Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Cần độc lập trong kiểm định, xếp hạng trường ĐH

Bà Vũ Thị Phương Anh, một chuyên gia có kinh nghiệm về kiểm định chất lượng, khẳng định việc kiểm định, xếp hạng các trường ĐH, nhà nước nên giao cho các đơn vị độc lập thực hiện.

Bà Vũ Thị Phương Anh (ảnh), một chuyên gia có kinh nghiệm về kiểm định chất lượng, khẳng định việc kiểm định, xếp hạng các trường ĐH, nhà nước nên giao cho các đơn vị độc lập thực hiện.

kiem dinh DH

ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là một trong những trường ĐH sớm ý thức tầm quan trọng của kiểm định chất lượng, đặc biệt là kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế. – Ảnh: VŨ AN NINH

► ĐH Bách Khoa: kiểm định quốc tế – hội nhập thế giới

TS. Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, ảnh), một chuyên gia có kinh nghiệm về kiểm định chất lượng, khẳng định trong việc kiểm định, xếp hạng các trường ĐH, nhà nước phải có quan điểm mở hơn và nên giao cho các đơn vị độc lập thực hiện.

GIỜ MỚI KIỂM ĐỊNH LÀ QUÁ CHẬM

* Bà nghĩ gì trước thông tin Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội trao chứng nhận kiểm định đầu tiên cho Trường ĐH Giao thông vận tải?

 – Tôi thấy đó là điều bình thường, giống như chuyện con người ta ngủ dậy, phải đánh răng rửa mặt. Lẽ ra đó là việc bình thường phải làm mà lâu nay không làm, bây giờ làm thì không có gì đáng để bàn cả.

Bởi việc kiểm định đến nay mới làm là quá chậm, đáng ra phải làm từ 12 năm trước. Điều này khiến tôi cảm thấy lo lắng. Ngay cả việc Bộ không làm kiểm định mà để cho một số đơn vị thực hiện, đáng ra cũng phải làm từ lâu. Đáng nói hơn bộ tiêu chuẩn này đã có từ lâu và lẽ ra phải kiểm định hết mấy trăm trường rồi, vậy mà bây giờ mới có trường đầu tiên.

* Trước Nghị định 73 về quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường ĐH có hiệu lực từ tháng 10/2015 và trước khi bốn trung tâm kiểm định được Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động (hai ĐH Quốc gia, ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN) đã từng có việc kiểm định các trường ĐH nhưng lại không công bố kết quả?

– Vì vậy mà tôi nói bộ tiêu chuẩn này vẫn là bộ tiêu chuẩn thử nghiệm từ 2004, sau đó bổ sung sửa đổi để trở thành chính thức vào năm 2007. Giai đoạn này có khoảng 20 trường ĐH được kiểm định nhưng có nhiều vấn đề nên cuối cùng không công bố được. Chẳng hạn bộ tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu tối thiểu, có những trường tốt hơn ở một số tiêu chí nhưng nếu có vài chỗ yếu thì trường đó sẽ bị đánh giá thấp. Do vậy có khi một trường tốt hơn nhưng vì đánh giá với bộ tiêu chí cứng như vậy thì lại ra kết quả thấp hơn những trường không xuất sắc nhưng đạt các yêu cầu tối thiểu. Vì có nhiều tranh cãi nên những kết quả kiểm định này tạm dừng lại.

* Nhưng bây giờ thì chuyện kiểm định đã nóng trở lại và các trường ĐH bắt buộc phải thực hiện điều này. Theo bà, sau khi đạt kết quả kiểm định, chất lượng các trường sẽ tốt hơn?

 – Chuyện kiểm định làm thì cứ làm nhưng tôi vẫn không tin tác động tốt đến chất lượng giáo dục vì với cách làm hiện nay của VN tác động của kiểm định với hệ thống giáo dục là rất nhỏ. Tôi không tin các trường này kiểm định xong sẽ tốt hơn. Trong khi đó nhiều năm nay dù Bộ chưa thực hiện kiểm định nhưng cách mà Bộ siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng, dẹp được các trường không đủ cơ sở vật chất và thiếu đội ngũ giảng viên thì lại làm các trường tiến bộ lên.

LÀM NHƯ HIỆN NAY SẼ CÒN… TỆ HƠN

* Lấy hình ảnh Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội trao chứng nhận kiểm định cho một trường ĐH khác, bà nghĩ sao khi các trung tâm kiểm định lại chính là các ĐH chứ không phải các đơn vị độc lập khác?

 – Nếu để các trung tâm kiểm định thuộc ĐH kiểm định, tôi cho rằng tác động còn thấp hơn trước đây. Trên thế giới không có chuyện ĐH này kiểm định trường ĐH khác mà phải là các tổ chức độc lập.

 Ở các nước, nếu giao kiểm định độc lập thì độc lập từ bộ tiêu chuẩn kiểm định. Đặc biệt, đối với xếp hạng thì không nên áp đặt mà phải để cho các trường tự chọn tiêu chí xếp hạng. Ví dụ một trong những tiêu chí mà ĐH Quốc gia Indonesia đưa ra là môi trường xanh. Các bộ kiểm định, xếp hạng trên thế giới cũng khác nhau, các trường thích bộ nào thì tham gia cái phù hợp với mình.

Còn VN hiện nay chỉ có một bộ tiêu chuẩn kiểm định nhưng sử dụng chung cho bốn cơ quan kiểm định khác nhau. Các cơ quan này hoạt động theo hướng dịch vụ công, tự thu tiền tự nuôi. Nếu trước đây Bộ tự đưa ra bộ tiêu chuẩn và tự thực hiện kiểm định thì Bộ sẽ phải đối diện với dư luận, nay việc này giao lại cho bốn đơn vị. Những nơi này sẽ hoạt động như các trung tâm ngoại ngữ – cấp chứng chỉ.

Tương lai là các trường phải chạy theo kiểm định giống như việc chạy theo chứng chỉ B tiếng Anh trước đây. Do vậy, tôi phán đoán rằng việc kiểm định như hiện nay sẽ tệ hơn.

Theo tôi, nên có nhiều bộ tiêu chuẩn để phù hợp với nhiều loại trường khác nhau. Bốn trường mà một bộ tiêu chuẩn vẫn chưa ổn.

* Vậy theo bà cần thêm những tiêu chí kiểm định nào để phù hợp với điều kiện VN hiện nay?

– Mình đang đi ngược với các nước. Ở các nước bộ tiêu chí rất mở. Ví dụ có những tổ chức đưa thêm tiêu chí môi trường xanh như tôi đã nói ở trên. VN thường đề ra những con số cụ thể, cứng nhưng lại không có giá trị. Chẳng hạn với tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia phải có tối thiểu 75% sinh viên có việc làm khi ra trường. Nhiều người ví von việc này giống như cân heo. Con nào 100 kg mới đủ chất lượng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng những con không đủ ký người ta sẽ bằng mọi cách độn, bơm nước… để đủ theo quy định dù thực chất chưa đạt.

* VN hiện có đủ chuyên gia để làm tốt việc kiểm định ở 4 trung tâm được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động không, thưa bà?

– Hiện có tình trạng mọi người đua nhau đi học để lấy chứng chỉ kiểm định viên. Hiện nay có hai nơi được đào tạo và cấp chứng chỉ kiểm định viên là hai ĐH quốc gia nhưng khi thi thì Bộ GD&ĐT ra đề. Bộ vẫn kiểm soát việc này nhưng sự sàng lọc rất vội và cứng. Thực ra kiểm định viên phải là một nghề và phải có sự tuyển lựa qua quá trình.

NHÀ NƯỚC KHÔNG NÊN THAM GIA XẾP HẠNG

 * Kiểm định là bước đầu đi đến việc xếp hạng. Bà nghĩ sao về vấn đề xếp hạng các trường ĐH ở VN hiện nay?

– Trong Nghị định 73/2015 về phân tầng xếp hạng, điều 13 có quy định là Bộ sẽ lựa chọn tổ chức kiểm định có năng lực để giao nhiệm vụ phân tầng, xếp hạng. Như vậy có nghĩa là quyền ở Bộ, nhưng Bộ sẽ không trực tiếp thực hiện. Điều này cũng không ổn. Nhà nước không nên làm xếp hạng vì hậu quả nặng hơn chuyện kiểm định. Nếu tư nhân hoặc các đơn vị độc lập làm sẽ không mang tính “đóng dấu”. Còn ở đây chỉ có một thang duy nhất do Bộ đưa ra và do chính Bộ lựa chọn tổ chức xếp hạng thì trường bị xếp hạng thấp nhất sẽ bị chao đảo, điều này rất nguy hiểm.

Nếu có nhiều bộ tiêu chí của các tổ chức khác nhau thì các trường sẽ có thể tham gia vào bộ tiêu chí phù hợp với mình. Ở nhiều quốc gia, nhà nước không xếp hạng mà báo chí, tổ chức nghiên cứu và tư nhân sẽ làm việc này.

* Theo bà, Bộ GD&ĐT không nên “ôm” chuyện xếp hạng, vậy nếu mở rộng cho nhiều tổ chức, liệu những đơn vị đó có đủ nguồn lực để thực hiện trong điều kiện của VN hiện nay?

 – Tại vì không cho phép, nếu cho thì vẫn có những nguồn lực có thể làm tốt việc này và sẽ đáng tin cậy hơn nhiều do những tổ chức này vô vụ lợi. Cách đây hơn 10 năm, khi VN bắt đầu làm kiểm định, nguồn lực chủ yếu đến từ các trường ĐH. Tuy nhiên, đến thời điểm này lực lượng được đào tạo đầu tiên nhiều người đã về hưu và họ vẫn có thể tham gia trong các tổ chức độc lập.

 Tóm lại nhà nước phải có quan điểm mở hơn, chỉ cấm những điều thực sự nguy hại.

 * Chẳng lẽ trong câu chuyện này không có le lói một điểm sáng nào, thưa bà?

 – Nếu nói vậy thì tôi nghĩ phân tầng (đúng ra là phân loại) là một điểm sáng. Đến giờ Bộ mới bắt đầu thừa nhận có các loại trường khác nhau với các yêu cầu khác nhau. Sự thừa nhận này tuy trễ nhưng là việc cần làm.

Theo ông Lê Mỹ Phong, trưởng Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, TCCN, Cục Khảo thí – Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, hiện nay có hai trong số bốn trung tâm được cấp phép kiểm định chất lượng giáo dục đã có hoạt động thẩm định kết quả đánh giá chất lượng giáo dục các trường ĐH (ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM).

Mỗi trung tâm đã hoàn thành đánh giá ba trường ĐH nhưng hiện mới có trung tâm của ĐH Quốc gia Hà Nội họp hội đồng kiểm định chất lượng để bỏ phiếu thông qua kết quả kiểm định với hai đơn vị (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Giao thông vận tải). Bốn trường còn chờ khâu họp hội đồng để biểu quyết rồi mới được nhận quyết định là Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM (do trung tâm của ĐH Quốc gia Hà Nội kiểm định), Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (do trung tâm của ĐH Quốc gia TP.HCM kiểm định).

Theo PGS. Nguyễn Quý Thanh, giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay, trung tâm này đã nhận được đăng ký của 30 đơn vị có nhu cầu kiểm định chất lượng.

QUÝ HIÊN


NHIÊN AN – HÀ ÁNH (Thanh Niên)

Bài trước

Bài tiếp