Điểm đáng chú ý trong bảng xếp hạng 400 đại học (ĐH) châu Á 2018 vừa được QS University Rankings công bố là sự tăng vọt 5 bậc so với năm trước đó của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Điểm đáng chú ý trong bảng xếp hạng 400 đại học (ĐH) châu Á 2018 vừa được QS University Rankings công bố là sự tăng vọt 5 bậc so với năm trước đó của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ảnh chụp màn hình website xếp hạng đại học của QS, trong đó ĐHQG-HCM tăng liền 5 bậc.
Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) dù đứng sau ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng tăng liền 5 bậc từ 147 xuống 142.
Trong số 5 đại học có tên trong danh sách này, ĐH Quốc gia Hà Nội giữ ổn định ở vị trí 139, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tăng hạng và được xếp vào nhóm 291-300.
Ngược lại với xu hướng tăng hạng và ổn định của ba đơn vị trên, ĐH Huế và Trường ĐH Cần Thơ bị tụt hạng. Cụ thể, ĐH Huế rớt từ nhóm 301-350 năm ngoái xuống nhóm 352-400 năm nay. Trường ĐH Cần Thơ từ 251-300 xuống còn 301-350.
Phân tích sự thay đổi này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG-HCM), cho biết kết quả đánh giá của QS cho thấy sự nỗ lực tổng thể của ĐHQG-HCM trong mọi hoạt động. Trong đó, đáng chú ý là có sự phát triển mạnh về các chỉ số hội nhập quốc tế. Chỉ số này thể hiện rõ qua tỉ lệ sinh viên quốc tế đến học tập tại ĐH này.
Theo tiến sĩ Chính, kết quả này còn thể hiện sự chủ động cung cấp thông tin rõ ràng hơn ra bên ngoài. “Mặc dù tổ chức xếp hạng này chủ động khai thác thông tin trên website các trường nhưng vẫn có tới 50% tổng số điểm có được từ ý kiến đánh giá của các nhà khoa học và đơn vị tuyển dụng”, ông Chính nói.
Có được sự thăng hạng này là do nỗ lực của toàn ĐHQG-HCM trong mọi hoạt động, đặc biệt là tỉ lệ quốc tế hóa (sinh viên, giảng viên quốc tế). – Ảnh: VNU-HCM
Trong khi đó, ông Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ, QS là một tổ chức xếp hạng quốc tế, làm việc độc lập nên kết quả tương đối khách quan. Do vậy, nhà trường rất quan tâm đến bảng xếp hạng này và luôn chú ý điều chỉnh trong mọi hoạt động để giữ được vị trí tốt nhất. Tuy nhiên trong những thời điểm khác nhau, sự thế hiện của trường so với từng loại tiêu chí khác nhau nên dẫn đến sự thay đổi thứ hạng.
QS (Quacquarelli Symonds) là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học hàng đầu thế giới. Có sáu tiêu chí được sử dụng làm thước đo: danh tiếng học thuật (40%), danh tiếng người sử dụng lao động (10%), tỉ lệ giảng viên/sinh viên (20%), số trích dẫn khoa học trên mỗi giảng viên (20%), tỉ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỉ lệ sinh viên quốc tế (5%). Trọng số cao nhất là danh tiếng học thuật. QS tập hợp ý kiến của hơn 70.000 chuyên gia giáo dục đại học về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Đây là cuộc khảo sát học thuật lớn nhất thế giới về quy mô và phạm vi. Tỉ lệ giảng viên/sinh viên chiếm 20% bởi QS tin rằng tỉ lệ này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy, đánh giá được mức độ tiếp cận của mỗi sinh viên. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu được xem là trụ cột quan trọng trong sứ mệnh của một cơ sở giáo dục. Để tính toán, QS tổng hợp số bài báo, trích dẫn khoa học bởi giảng viên của một cơ sở trong vòng năm năm. Cuối cùng, tỉ lệ giảng viên và sinh viên quốc tế chứng tỏ sự thu hút và khả năng xây dựng thương hiệu quốc tế của mỗi cơ sở giáo dục, cung cấp môi trường đa quốc gia, tạo điều kiện giao thoa văn hóa, phát triển kỹ năng mềm – những kỹ năng ngày càng có giá trị đối với nhà tuyển dụng. |
THI CA tổng hợp từ Thanh Niên, VNExpress