Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Công nghệ thông tin thiếu hơn 200.000 nhân lực

Sẽ ngày càng thiếu nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), con số thiếu hụt thậm chí có thể lên tới 200.000-300.000 lao động vào thời điểm năm 2020.

Ảnh: lamdong.gov.vn

TTO – Sẽ ngày càng thiếu nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), con số thiếu hụt thậm chí có thể lên tới 200.000-300.000 lao động vào thời điểm năm 2020.

Đó là dự báo được đưa ra tại hội nghị quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực CNTT” do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức tại Hà Nội sáng nay 21-4.

Cung chưa đủ cầu vì chất lượng thấp

TS Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – cho biết: tính đến năm 2010, có 133 trường ĐH đào tạo các mã ngành CNTT – tin học và 73 trường đào tạo các mã ngành điện tử – viễn thông. Con số này ở bậc Cao đẳng là 153 trường và 52 trường. Mỗi năm chỉ tiêu tuyển mới các ngành CNTT khoảng trên 10.000 sinh viên. Ngoài ra còn có các cơ sở đào tạo kỹ thuật viên CNTT ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều chương trình đào tạo quốc tế đã được đưa vào Việt Nam dưới hình thức liên kết, hợp tác đào tạo…

Nếu nhìn vào những con số này dễ có cảm giác nguồn nhân lực của ngành công nghiệp CNTT rất dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, khả năng cung ứng nhân lực cho lĩnh vực CNTT đang bị hạn chế bởi yếu tố chất lượng.

Theo TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng vụ CNTT (Bộ Thông tin Truyền thông), đánh giá chung của doanh nghiệp về chất lượng lao động CNTT hiện nay là khả năng ngoại ngữ chưa tốt, kỹ năng mềm (khả năng trình bày làm việc nhóm, cập nhật công nghệ mới…) còn yếu, sinh viên mới ra trường thiếu kiến thức, khả năng tư duy và làm việc độc lập còn kém…

Cụ thể hơn, ông Võ Tấn Long, giám đốc IBM Việt Nam, cho hay: “Các ứng viên thiếu và yếu các kỹ năng mềm. Chúng tôi cho rằng các trường cần có bài giảng cập nhật sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường…”. 

Phát biểu tại hội nghị, TS Quách Tuấn Ngọc cũng thừa nhận hạn chế lớn nhất với sự phát triển của công nghiệp CNTT nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng, kể cả việc khai thác các thị trường nước ngoài, là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT. 

Thiếu hơn 200.000 nhân lực

Bên cạnh nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng SV tốt nghiệp các ngành CNTT – điện tử viễn thông, một số đại biểu cũng lưu ý Bộ GD-ĐT vẫn phải tiếp tục quan tâm đến qui mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển với tốc độ khá nhanh của ngành công nghiệp này trong những năm tới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, đại diện một số trường ĐH đào tạo ngành CNTT bày tỏ sự lo ngại sự thay đổi trong xu hướng chọn ngành nghề dự thi của thí sinh trong vài năm gần đây. Theo đánh giá của các trường này, ngành CNTT gần đây không còn giữ vị trí ngành học “hot” trong sự lựa chọn của thí sinh và xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên (Bộ Thông tin Truyền thông) đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực của công nghiệp CNTT đến năm 2020 là 528.000 người, trong đó công nghệ phần cứng cần 250.000 người, công nghệ phần mềm cần 130.000 người và công nghiệp nội dung số cần 148.000 người.

Đến năm 2020, dự báo được công bố tại hội nghị cho rằng con số thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT có thể lên tới trên 200.000 người.

Ngay ở thời điểm hiện nay, đây vẫn đang là một ngành có nhu cầu cao về nhân lực. TS Lê Thị Thanh Mai cho biết “khảo sát thông tin tuyển dụng cho thấy nhóm ngành CNTT – điện tử viễn thông thuộc top 10 ngành có nhiều vị trí tuyển dụng nhất”.

Hiện đang có xu hướng khá rõ rệt là lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành CNTT- điện tử viễn thông ở hầu hết các trường ĐH ít hơn, nhiều thí sinh giỏi chuyển hướng sang nhóm ngành tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh… khiến ngành CNTT không chỉ giảm về số lượng mà giảm cả về chất lượng đầu vào.

CNTT được thi tuyển bằng khối thi mới?

Đứng từ góc độ là “nhà cung cấp nhân lực”, phát biểu tại hội nghị này, đại diện một số trường ĐH cũng không né tránh những hạn chế ở “chất lượng sản phẩm” của mình và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất khá nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng đào tạo. Trong đó, việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu với nhiều hình thức thực hiện. Từ chỗ tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu sử dụng thực tế, các trường cũng cải tiến nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp hơn với nhu cầu tuyển dụng.

TS Thanh Mai cho biết: “Nhiều doanh nghiệp CNTT yêu cầu người tuyển dụng phải có kiến thức liên ngành hoặc kiến thức ngành rộng. Vì vậy bên cạnh ngành truyền thống về CNTT, để tăng mức độ thích ứng với doanh nghiệp, ĐHQG TP.HCM đã hình thành nhiều chương trình đào tạo CNTT trong một số lĩnh vực như CNTT – sinh học (Sinh tin học), CNTT – kinh Tế (Hệ thống thông tin kinh tế), CNTT – kế toán – kiểm toán, CNTT – tài chính – ngân hàng, thư viện – thông tin… Trường ĐH Hà Nội và một số trường khác thì cho biết đã triển khai đào tạo ngành CNTT bằng tiếng Anh, nhập khẩu chương trình từ các ĐH hàng đầu về đào tạo CNTT…

Nhưng mặt khác, đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tuyên và nhiều đại biểu cũng cho rằng cần nhìn thị trường nhân lực CNTT theo cơ chế thị trường, muốn có chất lượng tốt doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm nhiều hơn: cần phải bỏ tiền đầu tư, đầu tư cho Quỹ phát triển nguồn nhân lực CNTT VN, có cam kết phối hợp với nhà trường, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập… Ông Tuyên cũng nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược đào tạo lại nhân lực mới để phù hợp với nhu cầu của mình chứ không thể giữ tư tưởng “tất cả SV đào tạo ra là phải sử dụng được ngay”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, TS Quách Tuấn Ngọc đề xuất cần tổng điều tra nhân lực CNTT để đánh giá về số lượng, chất lượng, loại hình, bằng cấp. Đồng thời xây dựng chương trình chuẩn quốc gia chung về đào tạo CNTT đối với các trình độ đào tạo ĐH, CĐ, TCCN. Trong việc xây dựng các chương trình chuẩn quốc gia về đào tạo CNTT, đặc biệt chú ý chuẩn đầu ra và tham khảo mạnh yếu tố nước ngoài.

Đặc biệt ông Ngọc đề nghị cần thực hiện tuyển sinh ngành CNTT – điện tử – viễn thông với ba môn thi là toán, lý và ngoại ngữ vì đây mới là những môn phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các ngành này. Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thanh Tuyên cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm cho phép tuyển sinh đầu vào các mã ngành CNTT với ba môn toán, lý và tiếng Anh để lựa chọn được các sinh viên phù hợp.

THANH HÀ

Theo Tuoitre Online

 

Bài trước

Bài tiếp