3 dự án lớn, mở ra cơ hội cho SV Bách khoa Quốc tế

Ba dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng của tập đoàn NTT (Nhật Bản), Hayat Kimya (Thổ Nhĩ Kỳ) và LEGO (Đan Mạch) sẽ mở ra cơ hội việc làm hấp dẫn cho các cử nhân Bách khoa Quốc tế.

Bất chấp tình hình dịch bệnh, Việt Nam vẫn tiếp tục được dự báo là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và đầy tiềm năng. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường mở rộng hoạt động tại nước ta. Riêng ở khu vực Đông Nam Bộ, ba tập đoàn NTT, Hayat Kimya và LEGO xây dựng các trung tâm dữ liệu và nhà máy sản xuất quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Những dự án được đầu tư bài bản này ứng dụng công nghệ tiên tiến và cam kết sử dụng năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu đó, các doanh nghiệp trên cần tuyển dụng hàng loạt kỹ sư trình độ cao trong ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật robot, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật vật liệu công nghệ cao, logistics & quản lý chuỗi cung ứng…

Suốt bốn năm đại học, sinh viên Bách khoa Quốc tế đã rèn giũa kỹ năng mềm, trau dồi ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) và đào sâu chuyên môn dưới sự dẫn dắt sâu sát của đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo được điều chỉnh liên tục, kịp thời cập nhật xu thế mới nhất trên toàn cầu. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh, giúp người học tự tin ứng tuyển vào các vị trí phù hợp ở những công ty, tập đoàn đa quốc gia nói chung và các trung tâm dữ liệu, nhà máy sản xuất dưới đây nói riêng.

1. Trung tâm dữ liệu HCMC1

Mới đây, Tập đoàn NTT (Nhật Bản) và Tập đoàn GreenFeed (Việt Nam) đã liên kết xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu HCMC1 theo tiêu chuẩn Tier III+(1) tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Trong tương lai, trung tâm dữ liệu trị giá 56 triệu USD(*)(≈ 1.272 tỷ đồng) này sẽ cung cấp các dịch vụ dữ liệu chất lượng cao (chẳng hạn dịch vụ quản lý hỗ trợ từ xa, dịch vụ cho thuê hệ thống đặt máy chủ, dịch vụ đám mây…) cho những tổ chức/ doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời nghiên cứu, ứng dụng hệ thống robot – tự động hóa nhằm nâng cao hiệu quả và tính chính xác trong công tác vận hành trung tâm dữ liệu.

Trung tâm dữ liệu HCMC1 đạt tiêu chuẩn Tier III+ của Mỹ.

2. Nhà máy Hayat Kimya Vietnam

Ngày 20/3, Tập đoàn Hayat Kimya (Thổ Nhĩ Kỳ) vừa khai trương nhà máy Hayat Kimya Vietnam có vốn đầu tư 100 triệu USD (≈ 2.2720 tỷ đồng) ở Khu công nghiệp Becamex, tỉnh Bình Phước. Đây là trung tâm sản xuất khăn giấy và tã trẻ em của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á.

Sắp tới, tập đoàn sẽ rót thêm 150 triệu USD (≈ 3.408 tỷ đồng) để mở rộng danh mục sản phẩm và tăng cường công suất nhà máy, đồng thời đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời 5,3 MWp nhằm tối ưu hóa khả năng vận hành của dây chuyền sản xuất. Nhà máy Hayat Kimya Vietnam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam bằng cách cam kết tiết kiệm 6,5 MWh.

Nhà máy Hayat Kimya Vietnam tọa lạc tại Khu công nghiệp Becamex, tỉnh Bình Phước.

3. Nhà máy Lego Vietnam

Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) vừa được cấp phép xây dựng nhà máy LEGO Vietnam trị giá 1 tỷ USD (≈ 22.720 tỷ đồng) tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III), tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy thứ hai của doanh nghiệp ở châu Á và thứ sáu trên thế giới. Dự kiến, nhà máy LEGO tại Bình Dương, Việt Nam được khởi công xây dựng trong năm nay và sẽ phụ trách công tác làm khuôn, đóng gói phục vụ thị trường châu Á (cùng với nhà máy ở Giang Tô, Trung Quốc).

Dự án đồng thời là nhà máy trung hòa carbon(2) đầu tiên của tập đoàn, thu nhận nguồn năng lượng tái tạo từ trang trại năng lượng mặt trời hoặc tấm pin mặt trời do VISP lắp đặt.

Nhà máy LEGO Vietnam là nhà máy thứ hai của tập đoàn này tại châu Á.
Tập đoàn NTT (Nhật Bản) là một trong năm nhà cung cấp giải pháp kinh doanh và công nghệ viễn thông hàng đầu thế giới, sở hữu nhiều đơn vị thành viên, hoạt động ở hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tập đoàn Hayat Kimya (Thổ Nhĩ Kỳ) là nhà sản xuất tã trẻ em lớn thứ năm thế giới với 21 nhà máy tại 8 quốc gia, bao gồm Nga, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Algeria, Nigeria, Pakistan và Việt Nam.

Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) được thành lập từ năm 1932. Các sản phẩm của hãng đồ chơi này hiện có mặt ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

—–

(1) tiêu chuẩn Tier III+: Tiêu chuẩn Tier là tiêu chuẩn đo lường các tiêu chí (thiết kế, vận hành, xây dựng, quản lý, mức độ ổn định…) của một trung tâm dữ liệu, do tổ chức Uptime Institute (Mỹ) đánh giá. Trung tâm dữ liệu Tier III+ là đơn vị đạt mức III của tiêu chuẩn này.

(2) trung hòa carbon: Trung hòa carbon là phương thức giảm thiểu lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt hàng ngày, được cộng đồng quốc tế công nhận.

(*) 1 USD ≈ 22.720 đồng Việt Nam (theo tỷ giá ngoại tệ của ngân hàng Vietcombank ngày 22/3/2022).

Tổng hợp từ Saigon Times – Hình: Internet

Bài trước

Bài tiếp