉ đào tạo kiến thức chuyên sâu mà còn bổ sung thêm các kiến thức liên ngành phong phú. Ngoài lý thuyết, trường còn xen kẽ những tiết học thực hành tại chuỗi hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, những chuyến thực tập thực tế tại doanh nghiệp để sinh viên rèn giũa tay nghề và hiểu thêm về văn hóa Monozukuri.

SV chương trình TCTN ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử
SV chương trình TCTN ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử tốt nghiệp tại NUT. Hình: OISP

Điểm hấp dẫn khác của chương trình TCTN là không yêu cầu chứng chỉ tiếng Nhật đầu vào. Sinh viên được học tiếng Nhật từ vỡ lòng cho đến khi đạt trình độ Nhật ngữ tương đương JLPT N2 khi chuyển tiếp và JLPT N1 tại thời điểm tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp sẽ do NUT cấp, tạo nền tảng để học tiếp chương trình Thạc sỹ hoặc làm việc lâu dài tại Nhật với chế độ đãi ngộ như kỹ sư bản xứ. Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa, trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chương trình TCTN có việc làm tính đến năm 2021 đạt 98,6%.


[1] Chuyển đổi số (Digital Transformation) có nghĩa là tích hợp các giải pháp công nghệ số vào việc tái cơ cấu mô hình tổ chức hoặc hoạt động kinh doanh hiện có của doanh nghiệp.

[2] Chuyển đổi xanh (Green Transformation) chỉ việc tích cực tận dụng những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường hoặc nguồn năng lượng tái tạo nhằm tránh gây tác động xấu tới môi trường.

[3] https://job.mynavi.jp/conts/2024/complete_guide/gyoukai/maker/electronic_ele_oa.html

[4] https://news.mynavi.jp/techplus/article/20220706-2389880/

[5] https://persol-tech-s.co.jp/market/202203/

Tăng cường Tiếng Nhật là chương trình đào tạo hợp tác quốc tế giữa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) với Nagaoka University of Technology (Nhật Bản), lộ trình đào tạo kéo dài 4,5 năm.

Mã trường: QSB | Mã ngành: 108 | Tổ hợp môn: A00, A01
Chỉ tiêu: 20 sinh viên | Đối tượng: Tân sinh viên ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chương trình Đại trà
Hình thức đăng ký: Thí sinh sau khi trúng tuyển ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chương trình Đại trà sẽ đăng ký học chương trình TCTN trên Cổng Thông tin tuyển sinh MyBK.
Học phí: – Tại Trường ĐH Bách khoa: 27,5 triệu đồng/học kỳ (năm học 2022-2023)
      – Tại NUT: khoảng 112 triệu đồng/năm học

Xem thêm khung chương trình đào tạo tại đây.

INAKO

Bài trước

Bài tiếp