Ngày 15/3/2016, bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các ban, sở, ngành, chính quyền địa phương đã có buổi làm việc với ĐHQG-HCM. Phía ĐHQG-HCM có Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, giám đốc ĐHQG-HCM các thời kỳ, hiệu trưởng các trường, các ban, văn phòng ĐHQG-HCM.
Ngày 15/3/2016, bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các ban, sở, ngành, chính quyền địa phương đã có buổi làm việc với ĐHQG-HCM. Phía ĐHQG-HCM có Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, giám đốc ĐHQG-HCM các thời kỳ, hiệu trưởng các trường, các ban, văn phòng ĐHQG-HCM.
ĐHQG-HCM VÀ TP.HCM HỢP TÁC HIỆU QUẢ
Tiếp đoàn đại biểu, PGS. TS. Phan Thanh Bình đã báo cáo về công tác tổ chức, đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và các hoạt động của ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) trong thời gian qua. ĐHQG-HCM đã có mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ với TP.HCM, tham gia giải quyết các vấn đề trong quá trình phát triển như chương trình ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) giảm ùn tắc giao thông, chương trình chống ngập, chương trình phát triển công nghệ vi mạch, chương trình khoa học y sinh…
GS. Trần Chí Đáo, nguyên giám đốc ĐHQG-HCM nhận xét: “Mối quan hệ thành phố với ĐHQG-HCM là rất quan trọng. Khi có ĐHQG-HCM, chúng tôi coi đây là của thành phố, thực hiện các quyết định và nhiệm vụ của thành phố. ĐHQG-HCM hết sức cố gắng tiếp cận thành tựu khoa học tiên tiến thế giới. Chúng tôi hình thành ngay các tổ chức, trung tâm như Nano, Manar…”
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm việc với ĐHQG-HCM. Ảnh: ĐỨC LỘC
Nhằm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn với thành phố, ĐHQG-HCM đã kiến nghị với bí thư Thành ủy bốn vấn đề gồm:
- ĐHQG-HCM và thành phố cùng đánh giá lại các chương trình, dự án hợp tác trong giai đoạn 2010-2015 làm cơ sở tiếp tục phối hợp có hiệu quả hơn trong giai đoạn 2016-2020
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý, tài chính trong triển khai hợp tác giữa hai đơn vị
- Thành phố hỗ trợ ĐHQG-HCM triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần X
- Giúp ĐHQG-HCM hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2017
ĐỀ XUẤT NHỮNG HỢP TÁC MỚI
Tại buổi làm việc, các trường thành viên đã đóng góp nhiều ý kiến cho việc hợp tác cùng thành phố trong các lĩnh vực chuyên ngành. Các nhà khoa học cũng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo, NCKH. GS. Trần Chí Đáo, nhận định nhờ mô hình ĐHQG-HCM mà Việt Nam không bị lạc lõng với hội nhập thế giới. Nhưng khi nói tới chất lượng đào tạo, không còn cách nào hơn là được thế giới công nhận, được kiểm định quốc tế.
PGS. TS. Vũ Đình Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cho rằng, KHCN là chìa khóa để phát triển, trong thời gian tới muốn phát triển được thì phải dựa vào KHCN. Nhà trường cũng muốn tham gia nhiều hơn các chương trình KHCN của thành phố. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, PGS. TS. Võ Văn Sen thể hiện mong muốn có được hợp tác của thành phố trong lĩnh vực hợp tác văn hóa quốc tế. Hiện nay tất cả lãnh sự quán ở thành phố đều có quan hệ tốt với trường.
PGS. TS. Hồ Thanh Phong chia sẻ thế mạnh của trường. Ảnh: ĐỨC LỘC
PGS. TS. Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc Tế cho biết trường này có thể đóng góp vào sự phát triển của thành phố bằng các chương trình giao thông, logictics…, đặc biệt là lĩnh vực quản lý công, đào tạo cán bộ trẻ biết công biết việc, biết quản lý, biết lắng nghe và giao tiếp quốc tế.
MỞ CƠ CHẾ CHO NCKH
GS. Trần Linh Thước, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ: “Trường đào tạo theo hướng NCKH cơ bản nên rất tốn kém, ít thu hút sinh viên. Hiện nay cần đẩy mạnh tự chủ hóa các trường, nhất là tự chủ về tài chính”. GS. Thước đề nghị lãnh đạo TP.HCM có cơ chế đầu tư vào các chương trình NCKH của ĐHQG.
Ngay tại cuộc họp, ông Đinh La Thăng đã yêu cầu giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng báo cáo tình hình. Bà Thắng cho biết: “Theo quy định thì TP.HCM không thể rót tiền từ ngân sách đầu tư cho ĐHQG-HCM. Vì ngân sách cho ĐHQG-HCM được phân bổ từ ngân sách Trung ương”.
Để tháo gỡ vướng mắc này, TP.HCM đã có chương trình kích cầu, hỗ trợ lãi suất. Khi có chương trình cần đầu tư, các đơn vị của ĐHQG-HCM chỉ cần có 30% vốn, 70% còn lại do ngân hàng, tổ chức tài chính, ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất 100% trong 10 năm. “Tuy nhiên, mong muốn của các trường là được hỗ trợ luôn chứ không muốn phải đi vay” giám đốc Sở Tài chính cho biết.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thăm Trường ĐH Quốc Tế. Ảnh: ĐỨC LỘC
Chia sẻ vấn đề này với ĐHQG-HCM, bí thư Thành ủy nói: “Vay thì vẫn phải trả. Nhưng đây là đầu tư mạo hiểm nên chưa chắc hoàn vốn. Như vậy có cơ chế tài chính nào không? Bây giờ phải quên chuyện chi từ ngân sách đi. Coi như là một khoản đầu tư cho sản phẩm mới có được không? Chứ vay thì ai dám đứng ra để trả”.
PGS. TS. Nguyễn Anh Thi, giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM đề xuất chính quyền TP.HCM nên thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các chương trình NCKH của ĐHQG-HCM. Sau đó, dùng tiền từ quỹ này đầu tư lại vào quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân có năng lực đã được kiểm chứng hiệu quả trước đó.
“Khi cùng đầu tư với họ vào các dự án đầu tư mạo hiểm thì chắc chắn thành phố sẽ xây dựng được công nghiệp đầu tư mạo hiểm và bảo toàn được nguồn vốn ngân sách đã bỏ ra. ĐHQG-HCM không thiếu công nghệ và nhân lực chất lượng cao, nhưng để biến đó thành kinh tế thì đó là vai trò của khu vực tư nhân. Cần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, vai trò của tư nhân chứ không thể bắt các thầy đi làm kinh tế. Sứ mạng của các thầy là đi dạy học”, ông Thi nói.
Kết luận vấn đề này, bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu cơ chế tài chính để phối hợp. “Phải theo xu hướng đặt hàng, đầu tư và trường sẽ thực hiện, không đi theo hướng lấy tiền ngân sách hoặc cho vay kích cầu. Đồng thời nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân trong đó có sự tham gia của Nhà nước”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định dù không thể lấy tiền từ ngân sách của thành phố để rót cho ĐHQG-HCM nhưng không phải là không có hướng giải quyết. “Vấn đề là phải nghĩ ra cơ chế để thúc đẩy phát triển trí tuệ, khoa học”, ông Phong nói.
GS. Nguyễn Thanh Nam, trưởng Ban KHCN ĐHQG-HCM dẫn chứng thành phố từng rót vốn kích cầu cho tòa nhà Y sinh của ĐHQG-HCM. “Nhưng xây xong rồi chúng tôi chưa tìm ra đâu tiền để trả lại thành phố. Tôi cũng kiến nghị thành phố nên cho chúng tôi số tiền đó như là đầu tư cơ bản”.
ĐẦU TƯ CHO ĐHQG LÀ ĐẦU TƯ CHO THÀNH PHỐ
Cuối ngày, bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trả lời các kiến nghị của ĐHQG-HCM: “ĐHQG-HCM chính là động lực của thành phố. ĐHQG-HCM như của hồi môn, bảo bối mà chính phủ dành cho thành phố. Chúng ta coi KHCN là then chốt, sử dụng có hiệu quả ĐHQG-HCM, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia doanh nghiệp… sẽ là sự quyết định của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ông Thăng chia sẻ chân tình: “Dù đã qua 20 năm xây dựng nhưng nói thật chúng tôi đã đi một vòng và hơi chút thất vọng vì sự phân tán và manh mún, những cái đầu tư trước đây giờ đã xuống cấp. Rõ ràng đầu tư của nhà nước với ĐHQG-HCM quan trọng như vậy chưa ngang tầm và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cảm giác của tôi là khi nghe giới thiệu quy hoạch rất hoành tránh, nhưng thực tế còn tản mạn và sơ khai. Thậm chí, Trung tâm ICDREC dù được đầu tư rất nhiều nhưng cũng chỉ có vài máy lèo tèo và đã đầu tư từ năm 2002”.
“Để ĐHQG-HCM thực sự là nguồn lực của thành phố, là chìa khóa thành công của cả nước cần phải tập trung đầu tư, cả nước phải quan tâm đây là đầu tàu của sự phát triển. Không có lý do gì có tiền mà không tiêu được. Không lý gì lại không có cơ chế, TP.HCM lại là nơi năng động nhất nước. Tiền của thành phố thì có mà đầu tư cho trường không được, chỉ vướng mấy thủ tục hành chính rõ ràng là chúng ta chưa năng động, chưa chủ động, chưa coi ĐHQG là nguồn lực”.
Bí thư Thành ủy cùng đề nghị: “Đầu tư cho ĐHQG-HCM là đầu tư cho sự phát triển của TP.HCM. Để phát huy hết năng lực của ĐHQG các cơ quan của thành phố cùng với Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ Phần mềm Quang Trung có quy chế phối hợp. Phải kết nối thành chuỗi để cho ra sản phẩm cuối cùng đóng góp cho khu vực phía Nam. Cần đề cao quyền tự chủ cho các trường và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư. Nhà trường cần phải gắn kết với các doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. ĐHQG-HCM cùng với thành phố tạo ra phong trào, làn sóng khởi nghiệp cực kỳ mạnh mẽ với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, thầy cô giáo, giúp cho thanh niên làm giàu từ trí tuệ, khả năng sáng tạo của mình”.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thăm Thư viện Trung tâm ĐHQG-HCM. Ảnh: ĐỨC LỘC
Báo cáo trong buổi làm việc, PGS. TS. Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG-HCM cho biết từ khi thành lập vào năm 2001 đến nay, ĐH này có sự trưởng thành thực sự về chất lượng. Cụ thể, số lượng giảng viên tăng từ 1.400 lên 9.200, số lượng giảng viên từ 1.600 lên 3.600, đáng lưu ý là đến nay toàn ĐHQG-HCM có trên 1.000 tiến sĩ. Quy mô đào tạo chính quy của ĐH này là 57.274 người, trong đó sau ĐH chiếm 16,15%. Hướng đi của ĐH này này là xây dựng hệ thống ĐH trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và trí thức Việt Nam. |